AI tái hiện lại 7 kỳ quan thế giới cổ xưa

12/12/2023 08:01 GMT+7 | Văn hoá

Hãy tưởng tượng Tượng thần Mặt trời ở Rhodes, Tượng thần Zeus và 5 kỳ quan thế giới cổ đại khác đứng vững như cách đây hàng nghìn năm khi được xây dựng lần đầu tiên qua sự tái tạo của công nghệ AI.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm được điều đó bằng cách tái tạo từng công trình kiến trúc lịch sử trong xã hội hiện đại với những du khách tấp nập chụp ảnh bằng điện thoại thông minh.

Hiện chỉ có một trong 7 công trình gốc còn tồn tại cho đến ngày nay, còn lại bị mất theo thời gian do chiến tranh, nền văn minh sụp đổ và thiên tai.

Nhưng bằng cách sử dụng máy tạo tưởng tượng Midjourney, AI đã đưa những công trình trở lại một cách sống động, qua đó giúp thế giới có một cái nhìn khác.

Tượng thần Mặt trời ở Rhodes

Đó là một kỳ công đáng kinh ngạc về kỹ thuật và xây dựng và bức tượng cao 34m so với bến cảng ở Rhodes.

Bức tượng khổng lồ mất khoảng 12 năm để hoàn thành, được làm bằng những tấm đồng và mô tả vị thần mặt trời của Hy Lạp - Helios.

AI tái hiện lại 7 kỳ quan thế giới cổ xưa  - Ảnh 1.

Bức tượng khổng lồ mất khoảng 12 năm để hoàn thành, được làm bằng những tấm đồng và mô tả vị thần mặt trời của Hy Lạp - Helios

Tác phẩm nghệ thuật cổ mô tả Tượng thần Mặt trời của Rhodes cho thấy bức tượng nằm giữa lối vào bến cảng nhưng các nhà nghiên cứu đã xác định rằng điều đó là không thể.

Thay vào đó, vị thần đứng trên bệ gần lối vào bến cảng, chào đón những con tàu ghé thăm.

Một trận động đất đã khiến bức tượng này bị phá hủy, nó tồn tại được chưa đầy một thế kỷ sau khi hoàn thành vào năm 282 trước Công nguyên.

Đại kim tự tháp Giza

Di tích còn sót lại từ thế giới cổ đại nằm ở Ai Cập và vẫn là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất trên thế giới.

Theo lệnh của pharaoh Khufu, người Ai Cập cổ đại đã dành 20 năm để đặt những khối đá nặng tới 2,5 tấn mỗi khối và tạo nên Đại kim tự tháp Giza.

Ban đầu với chiều cao 146,6m, Đại kim tự tháp là cấu trúc nhân tạo cao nhất thế giới trong hơn 3.800 năm.

AI tái hiện lại 7 kỳ quan thế giới cổ xưa  - Ảnh 2.

Ban đầu với chiều cao 146,6m, Đại kim tự tháp là cấu trúc nhân tạo cao nhất thế giới trong hơn 3.800 năm

Theo thời gian, hầu hết lớp vỏ đá vôi trắng mịn đã bị loại bỏ, điều này đã hạ thấp chiều cao của kim tự tháp xuống như hiện nay, còn 138,5m.

AI đã tái tạo lại kim tự tháp ở dạng ban đầu, phủ lên trên nó một lớp đá vôi trắng lấp lánh đã bị thất lạc theo thời gian.

Vườn treo Babylon

Theo các văn bản cổ, Vườn treo Babylon tự hào có những sân thượng phức tạp, các đài phun nước tuyệt đẹp và các loài thực vật nổi.

Tuy nhiên, bằng chứng duy nhất về sự tồn tại của ốc đảo tươi tốt này chỉ là những câu chuyện được truyền miệng.

Một văn bản đặc biệt khẳng định Hoàng đế Babylon Nebuchadnezzar đã xây dựng các khu vườn ở tỉnh Babylon của Iraq cho vợ mình là Amyitis.

AI tái hiện lại 7 kỳ quan thế giới cổ xưa  - Ảnh 3.

Những khu vườn được cho là có từ năm 600 trước Công nguyên và được hoàn thiện với những bậc thang cao 18,2m

Tuy nhiên, không có đề cập nào đến những khu vườn này trong bất kỳ văn bản nào do Hoàng đế hoặc vợ ông viết.

Theo truyền thuyết, khu vườn này nằm cách thủ đô Baghdad của Iraq khoảng 50 dặm về phía Nam.

Những khu vườn được cho là có từ năm 600 trước Công nguyên và được hoàn thiện với những bậc thang cao 18,2m.

Nếu những khu vườn này tồn tại, chúng bị san bằng sau khi bị Đế chế Achaemenid chinh phục vào năm 539 trước Công nguyên.

Tượng thần Zeus ở Olympia

Olympia đã xây dựng bức tượng người cai trị các vị thần nhằm đánh bại các đối thủ của thành phố Athens.

Tượng Zeus bằng ngà voi cao 12m ngồi trên ngai vàng bên trong một ngôi đền thoáng mát, giống như cách nó xuất hiện trong hình ảnh do AI tạo ra nhưng có khách du lịch ngồi xung quanh.

AI tái hiện lại 7 kỳ quan thế giới cổ xưa  - Ảnh 5.

Tượng Zeus bằng ngà voi cao 12m ngồi trên ngai vàng bên trong một ngôi đền thoáng mát

Hồ sơ cho thấy bức tượng khổng lồ đã bị phá hủy trong trận hỏa hoạn ở Constantinople vào năm 426 sau Công Nguyên.

Ngọn hải đăng Alexandria

Ngọn hải đăng nổi tiếng nhất thời cổ đại từng đứng cao hơn 100m trên đảo Pharos ở bến cảng Alexandria ở Ai Cập cổ đại.

Ngọn hải đăng được xây trong triều đại của Ptolemy II Philadelphos (280–247 trước Công nguyên) của Ai Cập thuộc Hy Lạp.

AI tái hiện lại 7 kỳ quan thế giới cổ xưa  - Ảnh 6.

Ngọn hải đăng nổi tiếng nhất thời cổ đại từng đứng cao hơn 100m trên đảo Pharos ở bến cảng Alexandria ở Ai Cập cổ đại

Đó là một cấu trúc phức tạp được thiết kế để thể hiện sức mạnh của vốn trí tuệ thế giới đồng thời bộc lộ nền tảng toán học và hình học của nó.

Sostratus của Cnidus đã thiết kế ngọn lửa đang cháy để đặt trên đỉnh một tháp hình trụ, phần giữa hình bát giác và phần đế hình vuông.

Sau một loạt trận động đất, nó cuối cùng rơi vào tình trạng hư hỏng và đổ nát vào thời Trung cổ.

Lăng mộ ở Halicarnassus

Lăng mộ được xây dựng trong giai đoạn 353-350 trước Công nguyên tại Halicarnassus (Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay), dành cho Mausolus - vị vương hầu người cai trị Caria, một vùng cổ xưa của Tiểu Á thời Đế chế Ba Tư, và Artemisia, vợ và chị ông.

Công trình ấn tượng đến mức tên của vị vua quá cố đã trở thành từ chung cho các di tích tang lễ quan trọng.

AI tái hiện lại 7 kỳ quan thế giới cổ xưa  - Ảnh 7.

Lăng mộ được xây dựng trong giai đoạn 353-350 trước Công nguyên

Cấu trúc này là sự kết hợp giữa các nguyên tắc thiết kế của Hy Lạp, cận Đông và Ai Cập được đặt trên đá cẩm thạch Anatolian và Pentelic.

Được xây dựng vào năm 350 trước Công nguyên ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, lăng mộ đã bị phá hủy bởi một loạt trận động đất vào thế kỷ 13.

Đền thờ Artemis ở Ephesus

Artemis là nữ thần Hy Lạp. Đền thờ Artemis đã được xây dựng và bị phá hủy 3 lần. Người đầu tiên phá hủy nó là Herostratus, người đã đốt nó chỉ để nổi tiếng.

AI tái hiện lại 7 kỳ quan thế giới cổ xưa  - Ảnh 8.

Đền thờ Artemis đã được xây dựng và bị phá hủy 3 lần

Tiếp theo là người Goth (bộ tộc Đông German), những kẻ đã phá hủy thành phố khi chạy trốn khỏi người La Mã.

Cuối cùng, một đám đông đã phá nát đền thờ vào năm 401 sau Công nguyên, chỉ để lại phần móng và một cột duy nhất - vẫn còn có thể được nhìn thấy cho đến ngày nay.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm