Bảo tồn cầu Long Biên: Bắt buộc phải 'đẩy' cầu mới ra gần 200m

26/02/2014 09:00 GMT+7 | Di sản


(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ kiến nghị bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên, rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng đề nghị: cây cầu đường sắt xây mới phải được đặt cách cầu cũ gần 200m để không phá vỡ các yếu tố cảnh quan và lịch sử.

1. Các ý kiến trên được đưa ra tại cuộc tọa đàm Bảo tồn cầu Long Biên trong phát triển đô thị (Khoa Kiến trúc Công trình, Trường ĐH Phương Đông tổ chức vào chiều 25/2). Trước đó, ngày 21/2, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 1787 gửi thành phố Hà Nội, kiến nghị lựa chọn phương án xây cầu đường sắt vượt giao thông ở phía thượng nguồn sông Hồng, cách cầu Long Biên 30m.

Công văn trên cũng đồng nghĩa với việc 3 phương án trực tiếp “sửa” cầu Long Biên được đưa ra trước đó nhiều khả năng sẽ không thành hiện thực. Trả lời báo giới, đại diện Bộ GTVT cho biết: các phương án này chỉ được đưa ra để... nghiên cứu thêm.


Cầu Long Biên hiện tại

Tuy nhiên, theo phân tích của các KTS tại cuộc tọa đàm, dù không trực tiếp “chạm” vào cầu Long Biên, phương án này cũng gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước đó, năm 2009, cơ quan tư vấn JICA (Nhật Bản) đã giới thiệu với Hà Nội 3 phương án xây dựng cầu đường sắt mới tại các vị trí cách cầu Long Biên 30m, 187m và 500m. Đây là kết quả của một công trình nghiên cứu 7 năm về quy hoạch giao thông Hà Nội, trong đó “đề bài” đã mặc định sẽ giữ cây cầu Long Biên ở nguyên trạng.

“Các bạn Nhật Bản rất tôn trọng các di sản văn hóa Hà Nội. Họ khuyến cáo chúng ta giữ cầu Long Biên bằng mọi giá, bởi đây là 1 trong 4 hệ thống kiến trúc tiêu biểu nhất của lịch sử thủ đô, bao gồm cầu Long Biên, khu phố cổ, khu phố Pháp cũ và Hoàng thành” – PGS. KTS Nguyễn Hồng Thục (Liên hiệp các Hội khoa học và kĩ thuật VN) cho biết.

Là một trong những KTS trực tiếp làm việc với JICA tại dự án trên, bà Thục cho biết: các chuyên gia trong và ngoài nước đều lên tiếng đề nghị Hà Nội chọn phương án xây cầu mới cách 186m. Kết quả nghiên cứu và khảo sát của JICA cho rằng việc xây cầu mới chỉ cách Long Biên 30m sẽ tạo ra nhiều tác động tiêu cực cả về cảnh quan lịch sử, không gian phố cổ, ô nhiễm môi trường hay cả việc vận hành đường sắt trong tương lai.

Đặc biệt, theo số liệu do JICA đưa ra, việc xây dựng cầu theo phương án “186m” chỉ tốn thêm 2,1% so với kinh phí trong phương án “30m”. Thậm chí, phương án này chỉ cần giải tỏa 140 hộ dân, so với 150 hộ của phương án “30m”. Trong khi đó, phương án xây cầu mới cách 500m đươc coi là hoàn hảo, nhưng phải giải tỏa tới 500 hộ dân.


Ba phương án xây dựng cầu đường sắt mới tại sông Hồng, gần cầu Long Biên của Nhật Bản

2. Thậm chí, vào tháng 7/2010, Chính phủ cũng đã có thông báo số 200/ TT- VPVP nêu kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Đồng ý phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên cũ 186m, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất với UBND TP.Hà Nội để xử lý cụ thể”. Bởi vậy, bà Thục và các cộng sự đều “ngã ngửa người” khi nghe các thông tin về 3 phương án “phẫu thuật” cầu Long Biên được đưa ra trong thời gian qua.

Tại cuộc hội thảo chiều 25/2, rất nhiều KTS đã nhắc tới thái độ “nửa vời” của ngành giao thông, khi... luyến tiếc chức năng, vị trí giao thông của cầu Long Biên. “Thử tưởng tượng, nếu cây cầu Long Biên tồn tại trong cảnh bị một cây cầu đồ sộ gấp đôi... đè sát thì người ta sẽ nhìn nó như thế nào?” – PGS Thục đặt câu hỏi.

“Rất dễ hiểu, khi ngành giao thông muốn xây cây cầu mới “đè” lên vị trí của Long Biên hiện tại, hoặc chỉ dịch ra cách đó vài chục mét. Bởi, đó là luồng đường sắt đã có từ 100 năm và hạn chế tối đa khâu giải phóng mặt bằng” – KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên KTS trưởng TP. Hà Nội) nhận xét. “Nhưng, chúng ta phải nhớ: đó là quy hoạch từ thời Pháp, cho một thành phố chỉ có vài chục vạn dân và chưa được mở rộng địa giới ra gấp hàng chục lần như hiện tại”.

Rất nhiều KTS tại cuộc tọa đàm đã đề nghị: ngành Giao thông nên công khai chi tiết 3 phương án xây cầu mới mà JICA đề nghị, kèm theo đó là những số liệu về kinh phí đầu tư, để dư luận cùng tiếp tục có ý kiến.

"Nếu đã coi cầu Long Biên là một di sản văn hóa cần bảo tồn, thì chúng ta phải thay đổi góc nhìn về nó ở thời điểm này. Cụ thể, việc xây một cây cầu mới ở vị trí xa hơn có thể gây tốn kém hơn. Nhưng đó là điều bắt buộc phải làm, chứ không thể đưa ra những phương án theo kiểu... nửa vời" – phát biểu của GS. KTS Hoàng Đạo Kính (Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia).

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm