17/04/2011 07:04 GMT+7 | Thể thao
(TT&VH Cuối tuần) - Những nỗ lực tuyệt vời của nhà chức trách, sự hợp tác của cổ động viên và các đội bóng trong khoảng một thập kỷ trở lại đây đã khiến vấn nạn bạo lực bóng đá từng là một vấn đề nhức nhối liên quan đến sinh mạng con người tại Anh giảm đi rất nhiều, nhưng khi EURO 2012 đang đến gần và những vụ đụng độ lẻ tẻ giữa các nhóm cổ động viên bùng phát khắp châu Âu, nỗi ám ảnh lại trở về.
“Căn bệnh dịch từ Anh”
![]() Thảm họa Heysel năm 1985 khiến 39 CĐV Juventus thiệt mạng-Ảnh Getty |
Vấn nạn bạo lực trong bóng đá Anh từng nghiêm trọng tới mức vào những năm 1970 - 1980, nạn hooligan trên các khán đài khắp châu Âu được đặt luôn cho cái tên là “căn bệnh dịch từ Anh”. Không phải ngẫu nhiên mà tình hình tồi tệ như thế. Cùng với việc là nơi ra đời của môn bóng đá, nước Anh có lẽ cũng là nơi có các cổ động viên (CĐV) quá khích đầu tiên. Từ tận những năm 1880, các trận derby địa phương đã là nguồn gốc cho nhiều cuộc loạn đả, tấn công trọng tài và cầu thủ đối phương, khi mà tình trạng an ninh còn hết sức sơ sài.
Nhưng “căn bệnh dịch Anh” chỉ bắt đầu lan nhanh vào những năm 1970-1980. Thập kỷ 1970 của thế kỷ trước, các nhóm CĐV quá khích bắt đầu hoạt động một cách có tổ chức. Ở Arsenal, Birmingham, Derby, Barnet, M.U, Chelsea, Bolton, Tottenham, West Ham... và nhiều câu lạc bộ khác hầu như đều tồn tại những nhóm quá khích có tên gọi riêng, những kẻ thù riêng và thậm chí có cả tôn chỉ hoạt động nhuốm màu bạo lực.
Những vụ bạo động xảy ra liên tục. Trong năm 1973, một vụ hỗn loạn xảy ra ở M.U khi đội này rớt hạng. Cũng trong năm đó, một CĐV trẻ của Blackpool bị một CĐV Bolton đâm chết tại sân Bloomfield Road trong một trận đấu ở giải hạng Nhì. Năm 1975, trận chiến trụ hạng giữa Chelsea và Tottenham đã trở thành một cuộc loạn đả thực sự bên ngoài sân bóng. Tháng 3/1978, hàng chục người bị thương nặng trong một vụ bạo động khác khi những CĐV của Ipswich và Millwall lao vào nhau với chai lọ, dao, thanh sắt và thanh bê-tông trong tay ở trận tứ kết Cúp FA.
Đỉnh điểm là ngày 29/5/1985, khi 39 CĐV Juventus bị giẫm đạp đến chết ở trận chung kết Cúp C1 với Liverpool tại sân Heysel (Brussels, Bỉ), sự kiện sau này được nhắc lại với cái tên tang tóc “Thảm họa Heysel”. Sau sự kiện này, các câu lạc bộ Anh bị cấm đá ở mọi giải châu Âu trong vòng 5 năm. Cũng tháng 5/1985, một cậu bé 14 tuổi thiệt mạng tại sân St.Andrews vì bị đè vào tường trong cuộc vây ráp của cảnh sát với hai nhóm CĐV Birmingham và Leeds biến sân bóng thành vũ đài. Trong phán quyết của thẩm phán Popplewell về vụ việc, ông đã nói bóng đá ở Anh vào năm 1985 giống “trận Agincourt (một trận đánh lớn diễn ra ngày 25/10/1415 ở thị trấn Agincourt thuộc vùng Lorraine ở phía Đông Bắc nước Pháp mà quân Anh đã thắng quân Pháp - TT&VH Cuối tuần) hơn là một trận bóng đá”.
Các CĐV Millwall lại dính vào vụ bạo lực bóng đá tồi tệ thứ ba của họ trong vòng một thập kỷ vào tháng 1/1988, khi 41 người bị bắt giữ trong cuộc đồ sát giữa hai nhóm CĐV quá khích “The Herd” của Arsenal và “Millwall Bushwackers” trong một trận đấu ở FA Cup. Vụ việc đó như lời cảnh báo trước cho thảm họa kinh hoàng, còn hơn cả Heysel, ở Hillsborough vào ngày 15/4/1989, khi 96 người chết và 766 người bị thương vì khán đài sập, chen lấn, giẫm đạp, một số người chết vì bị ép vào hàng rào sắt ngăn sân bóng với khán đài, trong trận bán kết Cúp FA giữa Sheffield Wednesday và Liverpool. Hôm nay là kỷ niệm 22 năm ngày xảy ra thảm họa Hillsborough nhưng từ đầu tuần, khi trận đấu giữa Liverpool và Man.City thuộc vòng 32 Premier League diễn ra ở Anfield, người ta đã dành một phút mặc niệm cho 96 nạn nhân xấu số.
Với sự cứng rắn của nhà chức trách, những thảm họa như thế không còn lặp lại, nhưng không phải là thiếu những cuộc bạo loạn kể từ sau 1989. Tháng 2/1995, trong trận Anh - Ireland, các CĐV Anh đụng độ dữ dội với cảnh sát, 50 người bị thương. Năm 1996, sau trận thua của Anh trước Đức tại bán kết EURO 1996, bạo động quy mô lớn bùng phát ở quảng trường Trafalgar, London, khiến nhiều người bị thương, một CĐV trẻ người Nga bị đâm ở Brighton, vì bị tưởng nhầm là người Đức. Tại World Cup 1998 ở Pháp, 100 CĐV, hầu hết là người Anh, bị bắt khi họ ẩu đả với những người dân bản địa tại Marseille. Còn mới đây nhất là những vụ việc như một người bị đâm trọng thương bên ngoài sân Upton Park ngày 25/8/2009 khi West Ham gặp Millwall ở vòng hai League Cup, hay tháng 12/2010, khi những CĐV của hai câu lạc bộ cùng thành phố Aston Villa và Birmingham loạn đả ở sân St.Andrews làm 14 người bị thương.
Nhà chức trách đã làm gì?
Mặc dù còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nhà chức trách, cả chính quyền và bóng đá ở Anh, đã làm được một khối lượng công việc khổng lồ để ngày nay, mỗi cuối tuần chúng ta lại được chứng kiến qua truyền hình những trận đấu với các khán đài chật ních khán giả, hết sức sôi động, nhưng luôn trong trật tự kỷ cương.
Những giải pháp ban đầu khá cực đoan và mang nhiều tính trấn áp, như việc sử dụng hàng rào lưới thép ngăn cách sân bóng với các khán đài, một biện pháp cuối cùng phải chấm dứt sau thảm họa Hillsborough năm 1989.
Dưới thời của mình, “Bà đầm thép của nước Anh”, nữ Thủ tướng Margeret Thatcher, đã luôn coi việc đối phó với nạn hooligan bóng đá là một phần quan trọng của chương trình nghị sự. Năm 1985, năm xảy ra thảm họa Heysel làm bẽ mặt nước Anh trên toàn châu Âu, một “Nội các chiến tranh” từng được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bà Thatcher. Bộ trưởng Thể thao Colin Monyhan trong nội các này thậm chí đã cố gắng tiến hành một chiến dịch cấp phát căn cước cho từng CĐV bóng đá, hòng quản lý những kẻ gây rối. Một đạo luật đặc biệt, Luật về những người xem bóng đá, được Quốc hội Anh thông qua nhằm siết chặt kỷ luật ở các sân bóng vào năm 1989, sau vụ Hillsborough. Luật áp dụng cho tất cả các trận bóng đá trên toàn lãnh thổ Anh và Wales. Đến nay, luật này đã được thực thi triệt để và được sửa đổi ba lần vào các năm 1999, 2000 và 2006.
Theo luật này, một ủy ban cấp giấy phép cho các sân bóng, trực thuộc chính phủ, được thành lập để xem xét và quyết định có cho phép tổ chức những trận đấu bóng đá hay không. Năm 1991, việc xúc phạm người khác và hô các khẩu hiệu mang tính phân biệt chủng tộc ở các sân bóng chính thức bị cấm trong một đạo luật khác, cũng chỉ để điều chỉnh hoạt động hooligan bóng đá và năm 2000, những CĐV Anh không có nhân thân tốt bị cấm ra nước ngoài xem các trận đấu của đội tuyển hay câu lạc bộ nước này.
Và không chỉ có việc hoàn thiện và thực thi pháp luật. Từ những năm 1980, Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) đã xin và được chấp thuận cho phép cài nhân viên an ninh vào các trận đấu để dập tắt mầm mống bạo động ngay từ trên khán đài. Tuy nhiên, biện pháp này sau đó gây ra tranh cãi do xung đột với các quyền hợp pháp của những CĐV vô tội. Biện pháp kinh tế, với việc tăng mạnh giá vé ở Premier League khi giờ đây tất cả sân bóng đều phải là sân chỗ ngồi toàn bộ, thay vì có cả chỗ đứng như trước kia, khiến các CĐV khách nản lòng trong những chuyến đi xa, cũng được áp dụng. Ngoài ra, bóng đá trên truyền hình cũng đã giúp chấm dứt cảnh tượng hàng đoàn CĐV, dù không có vé, vẫn tụ tập ở những địa điểm công cộng để chờ kết quả đội nhà và đó là mầm mống hiển hiện của những vụ xung đột đẫm máu trong quá khứ. Công nghệ còn mang tới một lợi thế khác cho nhà chức trách: hệ thống giám sát hooligan trên các khán đài, khi giờ đây mọi diễn biến nhỏ nhất trên sân đều không qua được các ống kính camera.
Tất cả những điều đó đã giúp chúng ta có được các trận đấu hòa nhã, sôi động và hấp dẫn trên truyền hình như bây giờ.
39 Trong “Thảm họa Heysel”, 39 CĐV Juventus bị giẫm đạp đến chết ở trận chung kết Cúp C1 với Liverpool diễn ra ngày 29/5/1985 tại sân Heysel (Brussels, Bỉ). Sự kiện này khiến các đội bóng Anh bị cấm thi đấu 5 năm ở châu Âu. 96 Tồi tệ hơn Heysel, “Thảm họa Hillsborough”, diễn ra ở sân Hillsborough vào ngày 15/4/1989 trong trận bán kết FA Cup giữa Sheffield Wednesday và Liverpool, khiến 96 người tử nạn. Hôm nay là ngày kỷ niệm tròn 22 năm xảy ra “Thảm họa Hillsborough”. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất