Bác sĩ thể thao Trần Anh Tuấn: 'Làm bác sĩ thể thao là niềm vui lớn của đời tôi'

27/02/2016 06:04 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - “Cơ duyên đưa đẩy tôi đến nghiệp bác sĩ thể thao rất tình cờ, nhờ vào bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền. Đến với thể thao, được tiếp xúc với những người trẻ, khỏe, vui vẻ, tôi thấy cuộc đời vui, ý nghĩa hơn”.

Nghề chọn người

7 năm ròng rã ở Đại học Y Hà Nội (khóa 1992-1998), chàng trai sinh năm 1974 tại Vinh (Nghệ An) ôm giấc mộng xin vào một bệnh viện lớn ở Thủ đô làm việc. Nhưng tình cờ, cuộc đời anh Tuấn rẽ sang một hướng khác khi đến thực tập ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 1 (Nhổn, Hà Nội) đúng lúc nơi này thiếu người. Cuộc gặp với bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, người có “số má” trong làng bác sĩ thể thao Việt Nam, đã khiến anh Tuấn trở thành đồng nghiệp với bậc đàn anh.

Với cá tính hiền lành, chấp nhận lăn xả hết mình với công việc, bác sĩ Tuấn mau chóng khẳng định được mình. 3 năm kể từ ngày đặt chân đến Nhổn, bước ngoặt đến với anh Tuấn khi cơ quan giao cho anh trọng trách sánh vai cùng ĐTQG. Đó là lúc ĐTQG được dẫn dắt bởi HLV Henrique Calisto. Đội tuyển bấy giờ đang trong cuộc chuyển giao và không ai tin với nhiều cầu thủ thuộc biên chế đội hạng Nhì, họ có thể làm nên chuyện ở Tiger Cup 2002. Nhưng rồi, ngay trong chuyến xuất ngoại đầu tiên dự một giải đấu lớn, anh Tuấn đã được hưởng niềm vui với toàn đội. “Kỷ niệm đầu tiên bao giờ cũng đáng nhớ nhất với tôi. Lần đầu tiên tôi được hưởng cảm giác sung sướng vì chiến thắng ở một giải đấu lớn. Đến ngày hôm nay tôi vẫn nhớ như in những gì diễn ra lúc đó”.

Hạnh phúc với nghề

Tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa, nhưng lại quyết định chọn nghề bác sĩ trong lĩnh vực thể thao, anh Tuấn phải mày mò thêm để trang bị kiến thức cho mình. Ở Nhổn, lực lượng bác sĩ cũng neo người, thế nên, mỗi bác sĩ nơi đây phải am hiểu chấn thương của mọi môn thể thao.

Từ năm 2004 đến 2007, anh Tuấn vừa làm vừa ghi danh học chuyên khoa cấp 1 về y học thể thao của Học viện Quân y. Ở tuổi 33 khi đó, anh Tuấn đã có đến 11 năm dùi mài đèn sách.

Nhưng chưa bao giờ bác sĩ Tuấn cảm thấy hối tiếc vì quyết định của mình. Không những thế, chính sự gắn bó với thể thao đã đem đến cho anh những phút giây thăng hoa trong cuộc sống mà không phải ai cũng có.

Đặc biệt, anh Tuấn cực kỳ có duyên với trái bóng tròn. Như đã kể trong chuyến xuất ngoại đầu tiên với HLV Calisto, anh Tuấn đã được hưởng niềm vui chung của đội nhà vào lúc niềm tin CĐV Việt Nam dành cho đội tuyển xuống rất thấp. Tiếp đó, anh Tuấn tiếp tục trở thành cộng sự của các HLV Alfred Riedl, Calisto, Falko Goetz…

Ở cấp CLB, bác sĩ Tuấn nhận được rất nhiều lời mời cộng tác. Từ ĐTLA đến B.Bình Dương, đến Hải Phòng, sang Hà Nội ACB rồi tiếp tục xuôi Nam đồng hành với N.Sài Gòn, gần nhất là CLB futsal Thái Sơn Nam, gần như nơi nào có bác sĩ Tuấn, đội bóng đó cũng thành công. Người ta thường chỉ lưu tâm đến những con số thống kê thành tích của các cầu thủ hay HLV, bỏ qua những bộ phận phục vụ âm thầm đằng sau, và nếu tính vị bác sĩ nào giàu thành tích nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại, khó ai sánh bằng cái tên bác sĩ Trần Anh Tuấn.  

Thái độ thân thiện, nụ cười thường trực trên môi, anh Tuấn hiểu cách nào để làm tốt nhất công việc của mình, một cách để giảm thiểu đau đớn với các VĐV khi chấn thương. Những cái tên nổi tiếng của bóng đá Việt Nam từng làm việc với bác sĩ Tuấn như Tài Em, Trường Giang, Thế Anh… là những người mà anh Tuấn nhớ nhất khi giúp họ điều trị.

Giúp VĐV vượt qua chấn thương, trở lại thi đấu như thường là điều hạnh phúc nhất với bác sĩ Tuấn, nhưng anh không thích và không đề cao vai trò của mình. Với anh Tuấn, công việc của một bác sĩ là lặng lẽ giúp người thay vì khiến người ta chú ý đến mình. Tay nghề của anh tốt đến đâu, câu trả lời thể hiện qua phong độ VĐV trên sân.

Trong kỳ tích giành vé dự World Cup mà đội tuyển futsal Việt Nam làm được vừa qua, bác sĩ Trần Anh Tuấn lại “tô điểm” thêm một nốt son nghề nghiệp của mình. “Lần đầu tiên phải đón Tết xa nhà, cảm giác thật khó tả. Dù vậy, trên đất khách chúng tôi nhận được không khí gia đình rất tuyệt vời từ Đại sứ quán Việt Nam ở Uzbekistan và một Công ty Việt có trụ sở nơi đây. Nhờ vậy, toàn đội được thêm động lực thi đấu và chiến thắng. Ở giải đấu này, có một số cầu thủ gặp vấn đề với chấn thương. Minh Trí là người bị nặng nhất khi cổ chân bị giãn dây chằng. May mắn là Trí đã chăm chỉ tập vật lý trị liệu kết hợp uống thuốc và kịp thời có mặt thi đấu với đồng đội”, bác sĩ Tuấn kể.

Với Minh Trí, cầu thủ này đã dùng rất nhiều những mỹ từ để cảm ơn bác sĩ Tuấn đã giúp mình hồi phục nhanh, vì trước đó, Minh Trí từng nghĩ sẽ khó hồi phục kịp để lần đầu chơi giải này chưa nói gì đến chuyện có 100% phong độ. Và ngay khi xung trận gặp Nhật Bản, “em út” của đội tuyển futsal Việt Nam đã góp công vào chiến thắng lịch sử của đội nhà.  

17 năm gắn bó với nghiệp bác sĩ thể thao, tuổi 42, anh Tuấn chia sẻ vẫn tận tụy miệt mài với công việc là lẽ sống của đời mình. “Tôi đến với nghề này vì cơ duyên nhưng nó là lựa chọn đúng đắn nhất. Đến với thể thao, được tiếp xúc với những người trẻ, khỏe, sôi nổi, vui vẻ, tôi thấy cuộc đời mình vui, ý nghĩa hơn. Kỷ niệm thì nhiều lắm. Lúc đội đá thắng thì hạnh phúc theo vì toàn đội làm tốt công việc của mình. Thua thì buồn lắm nhưng cũng quên nhanh thôi vì thể thao mà, phải có thắng có thua. Vợ và 2 con nhỏ của tôi rất thông cảm khi tôi phải thường xuyên xa nhà công tác. Sau mỗi chuyến đi, tôi lại trở về với công việc cũ ở Nhổn. Gia đình là chỗ dựa giúp tôi yên tâm cống hiến cho thể thao Việt Nam”, anh Tuấn nói.

Đằng sau những vinh quang, kỳ tích của các VĐV thể thao luôn có dáng dấp của những con người miệt mài chăm lo từng ly từng tý, giúp VĐV có trạng thái tâm lý lẫn thể lực tốt nhất chinh phục những giới hạn. Tuy âm thầm nhưng đóng góp của họ là vô giá, xã hội sẽ luôn ghi nhận những đóng góp hết mình cho thể thao Việt Nam như những gì bác sĩ Trần Anh Tuấn đã, đang và sẽ làm.

Ở Việt Nam, khi y học thể thao vẫn còn hạn chế nhất định và đội ngũ thầy thuốc phục vụ lĩnh vực này chưa bao giờ là đủ, những giọt mồ hôi như của bác sĩ Tuấn càng đáng trân trọng. Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, xin dành tặng những lời chúc tốt đẹp nhất đến bác sĩ Tuấn và những con người đang âm thầm tận tụy với mục đích mang đỉnh cao thế giới đến gần thể thao Việt Nam.

Bác sĩ Tuấn cho biết: “So với các môn thể thao đối kháng khác như võ thuật thì bóng đá ít xảy ra chấn thương nặng hơn. Khi cầu thủ gặp chấn thương trên sân cỏ, bác sĩ phải chạy nhanh vào để săn sóc. Cầu thủ gặp chấn thương nặng thì phải làm nhanh một bài kiểm tra xem anh ta có tiếp tục chơi nữa không để báo với HLV. Sau khi đội thi đấu xong, bác sĩ phải lo kiểm tra sức khỏe cầu thủ. Công việc là luôn tay, từ khám đến đưa ra chế độ uống thuốc, vật lý trị liệu…”. Chính vì “có nghề” nên bác sĩ Tuấn dù thuộc biên chế Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 1 nhưng rất ít khi anh có mặt ở Nhổn. Bảng vàng thành tích mà bác sĩ Tuấn có được cùng các ĐTQG có lẽ chưa có điểm dừng.

Đôi nét về bác sĩ Trần Anh Tuấn

Sinh năm 1974 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Theo nghiệp bác sĩ thể thao từ năm 1999

Thành tích

Cấp độ các ĐTQG: HCĐ Tiger Cup 2002, HCB SEA Games 2009, HCB giải vô địch Đông Nam Á 2009 cùng U19 Việt Nam, hạng 4 giải vô địch futsal châu Á 2016 tại Uzbekistan.

Cấp độ CLB: Vô địch V-League 2005 và 2006, vô địch Cúp QG năm 2005 và Siêu Cúp QG 2006 cùng ĐTLA. Vô địch V-League, Á quân Cúp QG và Siêu Cúp QG năm 2008 cùng B.Bình Dương Á quân V-League 2010 với Hải Phòng Vô địch Cúp QG 2011 với N.Sài Gòn HCĐ giải futsal các CLB châu Á 2015 với Thái Sơn Nam…


Việt Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm