Khi thờ Mẫu bước vào truyện tranh Việt

15/02/2023 19:00 GMT+7 | Văn hoá

Hơn 3 năm kiên trì với dự án truyện tranh Tứ Phủ Xét Giả, cuối cùng nhóm tác giả Rover Studio cũng đã chạm tới thành quả đầu tiên. Tập 1 của bộ sách vừa chính thức ra mắt ngày 11/2 vừa qua.

Là bộ truyện tranh hành động giả tưởng, Tứ Phủ Xét Giả (Tri Thức Trẻ Books và NXB Dân trí ấn hành) gắn với số phận của Long - một học sinh cấp 3 luôn là nạn nhân của bạo lực học đường.

Lấy cảm hứng từ văn hóa lịch sử Việt Nam

Truyện mở đầu bằng giờ học văn trên lớp với tác phẩm Vợ chồng A Phủ, kèm theo là những liên tưởng tiêu cực của của Long về số phận và thế giới. Dù vậy, từ đáy lòng, Long vẫn luôn mong một ngày nào đó vượt qua nỗi sợ của bản thân để đứng lên bảo vệ lẽ phải.

Do một sự tình cờ, cậu học sinh này bị cuốn vào một cuộc chiến giữa các lực lượng siêu nhiên thần bí. Được cứu sống, Long biết thêm về những vị thần luôn đứng sau hỗ trợ những con người có nỗ lực và khát vọng vượt lên chính mình. Dần đồng hành cùng một lượng thần bí mang tên Tứ Phủ Xét Giả, Long hiểu ra: Mỗi người đều có quyền quyết định cuộc đời mình. Có chăng, nếu biết trân trọng bản thân, chúng ta sẽ nhận ra những ngả rẽ từ sâu thẳm trong tâm hồn để tự thay đổi…

Khi thờ Mẫu bước vào truyện tranh Việt - Ảnh 1.

Tập 1 của “Tứ Phủ Xét Giả” vừa ra mắt

Với một đề tài hiện đại như vậy, điểm độc đáo của Tứ Phủ Xét Giả còn nằm ở việc một số nhân vật được xây dựng dựa trên cảm hứng từ chất liệu văn hóa lịch sử Việt Nam. Đó là tín ngưỡng thờ Mẫu với những Tam Tòa Thánh Mẫu, Tứ Phủ; là các yếu tố văn hóa dân gian với những Nghê Thần, Thần Trùng; những nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Cao Mang… Dù thể hiện bằng phong cách hiện đại và gắn với một câu chuyện hoàn toàn giả tưởng, độc giả vẫn có thể nhận ra những "nguyên mẫu" này qua phần chú giải, đồng thời cũng là phần giới thiệu tóm tắt về kiến thức ở cuối mỗi chương.

Như lời Lê Văn Hiếu - đại diện nhóm tác giả Rover Studio - ý tưởng viết Tứ Phú Xét Giả được khởi nguồn từ những bộ dữ liệu của truyện tranh quốc tế. Dù vậy, trong quá trình phát triển, các tác giả này đã đi sâu tìm hiểu và nhận ra: Văn hóa, lịch sử Việt Nam cũng là một nguồn tài nguyên khổng lồ và có sức hút đặc biệt. Từ đó, ý tưởng khơi gợi, giới thiệu một số nét văn hóa dân gian và lịch sử Việt Nam qua bộ truyện tranh đã hình thành.

Để có thể làm được điều này, nhóm tác giả đã phải bỏ khá nhiều thời gian để tìm hiểu các tư liệu liên quan, cũng như xin ý kiến từ một chuyên gia để chọn lọc chất liệu sử dụng cho bộ truyện. "Có nhà văn nói với chúng tôi: Viết về thờ Mẫu mà không nói chuyện hầu đồng hoặc cúng bái thì viết làm gì? Thật ra, những kiến thức như vậy rất phức tạp và khó có thể trình bày trong truyện tranh. Thêm nữa, dù cố gắng, tầm hiểu biết của chúng tôi cũng chỉ có thể dừng ở việc giới thiệu một số kiến thức sơ khai tới độc giả, chứ chưa thể đào sâu về văn hóa, tập tục như các công trình chuyên biệt" - Hiếu thẳng thắn nói.

Khi thờ Mẫu bước vào truyện tranh Việt - Ảnh 2.

Từ phải qua: Các tác giả Nguyễn Quốc Trung, Lê Văn Hiếu của nhóm Rover Studio và đại diện Tri Thức Trẻ Books trong buổi ra mắt sách

Dự kiến 21 - 24 tập

Sinh năm 1995, tốt nghiệp kiến trúc, Lê Văn Hiếu là một trong những sáng lập viên của nhóm tác giả Rover Studio. 6 gương mặt còn lại cũng đều thuộc độ tuổi 9X như Hiếu, đều có chung đam mê với việc sáng tác truyện tranh Việt và từng tham gia một số dự án trước đó.

Tứ Phú Xét Giả là tác phẩm dài hơi và quan trọng nhất của nhóm cho tới thời điểm này. Được bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2020, lần lượt 10 chương đã được Rover Studio phát hành online trên fanpage để theo dõi, ghi nhận các ý kiến của độc giả.

Dù chỉ dừng ở mức lấy cảm hứng và phóng tác - thay vì hoàn toàn là một bộ truyện tranh lấy nội dung về lịch sử Việt Nam hoặc thờ Mẫu - nhóm tác giả vẫn hy vọng những gì được khơi gợi, giới thiệu vẫn sẽ giúp độc giả lôi cuốn và có sự tò mò, hứng thú về lĩnh vực này.

Và thực tế cho thấy ý tưởng ấy đã thành công bước đầu: Trong 3 năm qua, mỗi chương được phát hành online của Tứ Phủ Xét Giả đều nhận được sự tán thưởng từ độc giả. Đến nay, lượng người theo dõi tác phẩm đã lên tới hơn 35 nghìn người tại Việt Nam và con số này vẫn tiếp tục tăng.

Riêng với bản sách giấy vừa ra mắt (bao gồm 4 chương đầu và được tinh chỉnh, hoàn thiện từ bản online), 1.500 cuốn Tứ Phủ Xét Giả tập 1 đã được bán hết ngay trong tuần đầu tiên phát hành. Theo bản thảo được chuẩn bị, toàn bộ nội dung Tứ Phủ Xét Giả dự kiến gồm 6 phần, với số lượng tổng thể khoảng 21 - 24 tập sách. Trong đó, phần 1 của cuốn sách gồm 3 tập với 14 chương.

Như lời Hiếu, với những khó khăn hiện có của thị trường truyện tranh Việt, nhóm Rover Studio chủ yếu vẫn phải chọn cách nhận thêm các dự án từ bên ngoài để có thể hoạt động và theo đuổi dự án Tứ Phủ Xét Giả của mình. Đó là một nỗ lực đáng kể, nếu xét tới kế hoạch xuất bản các tập tiếp theo của bộ sách với tiến độ 2 -3 tháng/tập.

"Thẳng thắn, nếu xét ở góc độ kinh tế, thì hầu hết các tác giả truyện tranh Việt Nam hiện nay đều khó sống được bằng nghề" - Hiếu chia sẻ - "Điều khiến chúng tôi, cũng như các nhóm tác giả khác, theo đuổi công việc này là sự hy vọng vào việc tạo dựng thương hiệu của dòng truyện tranh Việt Nam trong tương lai, để khi ấy mọi thứ sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn".

Độc giả 16+


Thực tế, dù không phải là truyện tranh lịch sử, Tứ Phủ Xét Giả cũng đặt ra những yêu cầu nhất định khi sáng tác. Chẳng hạn, như chia sẻ từ nhóm tác giả, nguyên mẫu Trần Hưng Đạo là anh hùng dân tộc được người Việt rất mực kính trọng và tôn thờ. Do vậy, dù là chỉ mượn cảm hứng, nhân vật phóng tác trong thế giới của Tứ Phủ Xét Giả cũng không thể giữ nguyên cái tên Trần Quốc Tuấn như dự kiến.


Ngoài ra, do cốt truyện khá nặng nề và đôi chỗ sử dụng một số ngôn ngữ đời thường, nên bộ truyện được gắn dòng chữ dành cho độc giả trưởng thành, nghĩa là ở độ tuổi 16+.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm