Bạn có muốn xem cầu thủ 10 tỷ đồng thi đấu ở V-League hay không?

30/06/2023 05:55 GMT+7 | Bóng đá Việt

Hoặc, đại loại như, vé vào cổng để xem cầu thủ hưởng mức lương 100 triệu đồng/tháng có giá bao nhiêu? Đã bao giờ chúng ta, nhà tổ chức, các CLB và người hâm mộ đặt vấn đề ấy chưa, cho việc nâng tầm, phát triển các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và tiến tới một nền bóng đá tự cường chưa?

Nhân tiện đây, giải bóng đá sân 7 quốc gia, Cúp Bia Sài Gòn, mà cụ thể là giải Ngoại hạng Hà Nội (HPL) đã vắt qua tuổi lên 10, đang tính toán một cách nghiêm túc về việc phát hành vé vào sân. Với trung bình 3.000-5.000 lượt khán giả đến sân mỗi buổi thi đấu vào Chủ nhật hàng tuần, không tận dụng được nguồn tài nguyên này để phát triển giải đấu, thì e là hơi lãng phí.

Như Thể thao & Văn hoá đã đề cập, các nguồn thu chính nuôi sống bóng đá chính là khán giả, quảng cáo và bản quyền truyền hình, chứ không phải túi tiền của các ông bầu, vốn thiếu ổn định.

Thời gian vừa qua, chúng ta đã nghe đến các bản hợp đồng cầu thủ nội có giá chuyển nhượng trên 10 tỷ đồng, hưởng mức lương không dưới 100 triệu đồng/tháng, chưa tính thưởng và các chế độ kèm theo khác như nhà cửa, xe cộ... Đó là Văn Hậu, là Quang Hải, là Vũ Văn Thanh, Phan Văn Đức và bản hợp đồng mới nhất về với sân Hàng Đẫy của CAHN là thủ môn Việt kiều Filip Nguyễn...

Ở sân Thiên Trường, cầu thủ ký hợp đồng về ngay lập tức được nhận toàn bộ tiền mặt lót tay, không phải chịu thuế (CLB trả khoản này). Lương bổng cũng thuộc hàng Top, cầu thủ chỉ việc tập trung thi đấu.

Thực ra, con số này so với cách đây 10-15 năm thì không cao hơn, thậm chí nếu dựa trên chỉ số lạm phát, còn thấp hơn với các trường hợp ngôi sao loại A là các tuyển thủ quốc gia. Lấy ví dụ như hợp đồng của Lê Phước Tứ về với XMXT.Sài Gòn mùa 2011, có giá 12 tỷ đồng; các trường hợp của Lê Công Vinh, Vũ Như Thành, Việt Thắng, Quang Hải (Khánh Hoà) ...cũng có giá tương đương.

Giai đoạn cực thịnh của V-League, từ 2003-2013, các ngoại binh thường hưởng mức lương cao gấp đôi ba lần, thậm chí hàng chục lần, so với nội binh tầm sao số. Ví như Kesley Huỳnh Alves, Amaobi hay Philani ở Bình Dương từng cầm không dưới 15.000 USD/tháng. Tương tự là Kiatisuk, Dusit, Thonglao, Lee Nguyễn..., tại HAGL. Tuy nhiên, về tiền lót tay (phí ký hợp đồng theo mùa) thì chỉ ngang hoặc nhỉnh hơn chút đỉnh so với một tuyển thủ QG Việt Nam.

Người quan sát: Bạn có muốn xem cầu thủ 10 tỷ đồng thi đấu hay không? - Ảnh 1.

CAHN trở thành đội bóng đáng xem bậc nhất V-League lúc này nhờ những ngôi sao đắt giá như Quang Hải. Ảnh: Hoàng Linh

Vào thời điểm đó, các cầu thủ ngoại nắm đến 50% hoặc hơn, sức mạnh của CLB, quyết định thành bại của CLB, nên chế độ đãi ngộ với họ có cao hơn so với cầu thủ nội cũng là lẽ thường. Đã có sự dịch chuyển, cả về vai trò trên sân lẫn phí ký hợp đồng, lương bổng giữa 2 đối tượng này trong những năm gần đây. Ngoài lý do khủng hoảng kinh tế diện rộng cần điều chỉnh lại thu chi; chất lượng ngoại binh đi xuống..., thì đó còn là một sự điều chỉnh có lợi cho sự phát triển nguồn nội lực, tránh chảy máu ngoại tệ.

Ở Premier League (EPL), cầu thủ người bản địa hay một sản phẩm ưu việt được đào tạo tại xứ sương mù, luôn được định giá bằng hoặc cao hơn so với các ngôi sao hàng đầu tới đây hành nghề, dù tài năng hay năng lực tận hiến chưa chắc bằng. Hãy liên tưởng đến các trường hợp của Jack Grealish, Ben White, Jadon Sancho hay Declan Rice mới đây... Tại sao thế?

Ngoài việc đảm bảo cho vị thế của cầu thủ Anh, thì chúng ta lại lật giở lại câu hỏi ở đầu bài viết, đấy là, bạn có muốn xem cầu thủ 100 triệu bảng Anh thi đấu không? Chắc chắn là có, nếu như vậy, thì móc tiền túi ra đây. Giá vé mùa sau luôn cao hơn mùa trước và vé xem một cầu thủ trị giá 100 triệu bảng chắc chắn cũng sẽ khác đội bóng chỉ tập hợp các cầu thủ làng nhàng. Tiền bản quyền truyền hình cũng tăng, kiểu nước lên thuyền lên, cứ thế việc kinh doanh phát đạt... BTC có lợi và CLB cũng nhanh thu hồi vốn, tái đầu tư.

Ở V-League, ngoài một vài CLB khai thác được nguồn lực tại chỗ: Khán giả, CĐV và kể cả cầu thủ kiểu cây nhà lá vườn, song cũng không hiếm các đội bóng vẫn phải đi thuê mướn CĐV để lấp đầy các khán đài. Số tiền thuê mướn khán giả, thuê mướn ca sỹ, giới showbiz... không hề nhỏ trong một mùa và là con số cực khủng nếu tính trong nhiều năm.

Đã đến lúc chúng ta, những nhà tổ chức và cả các CLB, phải đổi mới cơ chế thoáng, thay đổi phương pháp làm, để một ngày kia, bóng đá có thể tự nuôi được cơ thể nó, thậm chí sinh lời và tiến đến một nền bóng đá tự cường, bởi ai cũng thấy, giấc mơ xuất khẩu cầu thủ đã là quá xa vời rồi. 

  

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm