Bài viết này đã được chương trình Let’s Càphê củaKênh truyền hình Let’s Việt - VTC9 giới thiệu vào ngày 16/03/2009
1. Claudio Magris đã viết đâu đó về cuộc sống tạm thời trong các đô thị, nơi ông đã nhận ra rằng cái tính cách ngắn hạn không thể hủy bỏ của chúng truyền đạt một cảm thức hoài niệm sâu kín nhất. Tôi vẫn thường hình dung về Hà Nội, nơi chỉ là chốn tạm dung của tôi, trong những thể ngắn của cái thoáng qua ấy, cái mà những người ưa sự vĩnh cửu có thể chối bỏ, chẳng hạn là một dòng chữ quảng cáo, một tấm biển, một dòng giới thiệu trong các cuốn sách du lịch… Ngắn và nhanh, đơn giản về cấu trúc, cứ thế, lịch sử và cuộc sống được diễn giải bằng sức mạnh chớp mắt của nó.
Tôi, một sáng kia thắp nén hương trầm, trong phút chót ở làng Dịch Vọng, chợt đón nhận sự cứu rỗi nhờ một tiếng rao. "Ai có tóc dài, bán không?..." Ngắn và nhanh, tiếng rao vỡ toác trời trưa bằng một động tác trút sắc âm xoáy vào nắng.
Mẹ tôi tóc dài, chị tôi tóc dài, em gái tôi tóc dài... Những người đàn bà tôi yêu thương và yêu thương tôi tóc dài. Tôi giật mình. Rồi hốt hoảng vì những con người ấy đã lần lượt rời xa tôi, để yêu thương còn lại như những đợt sương mù, những đợt nắng, những đợt gió ngày và đêm gieo xuống đời tôi trong suốt tháng năm vội vã.
Tôi khóc vì tóc mẹ tôi không còn dài. Mẹ tôi nối chờ đợi hết chiến tranh cha về bằng ngàn sợi tóc trắng. Chị tôi tóc đã ngắn, chị thích nét hiện đại. Em tôi hết tóc bím thơ ngây... Tâm linh tôi là tóc dài. Tôi tìm tâm linh tôi ở đâu giữa một bên là những hoài niệm thuần túy cá nhân với một bên, nỗi mất mát đã trở thành vết thương sưng tấy. Và tôi biết, nó đâu chỉ được ướp lạnh lần cho xong, mỗi ngày tôi lại giữ mãi chiếc kéo vô hình hay giữ lời đáp tiếng rao kia, để từng sợi tóc không rơi xuống tê tái hồn mình.
2. Hà Nội nhiều lắm tiếng rao. Rao để bán: rao báo, rao bánh mì (mà là bánh mì Sài Gòn nhé), bánh giò, bánh rán, rao khúc, rao phớ, ngô nóng, rao rượu nếp... Cũng có khi rao để mua. Rao mua tóc, rao mua đồ điện tử cũ hỏng, rao mua đồng nát... Rao theo mùa, theo buổi, theo thời. Mùa hè mới rao phớ. Mùa thu rao cốm. Buổi sáng rao báo. Nửa đêm rao khúc. Tóc dài thi thoảng mới rao. Bảy giờ tối, bao giờ cũng vậy, rao kết quả số đề... Nghe mãi thành quen, thành cần nghe. Tiếng rao, cái thể ngắn âm thanh giữa thời đại truyền thông bùng nổ, bất luận những mặc cảm kĩ thuật thô ráp của nó, vẫn có thế thượng phong trong đời sống đô thị Hà Nội và lôi cuốn chúng ta qua sự tiếp diễn luôn luôn.
Chiếc xe đạp gắn liền với tiếng rao
Hà Nội nhiều lắm kiểu rao. Bài bản, ngắn gọn, lê thê. Nhanh - sắc - chậm - buồn. Rao bằng miệng. Rao bằng máy. Kiểu rao miệng nghe thảng nghe khàn nghe khan nghe khó hiểu là rao gì. Rao không lấy hơi, mất hút, một trường đoạn tự tác ngẫu hứng (improvise) ngắn ngủi của cá thể vút qua đẹp đến đau lòng. Rao máy nghe khỏe nghe rè nghe khê cháy. Rao máy kiệm sức và có tính bài bản, mượn vốn liếng thi ca bình dân, cái tưng tửng của các diễn ngôn đại chúng được dịp trổ tài và vượt quá các khúc ca salon nhờ cuộn băng ghi âm giọng nói sinh động. Những người chấp bút cho văn -bản- rao hẳn là các nhà ngụy biện ẩn danh, họ khéo léo gài đặt lợi ích thương mại trong cách luyện thanh của Xiren thần bí.
Hà Nội nhiều lắm người rao. Họ là người dân lao động nghèo ngoại thành, đa số từ các tỉnh lân cận. Mưu sinh bằng tiếng rao: đi bộ gồng gánh; đạp xe uể oải và khó nhọc. Họ vừa như thoáng qua, một diễn viên phụ của đời sống, vừa như đứng yên vô tận nhập vai cuộc sinh tồn mà chẳng mấy ai vượt qua họ về mặt kinh nghiệm và khát khao. Thời tôi sinh viên xóm trọ, nửa đêm cứ ngóng tiếng rao khúc. Chú gọi cháu, xưng chú, vẫn còn thức à, chú đi nhé... Thế rồi chú đi thật. Tìm cả Hà Nội không có tiếng rao của chú. Hay chú vẫn mải miết rao mà tôi chẳng nhận ra. Những ngõ ngách Hà Nội thẳm sâu buồn túa ra đại lộ sáng loáng, ngoại ô mênh mông, có nơi đâu tha thiết ấm nồng tiếng rao riêng tôi?
Nơi đại lộ sang trọng, vẫn chờ đợi tiếng rao
3. Sau tiếng rao, người có cái để ăn, người có cái để đọc, người có thứ để mua - bán. Người chỉ cần một bát phớ mát lành, kẻ mơ đến con số đặc biệt. Tiếng rao, người rao vẫn vậy, nếu không phải tôi thì bao triệu người Hà Nội lại được nghe như thế. Tôi có đi nhiều thành phố trong nước, chẳng nghe đâu tiếng rao đặc biệt như ở Hà Nội. Nước ngoài thì chưa rõ. Tiếng rao Hà Nội, đến lượt mình, dẫu không trang nhã như thú chơi người Hà Nội hay ít ra, như cốm như phở như 36 phố phường để đêm mơ dáng kiều thơm, cũng đã tiết lộ một Hà Nội riêng như bao giá trị của những Hà Nội riêng khác.
Đôi khi, bên cạnh những nét sơn ngả bóng trên tranh phố Phái, bên những trang thơ tuyệt tác hay sự mênh mông âm thanh về Hà Nội, tôi muốn ghi lại một tiếng rao, thành thực và thuần khiết đến mức, như xúc cảm của tâm linh.
Rao... im lặng và thời gian
...Nguyễn Thị Hồng Giang