06/02/2019 11:00 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Trong một thế giới điện ảnh mà những phim “bom tấn” siêu anh hùng (Superhero), được sản xuất với kinh phí “khủng”, nắm quyền sinh sát trên màn bạc suốt một thập niên qua, thì những gì mà các bạn sắp sửa đọc dưới đây không chỉ là một kỳ tích của điện ảnh thế giới năm 2018 vừa qua, mà nó còn mở ra trước mắt các nhà làm phim trên toàn thế giới một con đường điện ảnh rộng thênh thang.
1. UNSANE (MẤT TRÍ) - Đạo diễn Steven Soderbergh
Đầu năm 2018, công chúng đột ngột chú ý một bộ phim tâm lý nghẹt thở Unsane ra mắt khán giả lần đầu tại LHP Berlin tháng 2, và sau đó tháng 3 bộ phim chính thức công chiếu tại Mỹ. Bộ phim tuy không gây đình đám nhưng lại tạo sự tò mò trước thông tin: Đây là lần đầu tiên đạo diễn nổi tiếng từng đoạt Oscar, Steven Soderbergh làm phim kinh dị nghẹt thở do chính ông viết kịch bản.
Nhưng điều trên vẫn không chấn động bằng thông tin do chính Soderbergh tiết lộ: Ông quay bộ phim này hoàn toàn bằng iPhone 7 plus!
Thực sự quay một bộ phim điện ảnh bằng iPhone không phải là điều gì mới lạ. Năm 2015, đạo diễn Sean Baker đã từng gây ngạc nhiên LHP Sundance với bộ phim Tangerine được quay hoàn toàn bằng 3 chiếc iPhone 5s với kinh phí chỉ 100.000 USD. Tuy nhiên Tangerine với đạo diễn và dàn diễn viên vô danh, không thể nào sánh được với Unsane có mặt cô đào nước Anh đang nổi Claire Foy, do chính một tên tuổi hạng A như Soderbergh sản xuất và đạo diễn.
Điều khác biệt lớn nhất ở đây, là đạo diễn Sean Baker của phim Tangerine lý giải việc ông phải quay bằng iPhone 5s là do không đủ kinh phí để dùng máy quay truyền thống. Còn Soderbergh thì chủ tâm quay bằng iPhone 7 plus vì ông ấn tượng với chất lượng hình ảnh tuyệt vời của nó, đến mức ông có thể sẽ tiếp tục sử dụng các thế hệ iPhone sắp tới để quay tiếp những bộ phim khác.
“Tôi nghĩ đây chính là tương lai của điện ảnh” Soderbergh nói, “Bất cứ ai khi xem Unsane - nếu chỉ là khán giả bình thường - sẽ không bao giờ nhận ra phim này quay bằng điện thoại. Nếu tôi không nói, thì khó mà nhận ra sự khác biệt nào”, ông nói.
Từ khi bắt đầu sự nghiệp điện ảnh, Soderbergh đã nổi tiếng là một nhà làm phim tiên phong. Ông không ngại thử nghiệm các máy quay phim kỹ thuật số trong các bộ phim của mình. Khởi đầu là máy quay RED, và bây giờ với iPhone – Soderbergh đã chinh phục giới hạn mới của điện ảnh.
“Mọi người nên nhớ iPhone giờ có thể quay được độ phân giải 4K như các máy quay RED cao cấp nhất hiện nay, với chất lượng hình ảnh mịn như nhung”, Soderbergh nói. “Thực sự thì khán giả đến rạp là để xem nội dung phim, chứ mấy ai quan tâm đến phim đó quay bằng máy gì!”
Tất nhiên Soderbergh cũng đủ khôn ngoan để giữ kín toàn bộ thông tin về bộ phim Unsane từ lúc chuẩn bị, cho đến khi hoàn tất bộ phim trong vòng bí mật, vì ông không muốn khán giả và nhất là các nhà phân phối có thành kiến từ đầu với việc quay phim bằng điện thoại. Ông chỉ công bố sự thật lúc Unsane sắp công chiếu, và việc quay phim bằng iPhone 7 plus bỗng trở thành một hình thức PR hiệu quả.
Với chi phí sản xuất chỉ có 1,5 triệu USD, Unsane dễ dàng thu lại được gấp 10 lần số vốn đầu tư (khoảng 14,2 triệu USD).
Soderbergh kể lại, sau khi bộ phim được hoàn thành, ông nhận được một cuộc gọi từ hãng Apple hỏi rằng “Điều này có đúng không? Có phải ông đã quay bộ phim này trên điện thoại”? Soderbergh bay đến California để chiếu phim cho họ xem, và phản ứng của họ thực sự phấn khích khi có người đã sử dụng công nghệ của họ và đẩy nó đi xa đến mức này. Apple rõ ràng rất tự hào về chất lượng điện thoại của họ.
“Và khi tôi nói với Apple rằng tôi rất thích quay các dự án tiếp theo đã được lên kế hoạch với iPhone, họ đã ngay lập tức gửi cho tôi phiên bản mới nhất, tuyệt thật” - Soderbergh cười.
2. SEARCHING (TRUY TÌM TUNG TÍCH ẢO) - Đạo diễn Aneesh Chaganty
Tháng 8/2018 điện ảnh thế giới lại tiếp tục sôi sục trước thành công bất ngờ của Searching – Bộ phim đầu tay của một đạo diễn người Mỹ mới 27 tuổi (anh sinh năm 1971) Aneesh Chaganty.
Searching là một bộ phim tập trung khai thác chủ đề ảnh hưởng của mạng xã hội trong cuộc sống. Xoay quanh câu chuyện một người Mỹ gốc Hàn phải nhờ đến mạng xã hội để truy tìm đứa con gái tuổi teen bỗng dưng mất tích.
Thành tựu độc đáo nhất của Searching là bộ phim 100% diễn ra trên màn hình máy tính, điện thoại thông minh, camera giám sát, và những ứng dụng trò chuyện video trên mạng xã hội. Có thể nói, bộ phim hoàn toàn không hề tốn kém gì trong việc dàn dựng bối cảnh theo cách thông thường. Thoạt nghe qua thì tưởng đơn giản, nhưng Searching không hề nhàm chán mà trái lại, nó rất căng thẳng và nghẹt thở không thua kém gì một bộ phim hình sự điều tra vụ án kiểu Hollywood.
Đạo diễn trẻ Aneesh Chaganty trước từng làm việc cho Google trong bộ phận sáng tạo các video quảng cáo. Anh từng đạo diễn một phim quảng cáo dài hơn 2 phút có tên là Seeds, đã nhận được hơn 1 triệu lượt xem chỉ sau 24 giờ. Việc gắn bó với công nghệ và nhìn ra ảnh hưởng từ mạng xã hội, đã khiến anh cùng với người bạn Sev Ohanian viết ra kịch bản Searching.
Với nhân vật chính là người Châu Á (John Cho), và chi phí sản xuất chỉ vỏn vẹn có 1 triệu USD, kịch bản nhận được sự quan tâm của nhà làm phim kỳ cựu Timur Bekmambetov chuyên trị thể loại phim ly kỳ nghẹt thở, và ông đã nhận lời sản xuất phim này.
Tuy Searching chỉ quay vẻn vẹn trong 2 tuần, nhưng để hoàn tất bộ phim phải mất đến 2 năm chuẩn bị, dựng phim và làm các hiệu ứng đồ hoạ để tạo ra các giao diện mạng xã hội đã quá quen thuộc với mọi người, nhìn sao cho chân thật nhất.
Bộ phim bất ngờ thu được 75 triệu USD trên toàn thế giới – gấp 75 lần chi phí sản xuất – một thành tựu được xem là kỳ tích của điện ảnh Mỹ năm nay, nó là động lực kích thích sự sáng tạo không giới hạn của các nhà làm phim khác.
3. ONE CUT OF THE DEAD (MỘT CÚ MÁY CỦA XÁC SỐNG) - Đạo diễn Shinichirou Ueda
Có thể khẳng định kỳ tích sáng chói nhất của điện ảnh thế giới năm qua chắc chắn phải thuộc về bộ phim đến từ Nhật Bản này. Câu chuyện để bộ phim được lên màn ảnh của nó cũng ly kỳ không kém chuyện phim.
Bộ phim mở đầu với câu chuyện một đoàn phim nhỏ, muốn quay một bộ phim kinh dị xác sống rẻ tiền tại bối cảnh hoang vu, mà nghe đồn hồi Thế chiến thứ hai từng là trung tâm thí nghiệm y khoa bí mật của phát xít Nhật. Khi đoàn phim đang làm việc thì bất thần những xác sống thật sự trong trung tâm này đột nhiên xuất hiện tấn công đoàn phim...
Mới nghe qua thì thấy câu chuyện quá kinh dị và ghê rợn trong 37 phút đầu tiên, nhưng từ phút kế tiếp trở đi cho đến hết phim là một giờ đồng hồ (phim dài 97 phút) đưa khán giả đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ kia khi phim đột ngột... chuyển qua hài, khiến ta không thể nhịn được cười!
Ly kỳ của phim này là ở chỗ toàn bộ từ đạo diễn, nhà sản xuất, cho đến thành viên đoàn phim và các diễn viên... tất cả đều là dân tay ngang nghiệp dư! Bộ phim chỉ được quay vỏn vẹn trong 8 ngày, sau khi đạo diễn Shinichiro Ueda tham gia một cuộc “Hội thảo nghề” (Workshop) dành cho các diễn viên và nhà làm phim nghiệp dư tại trường kịch nghệ Enbu Seminar ở Tokyo. Tính ra tổng chi phí sản xuất của bộ phim chỉ vẻn vẹn 3 triệu yen (khoảng 25.000 USD) tức tương đương 630 triệu VNĐ!
Hàng năm ở Nhật có khoảng 400 đến 500 phim độc lập kiểu này được làm và nhanh chóng đi vào quên lãng, nên các nhà làm phim One Cut of the Dead cũng không có chút tham vọng gì cả. Họ chỉ thuê một rạp chiếu phim nhỏ xíu ở Tokyo chuyên chiếu các phim thể nghiệm và nghệ thuật chỉ có 84 chỗ, và chỉ thuê trong 1 tuần rồi mang phim đi dự các Liên hoan Phim nho nhỏ bên ngoài nước Nhật.
Bộ phim bắt đầu thu hút sự chú ý của quốc tế sau khi nó nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt và trở thành á quân trong cuộc bầu chọn của khán giả tại Liên hoan phim Viễn Đông Udine (Italy). “Nhìn thấy cảnh 500 khán giả trong rạp đứng lên vỗ tay suốt 5 phút đã mang lại cho chúng tôi sự tự tin”, ông Koji Ichihashi chủ tịch của trường kịch nghệ Enbu Seminar và cũng là nhà sản xuất của bộ phim đã nói trong xúc động.
Sau khi nhận được những đánh giá tích cực bên ngoài Nhật Bản, bộ phim chính thức phát hành thương mại tại hai rạp chiếu phim ở Tokyo ngày 23/6/2018. Để giúp bộ phim thu hút sự chú ý, họ tung chiêu giảm giá nếu khán giả đến rạp mua vé trong trang phục zombie.
Lần này thì không gì cản nổi bộ phim khi hiệu ứng truyền miệng từ khán giả đã lan ra như vũ bão. Vé bán hết sạch mọi xuất chiếu kèm theo là hàng tá các bài bình luận có lợi cho bộ phim. Bộ phim nhanh chóng thu hút một lượng fan khổng lồ, và thu hút các phương tiện truyền thông, tất cả báo chí, tạp chí, các chương trình truyền hình đều nói về bộ phim ở trang đầu. “Điều đó chưa từng xảy ra với một bộ phim độc lập”, nhà sản xuất Ichihashi nói.
Hãng phát hành thứ cấp Asmik Ace lập tức nhảy vào để hợp tác phân phối bộ phim. Đến tháng 7/2018, bộ phim được chiếu ở khoảng 200 màn ảnh tại Nhật Bản. Cập nhật đến hết năm 2018 thì One Cut of the Dead đã có tổng doanh thu (chỉ mới chiếu ở 2 thị trường Nhật và Hàn Quốc) là 26,65 triệu USD (so với kinh phí sản xuất 25.000 USD)
Kỳ tích của One Cut of the Dead đã trở thành một hiện tượng độc nhất vô nhị của điện ảnh thế giới năm 2018 và đang trên đường trở thành một The Blair Witch Project* của Nhật!
Bá Vũ
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi
(*) THE BLAIR WITCH PROJECT là một phim kinh dị độc lập của Mỹ đã khai sinh ra thể loại phim giả tài liệu (found footage) rất được các nhà làm phim độc lập trên thế giới yêu thích. Năm 1999 nó đã lập một kỳ tích có một không hai trong thế giới điện ảnh, vẫn còn tồn tại đến hôm nay: Chi phí sản xuất 60.000 USD - Doanh thu toàn cầu 248,6 triệu USD!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất