Cần bằng chứng rõ ràng hơn về bãi đá xây thành nhà Hồ

06/09/2011 13:09 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Vào đầu tháng 8/2011, tỉnh Thanh Hóa đã có những công bố mới nhất về địa điểm khai thác đá phục vụ mục đích xây dựng thành nhà Hồ. Đây được coi là thông tin nóng thu hút sự quan tâm của dư luận không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Cụ thể là tại khu vực núi An Tôn, đoàn khảo sát đã tìm thấy những phiến đá tương tự những phiến đá thành nhà Hồ. Ngoài kích cỡ tương tự, phía tỉnh cũng thông báo cho biết, trên các tấm đá có những vết xước, những hình dạng tác động do gọt đẽo của con người. Và ngay lập tức, những phiến đá này được đánh dấu là đá xây thành nhà Hồ.

Sau 1 thời gian báo chí "sốt" với thông tin này, những người có cái nhìn cẩn trọng hơn bắt đầu đưa ra những nghi vấn về điểm khai thác đá này. Cụ thể, những tàn tích còn lại có đủ minh chứng rằng đây là điểm khai thác đá hay không khi có thông tin cho rằng, núi An Tôn từng là điểm khai thác đá suốt các năm 1964 - 1967, 1980 - 1990, 1995 - 2003, thậm chí có lần có cả thợ ở Nhồi (nổi tiếng ở Thanh Hóa về phá núi) lên khai thác đá xẻ. Ngay thời điểm hiện tại, vẫn có những lò gạch và xe khai thác đá đến điểm này. Tiến sĩ Khảo cổ học Vũ Thế Long trong chuyến khảo sát ngắn tại đây cho rằng, một số phiến đá có 1 mặt vuông vức nhô lên mặt đất, mặt bên dưới chưa được khảo sát cũng được cho là đá xây thành nhà Hồ là kết luận thiếu cơ sở khoa học. Ai có thể khẳng định rằng đó không phải là những viên đá do thợ xẻ bỏ lại sau khi không khai thác điểm này nữa.

Ngay cả những phiến đá vuông vức, lộ nguyên vẹn trên mặt đất có thể giống những viên đá xây thành nhưng những thợ xẻ đá cũng có thể tạo ra những viên đá thế này một cách khá đơn giản. Lý do bởi đặc điểm núi khu vực này là trầm tích xếp ngang thành lớp. Chỉ cần bóc tách và có những tác động không lớn là có thể có được những tấm đá vuông vức. Ngoài ra, khi khảo sát tại địa điểm này, ai cũng có thể nhận thấy đây là một công trường bừa bộn với hàng ngàn tảng đá vụn rải từ khu vực đỉnh xuống tới chân núi. Với công nghệ khai thác đá ngày xưa, đặc biệt là mục đích lấy những phiến đá vuông vức thì rõ ràng, họ không thể phá đá một cách tùy tiện như vậy vì sẽ gây khó khăn cho việc khai thác và vận chuyển từ trên núi xuống.

Trở lại với thời điểm thông tin về bãi đá này xuất hiện, một cộng tác viên của Thể thao & Văn hóa Online đã gửi đến 1 chùm ảnh cho thấy, có những khu vực khai thác đá khác đáng chú ý và thuyết phục hơn. Đó là khu vực núi Rú Thần, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc (cách Thành nhà Hồ 3,5 km về phía Nam). Đoàn khảo sát của Thể thao & Văn hóa cùng Kiến trúc sư Đoàn Đức Thành, nhà Khảo cổ học Vũ Thế Long đã có 1 ngày khảo sát tại đây.

Ghi nhận đầu tiên, đây là dạng núi mâm xôi, đá xếp lớp (cách gọi của người dân địa phương), phù hợp với việc khai thác đá xây thành nhà Hồ. Leo lên khoảng 10m, có thể thấy một bãi bằng, thể hiện đã có sự khai thác của con người. Tại các khu vực xung quanh, nhiều chỏm núi đã mất ngọn, nơi thường có những miếng đá tai mèo (do nước ăn mòn). Xung quanh khu vực này, nhiều tảng đá tai mèo nằm úp ngược xuống dưới chứng tỏ chúng đã bị tác động để khai thác các phiến đá bên dưới. Đặc biệt nhất, nhiều phiến đá lớn, có diện tích lớn hơn hoặc tương đương với các phiến đá ở thành nhà Hồ đã được kích, kê bằng các miếng đá nhỏ, có dấu hiệu của tác động con người và sẵn sàng cho việc khai thác, sử dụng.



TS. Vũ Thế Long và 1 số viên đá được nghi là công cụ kích, kê cho khai thác đá

Khi khảo sát sâu hơn tại các điểm xung quanh những tảng đá đã được kích chờ khai thác, đoàn khảo sát tìm được các mẩu đá có cấu tạo khác biệt hẳn so với các mẫu đá ở núi Rú Thần. Chúng được đẽo gọt công phu và chia làm 2 dạng. Dạng nhọn, bè (giống rìu đá) và vuông, bè (giống gạch). Theo suy đoán (chưa có chứng minh cụ thể) chúng có thể là những công cụ nhằm dùng để chèn, kích, kê những tảng đá đã được bóc tách khỏi các vỉa đá thuộc khu vực núi này.

TS. Vũ Thế Long cho biết: “Đá khu vực núi An Tôn cũng như núi Rú Thần đều phù hợp cho việc khai thác xây dựng thành. Tuy nhiên, với những gì còn xuất hiện ở núi Rú Thần, có nhiều cơ sở khoa học để nghiên cứu hơn là núi An Tôn. Tất nhiên, việc kết luận có đúng đây là công trường khai thác đá cho việc xây dựng thành nhà Hồ không thì còn nhiều việc phải làm. Và chỉ có các nhà khoa học, tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan liên quan mới có thể làm được”.

Ngoài ra, qua chuyến khảo sát, nhiều vấn đề khác cũng đã đoàn đặt ra. Cụ thể như việc vận chuyển đá từ điểm khai thác đến thành bằng voi, trâu hay thuyền. Cơ sở để đưa ra giả thuyết này là bởi trước đây, khu vực núi Rú Thần có 1 con sông được cho là nhân tạo chạy dọc QL45, dẫn thẳng đến thành nhà Hồ. Sau đó con sông này đã được lấp lại xây nhà cho dân ở. Khu vực từ núi An Tôn đến khu vực thành cũng toàn đầm lầy, việc vận chuyển bằng đường bộ rõ ràng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bằng đường thủy. Hơn nữa, bao quanh khu vực thành có rất nhiều sông nhân tạo. Ngoài việc để bảo vệ thành, không loại trừ trường hợp các con sông này đã hỗ trợ nhiều cho việc vận chuyển các phiến đá.

Nghi vấn khác nằm trong “bảo tàng mini” tại thành nhà Hồ là các viên đá tròn được cho là đá dùng làm con lăn các phiến đá lớn. Giả thuyết này có vẻ không phù hợp lắm bởi người dân quanh đây đều cho rằng, dùng thân cây làm con lăn các phiến đá dễ dàng hơn nhiều cách dùng bi đá. Họ cũng xác nhận khi đào ao cũng có gặp những cây gỗ tròn bị bỏ lại. Đối với những viên đá tròn, rõ ràng chúng phù hợp hơn trong việc dùng làm đạn pháo bởi thành nhà Hồ vốn được xây dựng để chống quân xâm lược phương Bắc. Việc cần tích trữ 1 lượng lớn đạn đá trong thành là vấn đề khó có thể phủ nhận.

Mặc dù việc khảo sát của Thể thao & Văn hóa Online chỉ diễn ra trong 1 ngày và chưa thể đi đến kết luận gì nhưng rõ ràng, nhiều bằng chứng hợp lý hơn từ người dân đã được đưa ra. Mong rằng, các nhà khoa học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa sẽ có đủ kinh phí, phương tiện hơn trong việc xác định các chứng cứ khoa học liên quan đến việc xây dựng thành nhà Hồ.

Cao Mạnh Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm