Bàn Tay Đen và người hùng lừng danh của cảnh sát New York

10/03/2018 09:21 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bàn Tay Đen là một băng đảng tội phạm có tổ chức ở Andalusia, Tây Ban Nha (La Mano Negra) và Italy (La Mano Nera), hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tống tiền. Khi người Italy đã bắt đầu di cư ào ạt qua Mỹ thì tổ chức mafia ấy cũng mở rộng địa bàn của mình đến New York - và vấp phải một khắc tinh trong chính cộng đồng.

Bàn Tay Đen ra đời từ thế kỷ 18 và hoạt động với một phương thức không đổi: nạn nhân nhận được một lá thư ngắn gọn, với chữ ký là một bàn tay vẽ bằng mực đen.

Ăn mày bằng vũ khí

Người viết thư có vẻ ưa hài hước: thay vì bị doạ dẫm, khổ chủ thường phải đọc những lời van xin thống thiết của một người nghèo! Ở Italy vẫn có nhiều người cho rằng Bàn Tay Đen không cướp bóc của ai, mà chỉ xin miếng ăn qua ngày, và họ gọi đó là lettere di scrocco (thư ăn xin). Ở New York City, nơi cộng đồng Italy rất mạnh và tập trung sống ở Little Italy, Bàn Tay Đen cũng nằm trong danh mục “hàng nhập khẩu” qua Mỹ.

Chú thích ảnh
Phố Mulberry Street ở Little Italy - điểm đến đầu tiên của đa số người Italy nhập cư

Không thể không nhắc đến tên một nhân vật người Sicilia là Ignazio Saietta, cựu thành viên nhóm mafia Cosa Nostra ở quê nhà và khi sang Mỹ năm 1890 đã chuyên nghiệp hoá phương pháp tống tiền để áp dụng thành công ở miền đất mới. Quân của  Ignazio Saietta tụ tập trong băng Black Hand Gang và chuyên gửi thư doạ sẽ bắt cóc, đốt nhà hoặc đặt bom, nếu nạn nhân không gửi tiền vào một chỗ hẹn trước.     

Đỉnh điểm của Bàn Tay Đen là mùa Hè 1903, thoạt tiên chỉ ở New York rồi lan ra toàn Hoa Kỳ. Cứ vài ngày lại có một vụ nổ bom, và các thương gia bị doạ giết ngay giữa phố.

Ở khu Little Italy cảnh sát còn phát hiện ra xác người nhét vào ống khói và thối rữa trong nắng Hè. Tất cả các nạn nhân đều nhận được thư đòi một số tiền khủng trước đó, với chữ ký là một bàn tay vẽ bằng mực đen.  

Rồi trẻ con cũng không thoát. Buổi chiều ngày 2/-8/1903 cậu bé Antonio Mannino 8 tuổi biến mất, sau khi đi mua kẹo tại một cửa hiệu ở Brooklyn. Hôm sau cha cậu, một thầu xây dựng giàu có, nhận được một lá thư quen thuộc. “Cả thành phố rung chuyển vì vụ này”, tờ St. Louis Post đăng tin.

Nhật báo từ Los Angeles đến Chicago theo sát vụ này từng giờ. Ngày càng nhiều trẻ con bị bắt cóc, có ngày kỷ lục đến 35 đứa! Antonio quay về sau một tuần, cha mẹ cậu im lặng, và cảnh sát đoán chắc là họ đã nộp tiền chuộc. Nhà chức trách dự đoán tới 90% người Italy nhập cư phải đóng tiền bảo kê, và lần đầu tiên Mỹ có một công ty bảo hiểm mời hợp đồng chống… bắt cóc!

Mảnh đất nhập cư hỗn tạp

Dân New York ngày càng ác cảm với người Italy nhập cư. Trong khi chỉ khoảng 800 người Italy sống trong thành phố hồi 1850, thì 1910 đã hình thành một cộng đồng nửa triệu! Chính quyền sở tại bắt đầu nghĩ dến phương án chấm dứt nhập tịch.      

Như đã nói, Bàn Tay Đen xuất thân từ Sicilia, ngày ấy còn nằm trong Vương quốc Napoli. Hậu duệ của đám mafia ấy tràn sang Bắc Mỹ và là tiền thân của 5 gia tộc Cosa Nostra. Trong số các nạn nhân danh tiếng của băng đảng này, chắc chắn phải kể đến danh ca người Italy - Enrico Caruso, một giọng nam cao lẫy lừng thời bấy giờ. Khi đến biểu diễn ở nhà hát Metropolitan Opera, ông nhận được thư xin 2.000 USD để “bảo đảm” an ninh cho đêm diễn. Ca sĩ trả tiền ngay, không chần chừ.  

Khi chuyện lộ ra, Caruso nhận được thêm hàng xấp thư tống tiền. Tác giả lá thư đầu tiên cũng tái xuất giang hồ, lần này hắn đòi 15.000 USD. Trong cơn bĩ cực, Caruso cầu cứu một đồng hương là cảnh sát tại địa phương. Giuseppe Petrosino là người Italy đầu tiên đầu quân cho cảnh sát New York và có đường thăng tiến ngoạn mục. Từ 1895 ông là trưởng ban phụ trách điều tra các vụ giết người.  

Chú thích ảnh
Năm 1903 Giuseppe Petrosino (trái) tóm được sát thủ số 1 của mafia New York là Tomasso Petto (thứ hai từ trái qua)

Petrosino sinh ra và lớn lên tại Padula, miền Nam Italy. 1874, ở tuổi 14, ông cùng gia đình di cư sang Mỹ. Chiều cao 1,6m kỳ thực không đủ tiêu chuẩn, Petrosino chỉ được tuyển vào như một ngoại lệ. Bản thân cảnh sát này cũng là một người đặc biệt: cả ngày không nói nửa câu, chẳng bao giờ cười, thời tiết nào cũng vận áo dài đen và đội mũ quả dưa.     

Trong cuộc chiến chống Bàn Tay Đen, Petrosino nổi bật với những phương pháp lạ đời và đi vào lịch sử cảnh sát hình sự Mỹ như người tiên phong chống tội phạm có tổ chức. Ông luôn thủ các vai khác nhau, đội lốt thợ ống nước, tu sĩ Do Thái, ăn mày, mục sư Cơ đốc giáo… để lọt vào những nơi bí hiểm nhất. Trong sự nghiệp của mình, Petrosino đã đưa hàng trăm kẻ cướp lên ghế điện hoặc vào tù.   

Giữa các cuộc điều tra, ông nghe nhạc cổ điển để thư giãn, thường là vở nhạc kịch La Traviata của Giuseppe Verdi. Tình yêu âm nhạc khiến ông bắt thân với ca sĩ Caruso. Và lần này đích thân ông hẹn rồi đưa kẻ nhận tiền vào bẫy.  

Sứ mệnh không hẳn bí mật

Petrosino như một con sói không biết điểm dừng khi đã bắt được hơi con mồi. Ông xin phép thành lập “Nhóm công tác Italy” trong bộ máy cảnh sát New York, thoạt tiên chỉ có 5 chuyên viên người gốc Italy. Trước bối cảnh bức xúc hiện tại, nhóm này được ủng hộ tài chính rất mạnh từ Phòng thương nghiệp Italy tại Mỹ, thị trường chứng khoán New York, thậm chí từ các cá nhân như tỉ phú John D. Rockefeller, Andrew Carnegie … Trong năm đầu tiên sau khi thành lập, nhóm đã bắt được hàng trăm thành viên Bàn Tay Đen. Số vụ phạm pháp ở New York City giảm xuống một nửa.    

Dĩ nhiên Petrosino lọt vào tầm ngắm của mafia. Luật Hoa Kỳ ngày ấy cho phép trục xuất người nhập cư về quê cũ nếu phạm pháp trong vòng ba năm đầu ở Mỹ. Và một trong những thủ phạm bị Petrosino còng tay vì tội in bạc giả và tống tiền là bố già Vito Cascio Ferro, từng vượt biên lậu từ Sicilia vào Mỹ năm 1901. Khi lên cầu tàu để bị dẫn độ về Italy, Don Vito lớn tiếng thề sẽ trả thù.   

Ngày 9/2/1909 Petrosino lên đường đi Italy để điều tra đường dây nối mafia Sicilia với Bàn Tay Đen New York. Chỉ có một người được biết đến công vụ này - đó là cảnh sát trưởng Theodore Bingham của tiểu bang. Song chính ông ta lại khoe với phóng viên tờ New York Herald về sứ mệnh trao cho nhân viên sáng giá nhất của mình. Và khi thám tử Petrosino đặt chân lên đất Italy thì hàng triệu bạn đọc của báo New York Herald đã có thông tin về công vụ “tối mật” này, và ông cũng được Sicilia chờ đợi.    

Petrosino tìm gặp đầu mối đầu tiên ở Palermo vào tối 12/3/1909, và trước cửa nhà hàng bên quảng trường Piazza Marina ông bị bốn viên đạn găm vào lưng. Petrosino không hề nghĩ đến nguy cơ ấy - ông để súng lục ở khách sạn.  

Chú thích ảnh
Thư tống tiền gửi đến một thương gia hồi 1909 với những điểm đặt trưng: hình vẽ dao găm, đầu lâu, và tất nhiên có bàn tay đen

100 năm không phá nổi án

Quảng trường đông nhộn nhịp, nhưng không có một nhân chứng duy nhất nào có thể cung cấp tin cho cảnh sát. Sáng hôm sau nhóm công tác của Petrosino nhận được thư: Bàn Tay Đen thừa nhận trách nhiệm về vụ này.

Xác thám tử Petrosino được đưa về New York theo tàu thuỷ chạy hơi nước. Khi mở quan tài, quả phụ Petrosino lăn ra ngất: xác của ông không hề được xử lý nên đã thối rữa dọc đường - đòn thù bỉ ổi cuối cùng của Bàn Tay Đen dành cho khắc tinh của mình.  

Ngày đưa Petrosino ra nghĩa trang được coi là ngày để tang của cả thành phố. 250.000 người dân đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng, con số kỷ lục ở một đám tang cảnh sát New York. Nhật báo New York Times gọi ông là “thám tử người Italy lừng danh nhất”, một tờ khác phong ông là “Sherlock Holmes người Italy.”

Hơn một thế kỷ sau vẫn không tìm ra thủ phạm, trừ một dấu vết khá mơ hồ: năm 2014 cảnh sát Italy tiến hành chiến dịch Apocalypse tiễu trừ mạng lưới ma tuý của mafia ở Palermo. Một trong những nghi can là Domenico Palazzotto bị nghe lén điện thoại, và hắn đã ba hoa về vụ Petrosino khi gặp các thành viên mafia khác. Palazzotto khoe là ông hắn đã hạ sát Petrosino theo lệnh của Vito Cascio Ferro, kẻ bị Petrosino trục xuất từ New York về Sicilia ngày xưa. Nhưng chứng cứ đó không đủ để kết tội ai.

Giuseppe Petrosino trở thành một trong những người hùng của cảnh sát New York. Một bảng đồng nhắc đến ông tại quảng trường mang tên ông -  Petrosino Square ở East Village, không xa Little Italy.

Trùm mafia khét tiếng bị bắt sau 20 năm lẩn trốn

Trùm mafia khét tiếng bị bắt sau 20 năm lẩn trốn

Lực lượng hiến binh Carabinieri của Italy đã bắt giữ Ernesto Fazzalari - trùm mafia khét tiếng thứ hai tại nước này - sau gần 2 thập kỷ bị truy nã.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm