Người nhện De Gea: Kỹ thuật và tư thế đứng làm nên những pha cứu thua ngoạn mục

16/01/2019 20:24 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - 11, đó là số pha cứu thua mà David De Gea thực hiện trong cuộc đối đầu giữa Tottenham và M.U cuối tuần qua. Rất nhiều lời tán dương dành cho người gác đền Tây Ban Nha. Trong bài viết mới đây cho tờ The Times, cựu thủ môn David Preece đã phân tích những lý do giúp De Gea có thể thực hiện những pha cứu thua “thần thánh” như vậy.

Harry Kane nghỉ 2 tháng vì chấn thương, M.U và Chelsea mừng thầm

Harry Kane nghỉ 2 tháng vì chấn thương, M.U và Chelsea mừng thầm

Tottenham đã gặp ác mộng khi mà chân sút chủ lực của họ, Harry Kane phải ngồi ngoài 2 tháng vì chấn thương dây chằng mắt cá chân. Tuy nhiên đây lại là tin vui với M.U và Chelsea.

95 phút có mặt trên sân của David De Gea trong cuộc đối đầu giữa Tottenham và M.U trên sân Wembley chính là minh chứng cho màn trình diễn hoàn hảo của một thủ môn. Trước những đợt tấn công dữ dội của “Gà trống”, thủ thành Tây Ban Nha vẫn giữ sự điềm tĩnh đáng kinh ngạc.

Chúng ta có thể nghĩ 11 pha cứu thua của De Gea ở trận đấu vừa qua là bình thường và “mọi ngày vẫn thế”, một điều mà một thủ môn ở Ngoại hạng Anh phải làm được. Tuy nhiên, suy nghĩ đó đã vô tình hạ thấp sự tập trung trong suốt khoảng thời gian dài và khả năng chọn vị trí hoàn hảo của người gác đền 28 tuổi trước những cú dứt điểm của Harry Kane và các đồng đội. Về mặt kỹ thuật, De Gea gần như không mắc sai lầm nào.

Tottenham càng gây áp lực lên hàng phòng ngự và khung thành M.U thì De Gea dường như lại càng tự tin. Anh không ngán bất cứ cú dứt điểm nào của cầu thủ đội chủ nhà về phía mình. Xét về phương diện này, De Gea khá giống Jan Oblak, thủ môn của Atletico Madrid. Cả hai là những người gác đền xuất sắc, những người có thiên hướng đứng lùi sâu ở khung thành.

Chú thích ảnh
David De Gea có một trận đấu xuất sắc và khiến các chân sút của Tottenham phải nản lòng

Điều đó không có nghĩa là họ không thể thi đấu hiệu quả ở những đội được Pep Guardiola hay Juergen Klopp dẫn dắt, những nơi thủ môn phải đóng góp vào quá trình kiểm soát, phân phối bóng. Tuy nhiên, De Gea lẫn Oblak đều đang thi đấu cho những câu lạc bộ mà nhiệm vụ chính của họ là những công việc quen thuộc của một thủ môn: ngăn chặn những cú dứt điểm, giải quyết những pha bóng bổng và chuyền bóng đơn giản.

De Gea và Oblak là những mẫu thủ môn khác với Ederson (Man City) hay Alisson (Liverpool). Cũng giống như khi chúng ta so sánh các mẫu tiền đạo như Sergio Aguero (Man City) với Rober Lewandowski (Bayern Munich), họ hoàn toàn khác nhau về lối chơi. Vấn đề ở đây là ai phù hợp với lối chơi và triết lý của từng đội bóng mà thôi.

Tại M.U, De Gea không chỉ trở thành bậc thầy bởi khả năng cản phá những cú dứt điểm mà còn ở sự nhẫn nại. Minh chứng hoàn hảo cho nhận định này chính là tình huống đối mặt với Dele Alli. Đó là pha bóng mà thủ môn 28 tuổi đã giành chiến thắng trong tích tắc sau khi gây áp lực lên tiền vệ tấn công của Tottenham bằng cách đứng vững một cách kiên định để không cho đối phương bất cứ lợi thế nào. 

Như chúng ta đã biết, điều cần nhấn mạnh ở đây là khả năng sử dụng chân để ngăn cản những cú sút tầm thấp. Đó là những gì mà thủ môn phải làm: hành động và di chuyển hiệu quả.

Chú thích ảnh
De Gea cứu thua bằng chân từ pha dứt điểm cận thành của Toby Alderweireld

De Gea cứu bóng bằng chân với tư thế hai chân dạng rộng. Tư thế không tự nhiên này giúp chân anh chạm bóng nhanh hơn tay. Khi cản bóng bằng chân, bóng đi chệch hướng xa khỏi vùng nguy hiểm nhiều hơn là cứu thua bằng tay. Để xử lý những cú dứt điểm từ khoảng cách 8m đến 16m50, các thủ môn vẫn luôn được dạy là giữ hai chân rộng bằng vai, đôi khi là rộng hơn một chút để chân vừa di chuyển và tay vẫn phản ứng trước những cú dứt điểm tầm thấp.

Tuy nhiên, lý thuyết cũng có thể bị De Gea thay đổi. Tư thế hai chân rạng dộng như thủ thành người Tây Ban Nha thường cho phép anh dồn trọng lực xuống gót chân và thoải mái sử dụng chân trong những pha bóng mà hầu hết những người gác đền khác sẽ phải dùng tay. Do đó, anh cũng có thể giữ tay mình ở vị trí cao hơn để đối phó những cú dứt điểm cao trên phần thắt lưng và không phải bận tâm đến việc dùng tay cản phá những cú sút tầm thấp vì ở đó đã có đôi chân xử lý.

Chú thích ảnh
Hugo Lloris đứng hơi lệch ra ngoài khỏi khung thành và khoảng cách hai chân khá gần nhau khi Rashford dứt điểm. Trong khi đó ở một pha bóng tương tự khi đối mặt với Harry Kane, De Gea vẫn đứng trong phạm vi khung thành và có trạng thái cân bằng khi hai chân dạng rộng hơn một chút.

Ví dụ điển hình để giải thích tại sao tư thế đứng này của De Gea phát huy hiệu quả được thể hiện ở cách mà Hugo Lloris đối mặt với Marcus Rashford trong pha bóng dẫn tới bàn thắng ở trận đấu giữa Tottenham và M.U vừa qua. Không thể phủ nhận đó là cú dứt điểm tốt của Rashford tuy nhiên Lloris đã đứng lệch ra ngoài khỏi khung thành. Khoảng cách hai chân của thủ thành người Pháp cũng hơi hẹp nên khi đổ người sau cú sút của đối thủ, anh khá bị động. Đó là tình huống xử lý và lựa chọn vị trí không tốt của Lloris.

Cũng như nhiều thủ môn xuất chúng khác, sự điềm tĩnh là sức mạnh lớn nhất của De Gea. Nó giúp anh đưa ra những quyết định chính xác và lựa chọn vị trí tốt nhất. Điều này được minh chứng trong hai tình huống sau: đầu tiên là pha cản phá cú dứt điểm cận thành của Toby Alderweireld và sau đó là pha lao ra đấm bóng cứu thua sau quả treo bóng vào vòng cấm từ phía “Gà trống” ở phút 90+3. Hai tình huống ấy xứng đáng nhận được nhiều hơn những lời tán thưởng.

Thật dễ hiểu khi nhiều người nói De Gea vẫn chỉ đang làm những điều mà chúng ta vẫn luôn nghĩ anh có thể làm được. Nhưng các tiền đạo liệu có thấy phiền không khi bàn thắng của họ được ghi dù là từ khoảng cách 1m hay 18m? Chắc chắn là không. Và thủ môn cũng vậy, họ sẽ không phiền dù là cứu thua theo cách như thế nào đi chăng nữa.

Nguyễn Hồng Phú
Theo The Times

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm