06/12/2022 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Màu trắng và bài trí tối giản trong đền Hoa sen, các "Guru Ka Langar", dòng người đến Taj Mahal - khu lăng mộ xây dựng thời hoàng đế Shah Jahan thế kỷ 17, hình ảnh những ngôi nhà nguyện của đạo Hồi xây dựng giữa nơi cư trú của người theo đạo Hindu và nhiều việc được chứng kiến khiến tôi hướng tới ấn tượng về tình trạng hòa đồng tôn giáo. Không rõ trên diện rộng ở Ấn Độ có như vậy không, nhưng tôi vẫn hy vọng vào điều mình cảm nhận.
1. Ở Ấn Độ, một trong mấy nơi tôi đến đầu tiên là đền Hoa sen - một trung tâm thờ phụng của người theo đạo Baha'i. Ngôi đền là đóa sen bằng đá trắng sừng sững giữa nền trời xanh thẳm. Ngỡ ngàng vì không ngờ ngôi đền của một tôn giáo xuất xứ từ Ba Tư lại hiện diện trong hình hài một biểu tượng thuần Ấn là hoa sen. Ngỡ ngàng tăng lên khi thấy cả ngoài và trong ngôi đền đều một màu trắng tinh khiết, bên trong bài trí tối giản, không có bất kỳ biểu tượng tôn giáo, hình ảnh, trích lời thánh nhân, lư hương, bình đốt trầm, chân nến, nét hoa văn… nào. Vòm trần ngôi đền cao rộng, ghế đủ cho 2.500 người ngồi, mà chỉ có 2 lọ hoa và chiếc bàn nhỏ đứng nói chuyện.
Thấy xung quanh có người theo đạo Sikh, lại nghe con rể theo đạo Phật ngồi bên tụng niệm, tôi hiểu họ tìm thấy hình ảnh tôn giáo của họ giữa màu trắng tinh khiết. Quả là một ý tưởng cao siêu, giúp tín đồ tôn giáo khác có thể đến với đền Hoa sen. Sau tìm hiểu mới biết đạo Baha'i quan niệm "Đền thờ của Baha'i phải là một không gian cho tín đồ của tất cả các tôn giáo để thu thập, suy nghĩ, và tôn thờ", vì thế ai cũng có thể viếng đền Hoa sen, bất kể niềm tin tôn giáo, giới tính hoặc có khác biệt.
Sự tồn tại đồng thời của nhiều tôn giáo ở Ấn Độ khiến tôi băn khoăn liệu có sự ganh đua, kỳ thị? Bằng vào quan sát và chắc chắn không đầy đủ, tôi chưa thấy dấu hiện về điều đó. Mà tôi còn có niềm tin về sự hòa đồng khi đến đền Bangla Sahib Gurudwara của đạo Sikh ở Delhi thấy gần trung tâm đền treo biển viết "Guru Ka Langar" - Từ thiện của người thầy. Đây là nơi cung cấp bữa ăn từ thiện miễn phí.
"Guru Ka Langar" là căn phòng lát đá rộng rãi, mát mẻ nhưng vẫn có quạt trần khổng lồ cỡ 4m quay tít. Dưới sàn, mấy trăm người xếp hàng ngồi ăn. Người vào "Guru Ka Langar" ăn suất từ thiện không chỉ là người theo đạo Sikh, mà có thể là người theo đạo Hindu, đạo Phật, đạo Hồi… miễn là có nhu cầu.
Tương truyền "Guru Ka Langar" xuất hiện từ thời đạo Sikh mới ra đời. Chuyện rằng năm 12 tuổi, Guru Nanak - người sáng lập đạo Sikh, được cha cho 20 rupee để kinh doanh. Nhưng Guru Nanak dùng số tiền đó mua thức ăn cho người nghèo. Sau cha hỏi kinh doanh thế nào, Guru Nanak trả lời đã "kinh doanh chân chính" là nuôi người nghèo.
"Guru Ka Langar" được thiết kế để bảo đảm nguyên tắc mọi người bình đẳng, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, địa vị, đẳng cấp, tuổi tác, màu da, giới tính… Trong cuộc sống, mỗi người theo đạo Sikh có nghĩa vụ góp một phần thu nhập cho lợi ích cộng đồng, nên nơi nào có người theo đạo Sikh thì ở đó có "Guru Ka Langar".
Ở đền Bangla Sahib Gurudwara tôi gửi giày dép, nhận khăn vấn đầu, rửa chân, vào thăm đền. Dễ nhận ra du khách, tín đồ tôn giáo khác qua khăn vấn tạm nhiều màu sắc. Tín đồ đạo Sikh có chiếc khăn đặc trưng trên đầu. (Nhiều người Việt Nam ngỡ nam giới Ấn Độ đều vấn khăn, thực ra chỉ người theo đạo Sikh. Đạo Sikh có giới luật Khalsa gồm 5 chữ K, chữ K đầu tiên là Kesh với quy định "không cắt tóc, râu, lông trên cơ thể trong suốt cuộc đời". Vì thế nam tín đồ để râu, không cắt tóc, hằng tuần gội đầu một lần). Nhận gói halwa - lúa mì dạng hạt nấu với mật, tôi đi vào khu hành lễ đang âm vang tiếng nhạc, tiếng đọc kinh. Trong chính điện, tín đồ đạo Sikh ngồi im lặng, du khách đứng nghe hoặc thành kính làm lễ.
Qua khu dành riêng nam giới, thấy có ông quần đùi, cởi trần ôm quần áo đi đâu đó, tôi lại tò mò. Thì ra họ tắm tẩy trần tại hồ nước thiêng bên mé đền. Hồ nước trong, cá to nhỏ lượn lờ. Nơi tắm ở phía xa, còn du khách xuống bậc đá dài sát mép nước dùng tay tự vã nước lên mặt lên đầu. Lấy halwa gói trong lá khô ra ăn, na ná chè lam, nhưng ngầy ngậy. Kết thúc chuyến thăm, dừng lại trước hàng tín đồ đạo Sikh tay cầm ấm nhỏ. Chụm 2 lòng bàn tay vào nhau để họ rót nước từ ấm vào, uống một ngụm, còn bao nhiêu vã lên đầu.
2. Tôi đến Ấn Độ cuối tháng 9, đúng thời điểm tín đồ đạo Hindu trong 10 ngày ăn chay chuẩn bị đón lễ Dussehra. Trong 10 ngày, người theo đạo Hindu nhịn ăn và chỉ uống nước lọc, đêm có thể ăn dăm cái bánh quy, uống chút sữa. Chú lái xe taxi kể mấy ngày chú không nhịn hoàn toàn, đêm ăn tí chút, vậy mà vẫn lái xe phăm phăm, cười phớ lớ.
Lễ Dussehra ở Ấn Độ đánh dấu sự kiện nữ thần Durga chiến thắng quỷ trâu Mahishasura, kết thúc việc Rama giải cứu người vợ là Sita bị Ravana bắt cóc. Ngày Dussehra kết thúc bằng lễ Ramlila - vở diễn tái hiện sự tích Rama cứu Sita. Lễ lớn của đạo Hindu nhưng toàn dân được nghỉ.
Hằng năm Ấn Độ có một số ngày nghỉ nhân sinh nhật các nhân vật đặc biệt, như Mahatma Gandhi, và người sáng lập tôn giáo như Guru Nanak của đạo Hindu, Gautama Buddha của đạo Phật, Jesu của đạo Kito, Muhammad của đạo Hồi… Các lễ này không chỉ tín đồ của tôn giáo có liên quan mà toàn dân được nghỉ. Sực nhớ trước đây ở Việt Nam được nghỉ ngày Phật đản, Noel.
Ngày cuối cùng tuần chay tôi đến Dharamsala, đó là ngày người theo đạo Hindu trở lại ăn uống bình thường. Lễ lớn, có vị ăn uống quá đà nên gặp 1, 2 anh đi lắc lư bên đường, hoặc đứng giữa đường chặn ô tô tâm sự với lái xe! Từ chiều, mọi nẻo đường nườm nượp người xe dự lễ hội. Trống rong cờ mở, nhạc réo rắt, hò hét rất vui vẻ. Tùy khu vực dân cư mà tổ chức Ramlila tại địa điểm riêng. Có nơi 2 điểm chỉ cách nhau có vài cây số. 3 hình nộm của quỷ vương Ravana và 2 ác quỷ phò tá bằng giấy cao cỡ chục mét đã được dựng lên cạnh sân khấu giữa thung lũng. Sẩm tối, dàn nhạc đàn hát vang dội, nhưng mọi người vẫn tản mát quanh quán ăn, nơi tổ chức trò chơi.
Tới khi Ramlila bắt đầu thì ô tô đỗ chật các nẻo đường, người ngồi kín sân, kín các sườn đồi, trước sân khấu chỉ còn khoảng trống bằng cái chiếu. Vở Ramlila diễn ra trong tiếng hò reo của mấy nghìn người. Mỗi khi Rama xuất hiện là dân chúng vỗ tay rầm trời, mỗi khi quỷ vương Ravana và 2 đệ tử xuất hiện là bị la ó rầm rĩ. Lúc Ravana trúng tên ngã ngửa thì tiếng hò reo còn lớn hơn. Nỗi hứng khởi lên đến cao trào khi hình nộm kẻ xấu bị đốt cháy đùng đùng.
Kê dép ngồi lẫn giữa họ, tôi cảm nhận được tâm trạng mọi người. Lâu lắm mới được xem lễ hội đúng nghĩa dân gian, cũng lâu lắm mới được tiếp xúc với sự hào hứng, phấn khởi của hàng nghìn người đến lễ hội với niềm tin thanh khiết. Suốt buổi trình diễn, thi thoảng pháo bông loang loáng, vài quả pháo thăng thiên vút lên nổ vang. Kết thúc bằng màn pháo hoa rực rỡ như hoa giữa đêm Himalaya mát lạnh.
(Còn nữa)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất