Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 59): Vụ tai nạn hàng không khiến Toàn quyền Đông Dương tử nạn

06/02/2023 18:26 GMT+7 | Văn hoá

Trong lịch sử chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương, duy nhất có một toàn quyền tử nạn khi máy bay trên đường về nước bị cháy. Đó là Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier (6/2/1877 - 15/1/1934).

Tại Đông Dương thời bấy giờ, toàn quyền (gouverneur général) là người có quyền lực cao nhất. Đã từng có những người giữ chức vụ này bị "đứt gánh giữa chừng" vì bệnh tật như Paul Bert (là Tổng trú sứ trước khi có chế độ Toàn quyền) và Armand Rousseau; có người trên đường về nước bằng tàu thủy mắc bệnh chết như H.Merlin…

Pierre Marie Antoine Pasquier, thường được biết với tên Pierre Pasquier, tốt nghiệp trường hành chính, đến Sài Gòn ngày 1/11/1898, lần lượt đảm nhận các chức: Phó công sứ Thái Bình, Công sứ Thanh Hóa và từ 1/1/1917 làm Đốc lý Hà Nội.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 59): Vụ tai nạn hàng không khiến Toàn quyền Đông Dương tử nạn - Ảnh 1.

Năm 1944, kỷ niệm 10 năm sự kiện này, Bưu chính Đông Dương phát hành tem in chân dung P. Pasquier

Ngày 5/5/1921, P. Pasquier được cử làm Khâm sứ Trung kỳ và trong thời gian Toàn quyền A. Varenne về Pháp, ông được chỉ định làm quyền Toàn quyền Đông Dương (4/10/1926), sau đó trở về Pháp giữ chức Giám đốc Đông Dương Kinh tế cục, rồi được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương (26/12/1928).

Viên toàn quyền này cũng là người chèo chống giúp Đông Dương vượt qua thời khủng hoảng kinh tế và cũng là người chỉ huy các cuộc đàn áp tàn khốc cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc gắn với 2 tổ chức yêu nước, cách mạng là Việt Nam Quốc dân đảng (1927) và Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), rõ nhất là hai cuộc khởi nghĩa Yên Bái và Xô viết Nghệ-Tĩnh…

Đang ở đỉnh cao quyền lực và vừa tham dự một sự kiện quan trọng là "rước" Bảo Đại từ Pháp về Đại Nam chấp chính (1/1934), thì P. Pasquier được triều về chính quốc để bàn kế sách… Đó cũng chính là thời điểm diễn ra một sự kiện quan trọng nhằm tỏ rõ sức mạnh của nước Pháp, cũng như mối quan tâm của nước này đối với xứ Đông Dương, với hòn ngọc viễn Đông. Đó là sự kiện khai trương đường bay Paris - Sài Gòn của Hãng Hàng không quốc gia Air France.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 59): Vụ tai nạn hàng không khiến Toàn quyền Đông Dương tử nạn - Ảnh 2.

Bìa Illustration số 4740, ngày 6/1/1934, còn đăng ảnh P. Pasquier chụp với Hoàng đế Bảo Đại tại Hà Nội

Sự kiện đã diễn ra suôn sẻ, khi chiếc máy bay được coi là hiện đại nhất đương thời mang tên Émeraude (Ngọc bích) rời phi cảng Paris ngày 21/12/1933, sau 50 giờ bay qua nhiều sân bay trung chuyển, kéo dài 1 tuần lễ, đã hạ cánh xuống Sài Gòn ngày 28/12/1933. Và theo lịch trình, nó sẽ hoàn tất tuyến trở về bằng chuyến bay khởi hành ngày 5/1/1934 từ Sài Gòn. P. Pasquier đã chọn chuyến bay này để về nước, nhằm thể hiện sự "trưởng thành" của Đông Dương trong thời kỳ ông trị nhậm.

Nhưng số mệnh đã biến chuyến trở về này thành việc kết thúc sự nghiệp và cả mạng sống của vị Toàn quyền Đông Dương, hưởng dương 57 tuổi. Vào lúc 21h35 ngày 15/1/1934 (theo giờ địa phương), trong khi chuẩn bị hạ cánh, chiếc Émeraude đã bốc cháy và rơi xuống vùng đất có địa danh là Nevers (thuộc vùng Corbigny). Toàn bộ 10 người trên máy bay đều thiệt mạng. Ngoài Toàn quyền Đông Dương, còn có Giám đốc kinh doanh của Hãng Hàng không quốc gia Pháp (Air France) Noguès và vợ chồng giám đốc thương mại Chaumié…

Những kết quả điều tra cho biết chiếc máy bay rơi có thể do giá lạnh, khiến băng đóng trên động cơ máy bay phát nổ và sức gió lúc hạ cánh khiến vận tốc máy bay vẫn quá nhanh (400km/giờ) và thêm một chi tiết do tờ Hà Thành ngọ báo công bố là trên đường về, Émeraude đã gặp trục trặc, phải dùng lại một nơi để sửa chữa, P. Pasaquier đã chuyển sang máy bay nhỏ, bay được một chặng thì chuyển trở lại Émeraude, để đi cho trọn vẹn sự kiện khai thông chuyến khứ hồi Paris - Sài Gòn, vốn mang giá trị như một cái mốc lịch sử của cả hàng không và thuộc địa. Tuy bị nạn, nhưng một thời gian sau thì Air France lại tiếp tục duy trì các chuyến bay tới Đông Dương và mở rộng sang nhiều quốc gia lân cận…

Sau tai nạn này, ở Đông Dương, Maurice Fernand Graffeuil được bổ nhiệm là Toàn quyền Đông Dương từ ngày 2/3/1934, cho tới khi René Robin chính thức sang thay (23/7/1934).

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 59): Vụ tai nạn hàng không khiến Toàn quyền Đông Dương tử nạn - Ảnh 4.

Báo chí Pháp ngày 16/1/1934, đưa tin vụ rơi máy bay

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 59): Vụ tai nạn hàng không khiến Toàn quyền Đông Dương tử nạn - Ảnh 5.

Tờ L'Action Française ngày 16/1/1934 viết về nguyên nhân tai nạn

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 59): Vụ tai nạn hàng không khiến Toàn quyền Đông Dương tử nạn - Ảnh 6.

Hãng phim Pathé của Pháp làm hẳn những phóng sự đưa tin

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 59): Vụ tai nạn hàng không khiến Toàn quyền Đông Dương tử nạn - Ảnh 7.

Chiếc Émeraude lúc cất cánh ở sân bay Sài Gòn

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 59): Vụ tai nạn hàng không khiến Toàn quyền Đông Dương tử nạn - Ảnh 8.

Chỉ còn là đống kim loại khi cách Paris không xa

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 59): Vụ tai nạn hàng không khiến Toàn quyền Đông Dương tử nạn - Ảnh 9.

Hiện trường vụ tai nạn

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 59): Vụ tai nạn hàng không khiến Toàn quyền Đông Dương tử nạn - Ảnh 10.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 59): Vụ tai nạn hàng không khiến Toàn quyền Đông Dương tử nạn - Ảnh 11.

Quang cảnh xung quanh hiện trường

QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm