Bóng đá Italia: Gian nan cuộc chiến chống ultra

17/04/2011 07:06 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Cuối tuần) - Sáng kiến đưa ra từ đầu mùa bóng này được coi là một ý tưởng tuyệt vời nhằm kiểm soát lũ tifosi điên cuồng. Với việc mỗi tifoso phải đăng ký một chiếc thẻ điện tử ghi danh tính cá nhân và trình ra cho lực lượng an ninh ở các trận đấu, việc kiểm soát tình trạng bạo lực trên các khán đài trở nên dễ dàng hơn. Nhưng ngay từ đầu, điều này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của các nhóm ultra. Một lý giải rất đơn giản: Chúng muốn tự do biểu lộ “cảm xúc bạo lực” của mình một cách “vô danh” mà cảnh sát không thể nào biết được chúng là ai.

“Thẻ tifosi điên rồ”, “Những người mua vé dài hạn là lũ tôi mọi của nhà nước”... Những biểu ngữ như thế xuất hiện ở khắp nơi trên các bức tường sân vận động (SVĐ) ở Italia, trên đường phố, tại các trường học, các bến xe bus, tàu điện ngầm và đã trở thành lời tuyên chiến của lũ ultra Italia đối với nhà chức trách, những người đã tiến hành cuộc chiến chống bạo lực trên sân cỏ ròng rã nhiều năm qua mà chưa có được chiến thắng cuối cùng.

Lửa và pháo sáng, màu của bạo lực trên các khán đài-Ảnh Getty

Cuộc chiến của lũ ultra chống chính quyền là một cuộc chiến tranh thầm lặng. Nhưng người ta vẫn cảm thấy sức nóng của nó và các tifosi chân chính trở thành nạn nhân của chúng: Kể từ đầu mùa bóng đến giờ ở Serie A, đã có hơn 10 trận đấu diễn ra trong tình trạng căng thẳng tột độ, khi người ta sợ hãi trước nguy cơ bạo lực đến mức cấm tiệt các tifosi đội khách đến các sân “có vấn đề”. Trận derby xứ Puglia giữa Lecce và Bari đã phải diễn ra trên sân không có khán giả, một loạt các trận đấu sân khách của Napoli không có sự tham gia của các cổ động viên (CĐV) Napoli vì nhiều nhóm ultra Napoli từ lâu đã nổi tiếng là hay gây gổ. Mục tiêu của cuộc chiến mà các ultra nhắm tới là Italia phải từ bỏ phương cách bắt các tifosi đăng ký thẻ CĐV theo sáng kiến của Bộ trưởng Nội vụ Roberto Maroni, một loại thẻ đặc biệt có ghi nhân thân của các tifosi và có tác dụng kiểm soát số lượng tifosi đến sân, ngăn ngừa các vụ bạo động có thể xảy ra một khi cảnh sát biết rõ người cầm thẻ là ai. Đối tượng nhắm tới của thẻ là gần 1 triệu tifosi thường xuyên đến các sân bóng và có đăng ký vé dài hạn xem các trận sân nhà của đội mình. Với thẻ CĐV, người ta biết rất rõ họ là ai, họ có đăng ký xem các trận sân nhà của đội bóng, có thường xuyên đến sân khách và có tiền án tiền sự không. Nhưng trên thực tế, thẻ CĐV không kiểm soát được tình hình. Vẫn có nhiều nhóm tifosi vào sân thậm chí không cần thẻ!

Câu hỏi nghiêm trọng đặt ra đối với nhà chức trách, là điều gì đang xảy ra xung quanh các sân bóng sau khi thẻ này bắt đầu có giá trị thực tiễn, tại sao và làm thế nào mà các nhóm ultra cực hữu vẫn có thể tránh được các đợt kiểm soát thẻ CĐV gắt gao và vẫn vào được sân để quậy phá? Một câu hỏi nữa, cũng gần như là câu trả lời: Thẻ CĐV đã được áp dụng, nhưng việc một số trận đấu mùa này vẫn phải diễn ra trong tình trạng đóng kín cửa, không có khán giả, có thể cho rằng sáng kiến của Maroni đã thất bại? Trên thực tế là gần như thế. Hầu hết các nhóm ultra Italia, chiếm một số lượng khá đông đảo trong số các tifosi Italia, đã tẩy chay thẻ CĐV. Một số ít có đăng ký thẻ CĐV vẫn quậy phá, và việc nhiều ultra nằm trong tầm kiểm soát của cảnh sát vẫn có thể quậy phá trong những trận đấu có “tiền sử” va chạm giữa các nhóm ultra thù địch như Lazio và Roma, Palermo và Catania, Bari và Napoli, Atalanta và Brescia, cho thấy chúng vẫn “kháng chiến” một cách rất có tổ chức và khiến các nhà chức trách điêu đứng.

Những luật lệ bị phá bỏ

Các ultra không hề đăng ký thẻ CĐV. Nhưng mỗi Chủ nhật, chúng vẫn vào sân đều đặn bằng một thủ thuật đơn giản: Chúng mua vé ở các khán đài đắt tiền hơn, không ngồi ở các khu khán đài sau khung thành (curva) như các ultra vẫn làm và trà trộn vào các CĐV đội khách. Trận Milan - Roma trước Giáng sinh được coi là một trận đấu có nguy cơ bạo lực cao độ, nhưng vẫn mở cửa cho các tifosi vào sân bởi cảnh sát lo ngại bạo lực có thể xảy ra từ một vài nhóm ultra Roma, kể cả khi chúng không vào sân San Siro. Nhưng những tên ultra đã vào được sân thì coi đó là một cơ hội để gieo rắc nỗi sợ hãi cho tất cả những ai có mặt bằng những lời đe dọa với những ai có đăng ký thẻ CĐV. Chúng có mặt ở tất cả các khán đài và trà trộn vào các CĐV đội nhà. Chúng bảo, “Bọn mày cần phải biết sợ hãi” và dọa sẽ khủng bố những người này nếu họ theo đội nhà đến sân của đội chúng. Theo cách trà trộn ấy, 800 tên ultra Genoa đã có mặt ở Udinese, 200 tên Brescia ở Lecce, 500 tên ultra Sampdoria đến quậy ở sân của Juventus, 100 tên Fiorentina ở Genova, 500 tên Juventus trong trận đấu với Milan...

Cho đến thời điểm này, chiến thuật chủ yếu của lũ ultra là “nhẹ nhàng”, dù một trong số những trùm ultra nổi tiếng ở Napoli khẳng định, “nhẹ nhàng không có nghĩa là sẽ không có gì xảy ra”. Được tổ chức rất tốt, có ý tưởng rõ ràng và chiến thuật uyển chuyển, chúng tìm đủ mọi cách để phá hoại “sáng kiến Maroni”. Đầu mùa bóng, hơn 60 trùm ultra từ mọi nơi trên Italia đã tiến hành hai cuộc họp, ở Catania và Roma, và đi đến thống nhất về cách thức thực hiện: Chúng đặt mua một số lượng lớn vé vào sân ở nhiều trận của Serie A, ở nhiều khán đài khác nhau. Claudio Galimberti, tên lóng là “Bocia”, trùm ultra ở khán đài Bắc của sân Azzurri của Atalanta, kẻ cũng đã nằm trong hồ sơ cảnh sát và bị cấm vào sân, tuyên bố: “Mỗi người đều có quyền của mình khi di chuyển bằng bất cứ phương tiện nào mình muốn và mua bất cứ loại vé vào sân nào anh ta có thể. Tuy nhiên, chính vì điều này mà các ultra thường xuyên phải đối đầu với các rủi ro giữa các CĐV đối phương. Các vụ va chạm hoàn toàn có thể xảy ra nếu đối phương nhận ra chúng tôi là ai”.

Chính điều này đã khiến nhà chức trách hết sức lo ngại. Maurizio Martinelli, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về an ninh của cảnh sát Italia, một trong những chuyên gia hàng đầu về ultra và an ninh trên các SVĐ, cho rằng: “Điều rắc rối luôn xuất hiện khi chúng ta thường có nguy cơ phải đối mặt với các tifosi trên sân khách luôn mua vé lẽ ra phải dành cho các CĐV đội chủ nhà để rồi sau đó ngồi giữa đám CĐV ấy. Nguy cơ bạo lực luôn hiện hữu. Hiện tại, những rắc rối lớn chưa xảy ra. Nhưng chúng ta cần phải làm một điều gì đó?”. Cụ thể là điều gì? “Trước hết, cho tới lúc này, trong một số trường hợp điển hình, như vụ các CĐV Serbia làm loạn trong trận Italia - Serbia ở Genova, các ultra chỉ tập trung vào một khu khán đài. Như thế, chúng trở nên mạnh hơn. Nếu lực lượng này tản ra, chúng sẽ bị phân tán và yếu đi, khiến cho các lực lượng an ninh kiểm soát dễ hơn. Thứ hai: ultra ở các khu sau khán đài đã thay đổi. Lũ trùm ultra bị bắt và bị “dán nhãn” có tiền án, cấm đến sân, đã được thay bởi những ultra mới. Chúng luôn thay đổi và rất khó nắm bắt. Thứ ba: nếu chúng ta không làm mới các SVĐ, không tạo ra các sân nhỏ hơn, không tăng cường các biện pháp an ninh và trao quyền sở hữu cho các đội bóng, chúng ta sẽ chẳng làm gì được chúng”.

Ultra quá khích đã thay hình đổi dạng ra sao?

Thế giới ultra đã thay đổi thế nào, và hậu quả của điều đó ra sao? Những bằng chứng của việc thay đổi chiến thuật có thể nhìn thấy rất rõ ở thói quen của các tifosi, sự phân bố lại về mặt lực lượng của các ultra tại các vùng, các chuyến đi và giờ giấc di chuyển của chúng cũng như thành phần của chúng trên các khán đài như thế nào. Để hiểu được hiện tượng ấy, cần phải nhìn vào khu vực khán đài của đội chủ nhà ở bất cứ trận nào của Serie A. Lega Calcio (Ban tổ chức Serie A) nói rằng họ không có đầy đủ số liệu thống kê về số lượng các ultra đi theo đội bóng của họ đến làm khách trên sân đối phương. Nhưng cảnh sát lại có những minh họa hết sức sinh động. Trên khán đài của sân San Nicola trận Bari - Cagliari ở lượt đi chỉ có đúng... 1 CĐV trên phần dành riêng cho các tifosi đến từ Cagliari. Có cả chục steward (nhân viên an ninh của SVĐ, được tuyển từ các tifosi ưu tú nhất) đứng gần đó để “kiểm soát”. Trong khi đó, có vài trăm ultra Cagliari đã “hòa tan” trong đám CĐV đội chủ nhà. Điều đó đã vô hình trung nâng mức độ an ninh của trận đấu lên trên mức bình thường.

Khi các CĐV Bari đến Napoli để cổ vũ đội của mình cho trận derby miền Nam máu lửa mà cảnh sát lo ngại sẽ có đánh nhau to giữa các CĐV nổi tiếng cứng đầu giữa 2 đội, thì người ta lại phát hiện ra là phía bên ngoài khu khán đài dành riêng cho các CĐV Bari, thủ lĩnh của các ultra cả Napoli lẫn Bari đã gào to lên đối với các tifosi đến gần: “Đứa nào vào sân tao đánh chết”. Kết quả là khu khán đài dành cho đội khách trống trơn. Alberto Savarese, biệt danh “Il Parigino”, một trong những trùm ultra khét tiếng của Bari tuyên bố: “Các CĐV Bari đều hiểu rõ lý do phản đối của chúng tôi và họ không vào sân là để ủng hộ cuộc đấu tranh này. Chúng tôi không ép buộc bất cứ ai phải từ chối không đăng ký thẻ CĐV. Chúng tôi biết là nhiều tifosi đã thuê bao vé xem trọn gói cả mùa và do đó buộc phải đăng ký thẻ CĐV vì lý do kinh tế. Nhưng tôi muốn là các tifosi đi đến sân khách xem đá bóng hãy bắt chước chúng tôi”. Cũng chính vì cuộc chiến kỳ quặc ấy của các ultra, mà nhiều trận đấu, người ta nhìn thấy rõ ràng các CĐV đội khách thậm chí đã dùng vũ lực để đuổi các CĐV mua vé thuê bao dài hạn ở ngay chính sân bóng của họ và ngồi ngay cạnh các CĐV đội chủ nhà, điều mà cảnh sát Italia không muốn, vì sự “đụng chạm” ấy trước sau gì cũng sẽ dẫn đến xung đột ngay trên các khán đài.

Điều đó đã diễn ra ở nhiều trận đấu, khi chỉ một nhóm các CĐV đội khách ăn mừng bàn thắng được ghi bằng cách đốt pháo khói và nhảy nhót ầm ĩ, các CĐV đội nhà đã lập tức nổi xung và xông vào đánh lại. Chuyện này các CĐV Napoli biết rất rõ ở trận họ đến làm khách trên sân Sampdoria hồi tháng 9/2010, sau một bàn thắng của Napoli. Các CĐV Genoa, những người nổi tiếng là không sợ bất cứ ai, cũng sẽ chẳng bao giờ quên được trận đấu bị coi là có nguy cơ bạo lực rất cao của họ trên sân San Siro của Milan hồi đầu mùa: một tifoso Genoa ngồi giữa đám CĐV Milan đã thậm chí ném một quả pháo vào các milanisti đối địch. Ở trận Atalanta - Torino ở Serie B, không ai rõ bằng cách nào mà trong hoàn cảnh người ta cấm các CĐV đội khách, chỉ cho phép những người sống trong vùng có đội Atalanta được mua vé vào sân, 70 tifosi Torino vẫn mua được vé để ngồi trên tận lô VIP sân Atleti Azzurri của thành phố Bergamo. Đụng độ đã xảy ra. Một kết luận: ở Bergamo, quê hương của chính Bộ trưởng Maroni, “sáng kiến Maroni” đã thất bại thảm hại.

Khi những lời đe dọa trở thành quen thuộc

Theo ghi nhận của cảnh sát Italia, càng tìm cách kiểm soát các ultra, chúng càng vùng vẫy một cách đáng sợ và mạnh mẽ. Cho đến thời điểm hiện tại, các ultra Napoli là những kẻ to mồm nhất. Các chiến dịch tẩy chay thẻ CĐV và mua vé vào sân xem dài hạn cả mùa được tiến hành một cách rộng rãi trong tất cả các khu dân cư của thành phố. Trên các bức tường, chúng viết: “Không đăng ký thuê bao dài hạn, không làm thẻ CĐV”. Thế nhưng, sự tức giận của các ultra cũng được không ít người bình thường chia sẻ. Điều 9 của Luật An ninh mới của Italia do chính Maroni khởi xướng và được thông qua quy định tất cả những tifosi nào bị Daspo (cấm đến SVĐ vì tội gây rối trước đó) sẽ không được phép sở hữu một chiếc ô tô nào trong vòng 5 năm. Đối với các ultra, quy định ấy là vi phạm hiến pháp.

Nhưng sự chống đối không dừng lại ở đó. Tại Napoli, Viện công tố thành phố này đã tiến hành một cuộc điều tra sau khi một nhóm ultra Napoli đã phát tán trên website của mình một tài liệu hướng dẫn… làm giả thẻ CĐV! Các thống kê khi mùa bóng đi vào giai đoạn kết thúc cho thấy sự thất bại của “sáng kiến Maroni”: trong số trung bình 39 nghìn CĐV mỗi trận trên sân San Paolo, chỉ có chưa đầy 15 nghìn người có thẻ CĐV. Một trùm ultra Napoli ở khán đài chính của San Paolo khoe khoang rằng: “Chúng tôi đã thành công trong việc thuyết phục các tifosi chân chính”. Đấy là một lời khẳng định làm đau lòng tất cả, bởi những ai thường xuyên đến xem Napoli thi đấu ở San Paolo chắc chắn chưa quên được màn ẩu đả ở cuối mùa bóng trước, khi các ultra biểu tình chống lại đội bóng: các camera của an ninh đã ghi lại được cảnh một số ultra sử dụng nắm đấm để “thuyết phục” các CĐV không được đến các khu khán đài mà chúng muốn phải thật trống trải như là một phần của chiến dịch chống đối! Theo cảnh sát, những tên côn đồ ấy thuộc về một hoặc nhiều nhóm ultra quá khích đã bị chính trị lợi dụng làm cho mờ mắt. Trong số 450 nhóm ultra có tên trong hồ sơ cảnh sát thì 234 nhóm đã bị chính trị hóa. 61 trong đó (con số này năm 2008 là 58) có những mối quan hệ chặt chẽ với lực lượng cực hữu, trong khi tồn tại 28 nhóm cực tả. Những nhóm nguy hiểm nhất là Bisl của ultra Roma, Mastiffs của ultra Napoli, Banda Noantri của ultra Lazio, Brigate Autonome của ultra Livorno, Korps của Fiorentina, Irricucibili của Inter và Drunks của Catania. Bộ Nội vụ Italia mới đây đã cảnh báo về sự phát triển liên tục của các nhóm ultra Roma và Lazio với xu hướng cực hữu, các nhóm ultra Napoli và Catania ngày càng trở nên gần gũi hơn với các băng nhóm mafia và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc phát triển trong các nhóm CĐV miền Bắc, nhất là các tifosi Inter và Verona.

Bộ Nội vụ và mật vụ Italia đã theo rất sát những diễn biến của ultra Italia trong “kỷ nguyên” thẻ CĐV. Trong báo cáo mới nhất trình Quốc hội Italia, mật vụ Italia đã cảnh báo về “sự pha trộn ngày càng tinh vi và rõ rệt giữa các nhóm ultra có tổ chức vào các nhóm chính trị cực đoan, các lực lượng vô chính phủ và thậm chí khủng bố”, dẫn đến “sự phản kháng ngày càng mạnh mẽ đối với các lực lượng an ninh”, tạo ra “sự rối loạn xã hội càng tăng”. Mối đe dọa ấy là có thật. Những cuộc nổi loạn trong các năm qua của các ultra với cảnh sát sau một số sự cố va chạm giữa họ đã dẫn đến những rối loạn thực sự trong xã hội Italia, khi chúng cấu kết với nhau chống lại nhà cầm quyền. Việc tăng cường kiểm soát chúng, như cách áp dụng thẻ CĐV, đã dẫn đến những phản kháng mạnh mẽ, không phải là chống lại cảnh sát nữa, mà đã thành chống lại Nhà nước Italia

Kể từ năm 2004, có một nhóm ultra cực hữu xuất hiện và ngay lập tức khiến cảnh sát chú ý. Có tên đơn giản là “Ultra Italia”, nhóm này có 600 tên, chủ yếu sống ở miền Đông Bắc Italia, đã sử dụng bạo lực và phân biệt chủng tộc như là vũ khí để chống lại nền thể thao Italia và đặc biệt là Nhà nước Italia. Thông điệp của chúng rất rõ ràng: Italia thuần chủng. Chúng chỉ muốn có một đội “Thiên thanh” không có người da màu. Tham gia cổ vũ cho đội tuyển Italia trong các trận đấu ở nước ngoài và không bao giờ đến xem các trận đấu của đội Italia trên sân nhà, hoặc các trận đấu ở hạng Serie A, chúng la lên các khẩu hiệu “Không tồn tại người Italia da đen”, “Nước Italia thuộc về người Italia” và “Nói không với đội tuyển đa chủng tộc”. Sau những tiếng hô là những cái giơ tay chào kiểu phát xít và cuối cùng là bạo lực. Chúng không ngại đụng độ với cảnh sát nước sở tại, càng không ngán gì các CĐV chủ nhà. Nhiều trong số chúng là các CĐV bóng đá thực sự và đã bị cấm đến sân vì những pha bạo lực trước đó, nhưng không ít là những kẻ đã có tiền án tiền sự.

Ba năm sau cái chết ở Catania của thanh tra Fabio Raciti, bị một ultra 16 tuổi ném một thanh sắt trúng người, đã có điều gì thay đổi? Câu trả lời là không nhiều. Bạo lực vẫn tràn ngập trên các khán đài. Người ta đã cấm nhiều nhóm ultra đến các SVĐ, đã ban hành lệnh cấm vào sân với nhiều CĐV quá khích, nhưng thế đã đủ chưa? Chưa, bởi đây đó, trước những trận đấu lớn, người ta vẫn phát hiện ra những kho vũ khí đủ để giết nhiều người, những âm mưu đánh lộn của các nhóm ultra và Facebook trở thành công cụ để tập hợp những tư tưởng bạo lực. Những biểu hiện khiêu khích vẫn diễn ra trên các khán đài: Ngay ở sân Olimpico của Juventus, một nhóm các tifosi Fiorentina từng lên tiếng ca ngợi các CĐV Liverpool về việc tạo ra vụ Heysel năm 1985 làm chết 39 CĐV Juventus; một số CĐV Torino bị đánh ngay trước một quán ăn; ở Livorno tại Serie B, xuất hiện những biểu ngữ sỉ nhục Berlusconi, trong khi bom tự tạo nổ như cơm bữa ở Roma. Tất cả cho thấy sự quan liêu và bất lực của các lực lượng an ninh.

Thư Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm