30/11/2023 23:27 GMT+7 | Văn hoá
Người Việt vẫn thường nói “Phúc đức tại mẫu” với ý nghĩa nhắc nhở mọi người nhớ công ơn cha mẹ, ăn ở hiền hòa với mọi người, khuyến thiện, trừ ác để con cháu được hưởng những điều an lành.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng cội nguồn thuần Việt. Kinh Bắc - Bắc Ninh được coi là một trong những nôi hình thành Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam với nhiều truyền thuyết thờ mẫu xuất hiện sớm như: Truyền thuyết về mẫu Man Nương ở vùng Dâu, truyền thuyết mẫu Âu Cơ vùng Thuận Thành, truyền thuyết Bà Chúa Kho... Những vị thần trong Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ là hiện thân của các nhân vật có thật trong lịch sử, những anh hùng dân tộc có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Các vị tiên thiên thánh mẫu tiêu biểu ở Bắc Ninh như: Quốc mẫu Âu Cơ, Thánh mẫu Tam Giang, Thánh mẫu Phạm Thị, Phật mẫu Ỷ Lan; Bà Chúa Sành sáng tạo nghề gốm; Đức Vua Bà sáng tạo Dân ca Quan họ...
Giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ Mẫu chính là tâm hướng thiện. Mẫu dạy con người sống với tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên, biết ơn những người có công với dân, với nước, hòa đồng với thiên nhiên. Theo kết quả khảo sát của cơ quan chuyên môn năm 2022, toàn tỉnh hiện có 598 điện, ban thờ mẫu trong chùa; 84 ngôi đền, miếu của cộng đồng; 423 am, điện, ban thờ mẫu trong các tư gia. Gắn liền với di tích thờ mẫu là hơn 200 lễ hội có nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó diễn xướng hầu đồng là nghi lễ đặc trưng và điển hình. Riêng năm 2022, trên địa bàn tỉnh có gần 1200 buổi hầu đồng, chứng tỏ việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Bắc Ninh.
Nhìn ở góc độ văn hóa, nghi lễ hầu đồng, còn gọi chầu văn là nghi lễ tín ngưỡng dân gian tổng hợp, đậm bản sắc, giàu giá trị và liên quan đến nhiều bộ môn nghệ thuật khác như âm nhạc, ca kịch, múa, trang trí, hội họa, tạo hình... Hiểu đơn giản, hầu đồng là hình thức diễn xướng với nghi lễ nghiêm trang kết hợp âm nhạc mang tính tâm linh, lời ca trau chuốt cùng những vũ điệu để con người có thể giao tiếp với thần linh. Nhạc và lời chầu văn có sức khái quát, tượng trưng cao, khi thì mô tả, trần thuật, kể sự tích, ngợi ca, khi là cầu mong, khát vọng mãnh liệt, muốn vươn tới những điều thiêng liêng, tuyệt đỉnh nào đó mà con người chưa với tới được.
Âm nhạc chầu văn thuần khiết, lôi cuốn vừa huyền thoại vừa chân thực, vừa thần thánh vừa phàm tục nên mê hoặc người nghe suốt nhiều giờ liền không biết chán. Một nhà nghiên cứu Nhật Bản đánh giá “Chầu văn là nghệ thuật ca nhạc vừa có sự yên lắng suy tư, vừa có gió bão mãnh liệt”. Thông thường có 36 giá hầu đồng, mỗi giá miêu tả về sự tích của một nhân vật, một vị thánh với nghi lễ nhảy múa, phán truyền, ban lộc...
Những người trực tiếp thực hành nghi lễ giá hầu đồng gọi là thanh đồng, nếu là nam thì gọi là đồng cậu, còn là nữ thì gọi cô đồng hoặc bà đồng. Khi diễn xướng nghi lễ, người hầu đồng diễn tả lại tính cách, cuộc đời của vị thánh mà mình đang hầu, xung quanh có các tín đồ hầu dâng giúp việc, người đàn, người hát văn. Không có thanh đồng nào hầu hết 36 giá mà họ chỉ hầu một số giá đồng được coi là căn mạng chính của họ. Trang phục của thanh đồng cũng rất phong phú, đa dạng, với những màu sắc khác nhau như màu đỏ, màu trắng, màu vàng, màu xanh, tùy theo nội dung của từng giá đồng, thể hiện rõ đặc tính, nguồn gốc xuất thân của từng vị thánh.
Mỗi màu tượng trưng cho một miền của vũ trụ, chẳng hạn miền trời tượng trưng bằng màu đỏ (Thiên phủ), màu đất là màu vàng (Địa phủ), màu sông biển là màu trắng (Thoải phủ), miền rừng núi là màu xanh (Thượng ngàn). Năm 2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kể từ đó, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di sản diễn ra khá sôi động, song cũng đang có chiều hướng khó kiểm soát, bộc lộ những tồn tại hạn chế. Qua thực tiễn quản lý về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh của cơ quan chuyên môn cho biết, hiện nay ở Bắc Ninh xuất hiện một số cá nhân coi việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu như một nghề, lợi dụng lòng tin của mọi người để trục lợi, thương mại hóa di sản, làm sai lệch giá trị chân, thiện, mỹ của di sản.
Cá biệt có một số tổ chức, diễn đàn trao tặng các danh hiệu, giấy khen, giải thưởng, chứng chỉ không đúng chức năng để huy động nguồn lực từ thanh đồng đã gây ra bức xúc, rối loạn, hiểu lầm trong cộng đồng. Và cũng bởi thiếu hiểu biết hoặc hiểu chưa đúng về giá trị đích thực của nghi lễ hầu đồng nên việc thực hành diễn xướng có lúc không diễn ra trong không gian văn hóa linh thiêng vốn gắn với đạo Mẫu, dẫn đến sự lệch lạc trong nhận thức của người dân về giá trị di sản. Số lượng người dân tham gia sinh hoạt tín ngưỡng ngày một tăng cũng làm ảnh hưởng tới công việc làm ăn, hạnh phúc gia đình...
Để gìn giữ nét đẹp của di sản tín ngưỡng thờ Mẫu và đưa hoạt động thực hành hầu đồng đi đúng quỹ đạo cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các thanh đồng và người dân để phân biệt được ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín của hầu đồng, giúp người dân hiểu sâu sắc hơn những giá trị đích thực của di sản, từ đó góp phần hạn chế hành vi tiêu cực, thương mại hóa...
Đặc biệt là vai trò phối hợp quản lý di sản của các đơn vị, tổ chức liên quan cũng được đặt ra. Theo ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh phù hợp với điều kiện thực tiễn; xây dựng chương trình hành động về bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác phối hợp quản lý, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu giữa các ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Công an các địa phương để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh trong thực hành tín ngưỡng của nhân dân và để việc thực hành, trao truyền, phát huy di sản đúng với ý nghĩa bản sắc tốt đẹp vốn có.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất