Khi Hiddink là vua Midas

21/06/2008 21:40 GMT+7 | EURO 2008

(TT&VH Online) - Trong thần thoại Hy Lạp, Midas là một vị vua có đôi tay kỳ diệu có thể biến tất cả những thứ ông chạm vào trở thành vàng. 6 năm trước, Hiddink từng khiến những cầu thủ ít tên tuổi của Hàn Quốc được cả thế giới biết đến. Và bây giờ, sau khi thay đổi lịch sử bóng đá Nga, ông tiếp tục mang đôi bàn tay của vua Midas

Tiền lệ Hàn Quốc 2002

World Cup 2002 là giải đấu lịch sử đối với bóng đá Hàn Quốc và chắc chắn họ sẽ khó có thể lặp lại thành công tương tự. Và cùng với vị trí thứ tư thế giới, nhiều cầu thủ xứ nhân sâm cũng vì thế mà mở rộng cánh cửa sang châu Âu.

Đáng chú ý nhất, và cũng thành công nhất trong lứa cầu thủ ấy chính là Park Ji-sung, người đã chuyển từ Kyoto Purple Sanga sang PSV Eindhoven (2003) và sau đó là M.U (2005). Tại Hà Lan, anh đã giành cú đúp VĐQG và Cúp QG 2004-05. Ở Anh, Park giành 2 chức VĐ Premier League liên tiếp và vừa tháng trước thôi, anh trở thành cầu thủ châu Á đầu tiên giành chức vô địch Champions League. Cũng nhờ có World Cup 2002, sự nghiệp của Lee Young-Pyo mới thoát khỏi "cái ao làng" J-League để cập bến PSV và Tottenham và chiếm vị trí chính thức tại đây. Trong lứa cầu thủ này, còn có Song Chong-gug chơi 3 mùa khá thành công cho Feyenoord (2002-2005) trước khi hồi hương khoác áo Suwon. Cầu thủ duy nhất chơi hay ở World Cup 2002 nhưng lại bị bật bãi từ châu Âu về là Ahn Jung-hwan. Tuy nhiên, đó là một quyết định gàn dở của chủ tịch Perugia Luciano Gaucci, người nổi tiếng với tuyên bố: "Tôi không thừa tiền để trả lương cho một cầu thủ đã loại ĐT Italia khỏi VCK World Cup 2002".

Đặc điểm chung của những cầu thủ trên: họ đều là học trò của Guus Hiddink. Chỉ trong vòng 2 năm dẫn dắt ĐT Hàn Quốc, vị HLV người Hà Lan này đã đặc biệt thành công trong việc khơi dậy tính chiến đấu cũng như nâng tầm của những cầu thủ vốn trước đây chỉ được trui rèn trong những môi trường có tính cạnh tranh và chuyên nghiệp thua xa những giải đấu hàng đầu châu Âu. Chính vì thế mà những cầu thủ này đã thích ứng khá nhanh với môi trường khắc nghiệt ở các giải đấu hàng đầu châu Âu.

Bây giờ là Nga 2008

ĐT Nga đến EURO lần này với một đội hình gồm 22/23 cầu thủ đang chơi ở trong nước, còn người duy nhất đang thi đấu ở nước ngoài thì lại khoác áo một CLB hạng nhì của Đức (Saenko của Nuremberg). Rõ ràng, giống như Hàn Quốc năm 2002, hầu hết cầu thủ Nga ít được biết đến, ít được cọ xát trong những môi trường bóng đá đỉnh cao. Với cái xuất phát điểm như thế, cùng với một loạt khó khăn về lực lượng (Pogrebnyak chấn thương, Arshavin bị treo giò), ít ai nghĩ rằng họ có thể làm nên lịch sử khi lần đầu tiên lọt vào tứ kết.
 
Người Nga đang chờ đợi những phép màu của Hiddink

Có chứng kiến ĐT Nga thi đấu thời gian vừa qua, mới thấy họ đã tiến bộ theo từng trận. Ở trận mở màn, hàng thủ là nơi yếu nhất với một sự chậm chạp đến ngờ nghệch và các hậu vệ trở thành những chú hề trước hàng công TBN. Trong trận thứ hai, hàng phòng ngự Nga đã chơi tốt hơn hẳn khi Kolodin chơi ăn ý với Ignashevich, nhưng hàng công thì quá kém cỏi khi bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Đến trận cuối cùng, trong khi hàng phòng ngự đã chế ngự được sự nguy hiểm của bộ đôi Ibra-Larsson thì các tiền vệ và tiền đạo đã tạo ra được một thế trận áp đảo đầy chủ động.

Trong những ngày qua, đã rộ lên tin đồn rằng một số CLB ở Premier League đang tập trung sự chú ý vào các cầu thủ Nga. "Hot" nhất vẫn là nhạc trưởng Arshavin, dù anh mới chơi đúng 1 trận ở giải lần này. Ngay từ trước giải, Newcastle đã tỏ ra sốt sắng nhất trong việc tiếp xúc với cầu thủ 26 tuổi này, song sắp tới, họ sẽ gặp phải một đối thủ cạnh tranh lớn: Arsenal. Đội bóng thành London vừa tuyên bố sẽ chi 10 triệu bảng (12,5 triệu euro) để đưa Arshavin về sân Emirates bởi rất có thể trong mùa hè này, họ sẽ mất Adebayor vào tay Barcelona hoặc Milan. Pavlyuchenko cũng là một cái tên đáng chú ý trên thị trường chuyển nhượng mùa hè này. Các CLB xứ sương mù như Everton, Middlesbrough hay Celtic rất quan tâm tới tiền đạo này kể từ khi anh lập cú đúp đánh bại ĐT Anh năm ngoái. Thậm chí, có tin đồn Real Madrid và Barcelona cũng rất để ý đến Pavlyuchenko.

Có thể hiểu vì sao những đội bóng Anh đang hướng mục tiêu sang các cầu thủ Nga. Dưới sự dẫn dắt của Guus Hiddink, các cầu thủ Nga đã thể hiện khá nhuần nhuyễn lối chơi nhanh, ít chạm và chính vì thế họ sẽ dễ dàng thích nghi hơn với lối đá ở Premier League. Đặc biệt trong lối chơi này, những cầu thủ chạy cánh có vai trò rất quan trọng. Đó là lý do vì sao Arshavin lại được săn đón nhiều như vậy. Nhưng trong danh sách ĐT Nga hiện tại, còn không ít cầu thủ chơi cánh rất hay, đặc biệt là hậu vệ trái Zhirkov, người luôn khiến cánh phải của Hy Lạp và Thụy Điển phải vất vả trong 2 trận đấu vừa qua với những pha bám biên và tạt bóng nguy hiểm.

Có thể các cầu thủ Nga bây giờ sẽ ra nước ngoài không phải vì tiền (bằng chứng là Arshavin đang hưởng mức lương rất cao: 100.000 USD/tuần), nhưng việc cọ xát ở một nền bóng đá mạnh hơn chắc chắn sẽ nâng tầm của bóng đá xứ bạch dương lên một bậc. Và nếu họ được ra nước ngoài thì công lớn dĩ nhiên thuộc về "Vua Midas" Hiddink.
 
Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm