23/11/2023 07:00 GMT+7 | Văn hoá
Ngày 22/11, trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII tại Đà Lạt, hội thảo Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh được tổ chức với sự tham gia của các nhà quản lý, nghệ sĩ điện ảnh, luật sư… Tại đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh tới nạn xâm phạm bản quyền điện ảnh, vốn đang tràn lan trên không gian mạng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL - khẳng định: "Việc bảo hộ bản quyền đã và đang từng bước khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các quốc gia".
Cũng theo ông Đoàn Văn Việt, tại Việt Nam, ngành công nghiệp điện ảnh trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022 đã có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng đóng góp vào nền kinh tế bình quân tăng 7,94%/năm. Doanh thu điện ảnh chiếu rạp trong năm 2018 đạt khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng (khoảng 145 triệu USD) và đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 178 triệu USD) vào năm 2019.
Tuy nhiên, trên thực tế, xâm phạm bản quyền điện ảnh trên không gian mạng đang trở thành vấn nạn, không chỉ ảnh hưởng tới doanh thu của điện ảnh nội địa mà còn làm hẹp lại cánh cửa hợp tác với quốc tế.
Từ thách thức của công nghiệp điện ảnh…
Trong video gửi tới cuộc hội thảo, bà Sylvie Forbin - Phó tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực bản quyền và công nghiệp sáng tạo của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) - bày tỏ: "Giống như các lĩnh vực sáng tạo khác, ngành công nghiệp điện ảnh phải đối mặt với nhiều thách thức. Phim có thể được xem ở hầu hết mọi nơi, trên mọi thiết bị và bất kỳ thời điểm nào. Phim có thể tiếp cận trực tiếp bởi khán giả thông qua điện thoại thông minh, hiện đã trở thành một trong những phương tiện truyền thông hàng đầu để tiêu dùng dịch vụ phim giải trí..."
"Tuy nhiên, để làm một bộ phim, luôn cần có sự hỗ trợ tài chính từ các nguồn công hoặc tư nhân. Để có những khoản đầu tư đó sinh lời, ngoài các phương tiện truyền thống: rạp chiếu phim và chương trình phát sóng, các loại hình mới như nền tảng video theo yêu cầu và phát trực tuyến ngày nay càng trở nên quan trọng. Những kênh truyền thông mới này tạo cơ hội mới dễ dàng hơn cho các bộ phim được trình chiếu trong nước cũng như quốc tế…" - bà Sylvie Forbin nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng: Khi những cơ hội mới trong việc phổ biến, phát hành tác phẩm điện ảnh hiện nay, nhất là trong môi trường internet, ngày càng phát triển thì vấn đề bảo hộ bản quyền điện ảnh cũng là thách thức và càng trở nên bức thiết hơn nữa.
Đồng quan điểm với các nhà quản lý và chuyên gia, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển điện ảnh Việt Nam, cho biết: Công nghiệp điện ảnh là quá trình với các khâu: sáng tác; phổ biến, phát hành phim.... từ đó tạo doanh thu để tái sản xuất tạo nên chuỗi khép kín của công nghiệp điện ảnh. Từ khi có thị trường điện ảnh, vấn đề bảo vệ bản quyền trở nên quan trong trọng hơn bao giờ hết trong mọi khâu trên. Thị trường điện ảnh là nền tảng để phát triển công nghiệp điện ảnh. Các bộ phim không chỉ là tác phẩm điện ảnh mà còn là hàng hoá đặc biệt, là tài sản của các tổ chức cá nhân nên việc bảo vệ bản quyền càng trở nên cấp bách.
"Ở Việt Nam, chưa có ý thức bảo vệ bản quyền. Việc ăn cắp tiền là hành vi bị lên án, nhưng mượn 1 cuốn sách không trả lại được xem là bình thường. Và trong lĩnh vực điện ảnh cũng gặp điều tương tự" - TS Ngô Phương Lan nói.
"Thực tế, việc bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh cũng nhằm đóng góp vào phát triển nền kinh tế. Hành vi xâm phạm bản quyền Việt Nam thuộc top hàng đầu châu Á. Năm 2021, chúng ta từng khởi tố hình sự vụ án đầu tiên liên quan tới trang phimmoi.net, nhưng đến nay chưa xét xử. Và tôi được biết các mức án phạt cũng chưa đủ răn đe" - bà Lan cho biết - "Nhiều hãng phim lớn của Hollywood muốn đầu tư vào Việt Nam, nhưng thấy tình trạng vi phạm tràn lan nên họ cũng rất rụt rè. Đó là một sự thiệt thòi rất lớn cho điện ảnh Việt Nam - khi nạn xâm phạm bản quyền không chỉ gây tổn hại cho tài sản của tổ chức, cá nhân mà còn ảnh hưởng tới lợi ích ngành điện ảnh, lợi ích đất nước cũng như hình ảnh quốc gia...".
Cũng bàn về bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh, Ths Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH,TT&DL) cho biết: Mạng internet hiện đang tạo điều kiện cho người dùng có thể truy cập, sử dụng thậm chí kinh doanh trái phép các tác phẩm điện ảnh mà không trả tiền sử dụng, gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả. Vì thế, không chỉ bà Kim Oanh mà nhiều nghệ sĩ, nhà quản lý điện ảnh cũng đề xuất nhiều giải pháp để bảo hộ bản quyền tác phẩm điện ảnh trong môi trường số hiện này.
"Nhiều hãng phim lớn của Hollywood muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng thấy tình trạng vi phạm tràn lan nên họ cũng rất rụt rè. Đó là một sự thiệt thòi rất lớn cho điện ảnh Việt Nam" - TS Ngô Phương Lan.
... Tới lời "kêu cứu" của nghệ sĩ
Trên diễn đàn chính thức của cuộc hội thảo cũng như bên lề chương trình, nhiều nghệ sĩ tỏ ra rất bức xúc vì "đứa con tinh thần" của mình bị xâm phạm bản quyền.
Đạo diễn Lương Đình Dũng phát biểu: "Tôi quan tâm tới 3 vấn đề liên quan tới bảo hộ bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh. Đó là cơ quan bảo hộ bản quyền; việc xâm phạm bằng những bình luận tràn lan thiếu tính chuyên môn trên không gian mạng; việc cân bằng giờ chiếu. Thực tế, có nhiều bộ phim của tôi mới ra rạp chưa đến nửa ngày thì đã bị tấn công vô tội vạ trên mạng xã hội. Tôi cho rằng, đây là việc xâm phạm quyền độc lập khi làm phim. Và khi bị xâm phạm thì những nhà làm phim như tôi không biết phải kêu ai. Như bản thân tôi có thể to tiếng trên hiện trường làm phim, nhưng thực tế khi đối mặt với những vấn đề tranh chấp thì lại khá e ngại và tránh va chạm".
Đạo diễn này cho biết thêm: "Có một thực tế đáng buồn: Nhiều phim ra rạp 3 ngày đã không thể chống đỡ nổi với việc vi phạm bản quyền do bị phát tán trên mạng. Những phim như 578 của tôi phát hành ở thị trường nước ngoài, các khu vực như châu Âu, Ấn Độ… vô cùng khó nhưng cũng dần vào được. Trong khi ở Việt Nam, chúng lại bị xâm phạm bản quyền vô tội vạ. Chúng tôi từng liên hệ với các trang mạng ở Indonesia để có ý kiến về việc xâm hại bản quyền thì họ nói rằng các video, hình ảnh này đầy rẫy ở Việt Nam".
Diễn viên - đạo diễn Mai Thu Huyền cũng bày tỏ quan điểm rằng bảo hộ bản quyền trong sáng tạo là rất quan trọng: "Internet là một kênh truyền thông rất tốt để chúng ta có thể quảng bá đến với công chúng, nhưng mà nó lại rất nguy hại nếu như những bộ phim của mình nó bị "leak" (rò rỉ) ra bên ngoài. Đấy cũng là điều mà các nhà làm phim như tôi vô cùng lo lắng mỗi khi giới thiệu một tác phẩm của mình tới công chúng".
Theo Mai Thu Huyền, hiện có nhiều bộ phim không chỉ bị quay lén với chất lượng thấp mà thậm chí còn bị livestream trái phép từ rạp chiếu. Hiện tại, nhiều bộ phim của chị đến nay vẫn trôi nổi trên mạng, thậm chí bị cắt ghép làm méo mó như phim Lạc giới. Dù vậy, người trong cuộc đành bó tay mà không thể có cách nào để ngăn chặn.
Đạo diễn - nhà sản xuất phim Võ Thanh Hoà cũng bày tỏ bức xúc trước vấn nạn xâm phạm bản quyền điện ảnh. Như ví dụ anh đưa ra, gần đây, các phim Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh hay Con Nhót mót chồng đều bị cắt nhỏ thành nhiều clip nhỏ và chiếu trên các nền tảng mạng xã hội nhằm "qua mặt" các thuật toán kiểm duyệt. Tương tự, quanh bộ phim Siêu lừa, siêu lầy do anh đạo diễn cũng xuất hiện hàng trăm clip tràn làn trên mạng xã hội. "Những hành động này gây ảnh hưởng tới ê-kíp phim cũng như gây thất thu không nhỏ cho ngành điện ảnh" - nam đạo diễn nói thêm.
Theo số liệu khảo sát của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền - trong đó có công nghiệp điện ảnh - đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế tại các quốc gia phát triển (như tại Mỹ là 12% GDP; Hàn Quốc là 9,89% GDP...) cũng như các nước đang phát triển (như Trung Quốc là 7,35% GDP; Malaysia là 5,7% GDP; Thái Lan là 4,48% GDP...)".
(Còn tiếp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất