Câu chuyện AFF Suzuki Cup 2008: Lạ lùng thiên đường

08/12/2008 13:37 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Được mệnh danh là thiên đường du lịch của Thái Lan, nhưng với các phóng viên VN đang tác nghiệp tại Phuket trong những ngày vừa qua, thật khó có thể dùng từ “thiên đường” để nói về thành phố chủ nhà bảng B AFF Suzuki Cup 2008.

Thông thường, trong mỗi lần làm việc tại nước ngoài thì 2 vấn đề luôn được các phóng viên quan tâm nhất là phương tiện di chuyển và internet, nhưng ở Phuket thì điều này chẳng khác gì ác mộng.

Do khác biệt ngôn ngữ, đặc biệt là cách phát âm tiếng Anh, nên làm sao để nói được chính xác địa điểm mà mình muốn tới với các bác tài taxi người Thái không hề là điều đơn giản. Chẳng hạn, tất cả các chữ R đều được người Thái phát âm thành chữ L, nên nếu không biết cách phát âm như người Thái thì sẽ không ai hiểu được bạn muốn đi đâu.

Để phòng tránh nguy cơ này, chúng tôi luôn thủ sẵn trong mình tâm danh thiếp của khách sạn mà mình đang ở, trong đó có đầy đủ tên khách sạn bằng tiếng Thái và tiếng Anh, ngoài ra còn có cả sơ đồ chỉ dẫn chi tiết đường tới khách sạn, vậy mà cuối cùng chúng tôi cũng vẫn không về được đúng nơi mình cần.
 
Phuket với những chiếc xe tuk-tuk đặc trưng

Sau trận Thái Lan – Việt Nam, chúng tôi đã chờ rất lâu bên ngoài sân Surakul mà không bắt được chiếc taxi nào, vì các bác tài đều từ chối với một lý do đơn giản là “Không biết đường”, dù rằng khách sạn chúng tôi ở ngay trung tâm thành phố. Mãi rồi cũng có một bác tài nhận lời, nhưng bi kịch là ông này lại không biết đường về khách sạn và sau khoảng gần 10 lần dừng lại giữa đường để hỏi cộng với sự trợ giúp của chúng tôi, bác tài này mới có thể đưa xe taxi về tới đích sau quãng đường chỉ khoảng 5km.

Bên cạnh đó, tại Phuket có nhiều tuk-tuk, loại xe này chạy đầy đường phố Phuket nhưng cũng không dễ gọi và giá cả thì vô chừng, tuỳ thuộc vào khả năng mặc cả của khách.

Kể cả những chiếc taxi dù, kiểu thấy khách thì tranh thủ làm cuốc kiếm thêm, cũng sẵn sàng chém đẹp cánh phóng viên VN. Một chặng đường chưa tới 2km nhưng các bác tài nghiệp dư sẵn sàng hét giá 200 baht (khoảng 100.000đ) cho 4 người, và sau khi thoả thuận thì bác tài đồng ý nổ máy lên đường với giá chỉ 60 baht.

Cũng có một số phóng viên khác không muốn lệ thuộc vào taxi hay tuk-tuk thì chọn giải pháp thuê xe máy để tự đi. Giá cả của loại hình dịch vụ này tương đối mềm, chỉ vào khoảng 150 baht/ngày (tương đương 75.000đ), nhưng không phải ai cũng có can đảm sử dụng, bởi hệ thống đường bộ bên Thái Lan ngược hẳn với Việt Nam nên nếu không quen thì rất khó lái xe.

Chuyện di chuyển đã mệt mỏi như vậy, nhưng vấn đề sử dụng Internet cũng nhức đầu chẳng kém. Hầu hết các khách sạn tại Phuket, kể cả loại 1 sao, 2 sao cũng đều có sẵn wifi, nhưng giá cả rất đắt đỏ và không hoạt động 24/24h.

Chẳng hạn khách sạn Royal Phuket City nơi ĐTVN đóng quân có cước phí wifi là 100 baht/giờ (khoảng 50.000đ), còn các khách sạn cấp thấp hơn thì giá thấp hơn nhưng cũng khó có thể nói là rẻ, và tình trạng hoạt động của mạng thì lại khá chập chờn, kiểu bà chủ thích thì bật, không thích thì có trả thêm tiền cũng kệ.

Giải pháp cuối cùng là chạy ra hàng Internet, nhưng chỉ có quán Internet lớn mới hoạt động khuya, còn các cửa hàng nhỏ hơn chỉ mở cửa tới 10 giờ tối. Thế nhưng, do phần lớn hàng Internet ở Phuket đều chỉ để phục vụ các tín đồ của game online, nên máy tính tại đây hầu như không có chương trình Microsoft Word và ngay cả chương trình Yahoo Messenger cũng không có nốt.

Đó còn chưa kể tới việc nếu buộc phải gõ bài hoặc xử lý ảnh tại cửa hàng Internet thì bạn sẽ phải đối mặt với tiếng la hét ầm ỹ của các game thủ và chống chọi với cái lạnh của máy điều hoà công suất lớn được bật ở nấc thấp nhất.

Có thể nói, trong các kỳ giải thể thao khu vực đã diễn ra từ trước tới nay, có lẽ đợt tác nghiệp tại Phuket lần này là gây ra nhiều khó khăn nhất cho các phóng viên VN, nhưng tất cả đều phải nỗ lực khắc phục để có thể hoàn thành trách nhiệm đã được giao phó trước lúc lên đường.

BTC bảng B AFF Suzuki Cup 2008 rất chu đáo khi phục vụ đầy đủ bữa ăn và đồ uống cho các phóng viên làm nhiệm vụ tại giải. Phòng ăn dành cho các phóng viên được bố trí ngay trong sân và rất rộng rãi, có thể phục vụ hàng trăm người cùng một lúc. Tuy nhiên, đây không phải là điều mới mẻ với các phóng viên Thái Lan, bởi hễ cứ có giải đấu quốc tế ở Thái Lan là họ lại được phục vụ tận tình như vậy, và chúng tôi cũng từng có dịp kiểm chứng điều này khi tới Thái Lan đưa tin về King’s Cup vào năm 2006.

Hoàng Anh (từ Thái Lan)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm