Tìm thấy dấu vết về thành phố vàng El Dorado

11/01/2010 10:04 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Những tưởng El Dorado, thành phố cổ đại chứa hàng núi vàng, chỉ là truyền thuyết. Song mới đây các nhà khoa học đã công bố bằng chứng về sự tồn tại của nó. Điều quan trọng khi tìm thấy El Dorado không nằm ở vấn đề vàng bạc, mà từ các giá trị lịch sử, khảo cổ vô giá mà nó mang lại.

Phát hiện kinh ngạc


 Phế tích được nhóm nghiên cứu
 tìm thấy tại lòng chảo Amazon.

Kể từ thời người Tây Ban Nha đi xâm chiếm thuộc địa, truyền thuyết về một thành phố cổ xưa, một nền văn minh bị thất lạc, nằm sâu trong rừng Amazon, đã làm say mê hàng ngàn nhà thám hiểm. Không ít người trong số họ phải bỏ mạng trong khi đi tìm kiếm. Một số gọi giấc mơ của họ là El Dorado. Số khác, trong đó đang chú ý nhất là đại tá Percy Fawcett người Anh (nguyên mẫu của nhân vật Indiana Jones trong phim ảnh) đã gọi đó là Thành phố Z. Từ xưa tới nay, chưa có ai trở ra khỏi Amazon với bằng chứng xác thực về sự tồn tại của một thành phố như vậy.


Tuy nhiên giờ đây 3 nhà khoa học đã tiến gần tới việc chứng minh sự tồn tại của El Dorado. Tạp chí Antiquity vừa đăng bài viết của họ về việc phát hiện hơn 200 vết tích lớn của El Dorado tại khu vực lòng chảo Amazon, gần biên giới Brazil và Bolivia.

Từ trên cao, trông các vết tích này như những đường kẻ địa lý được khắc vào mặt đất. Nhưng các nhà khoa học nói rằng những đường nét này là phần còn lại của các con đường, cây cầu, hào sâu, các đại lộ và quảng trường từng là nền tảng của một thành phố văn minh nằm trên một khu vực dài hơn 200km. Thành phố này có thể đã là nơi sinh sống của một cộng đồng dân cư khoảng 60.000 người và những tàn tích mới được phát hiện có niên đại từ năm 200 - 1283 sau Công nguyên.

Đó là một phát hiện đáng kinh ngạc do lâu nay không ít người vẫn nghi ngờ sự tồn tại của El Dorado. David Grann, tác giả cuốn The Lost City of Z, khẳng định tầm quan trọng của phát hiện mới. “Nó đã phá vỡ những ý niệm vẫn thịnh hành lâu nay về hình ảnh của Amazone trước khi Christopher Columbus đặt chân tới đây” - ông nói - “Trong hàng thế kỷ, các nhà khoa học đã đặt giả thuyết rằng cánh rừng là một cái bẫy tử thần, một dạng “thiên đường giả”, nơi chỉ tồn tại các bộ tộc nhỏ, nguyên thủy và sống du cư. Song những phát hiện mới cho thấy Amazon thực tế là cái nôi của một nền văn minh lớn, đã là tiền đề cho văn minh Inca và người ta đã xây dựng được một xã hội phức tạp phi thường, tạo nên những công trình vĩ đại”.

Giấc mơ El Dorado

Giấc mơ tìm thấy một nền văn minh bị thất lạc ở Nam Mỹ đã tồn tại dai dẳng trong nhiều thế kỷ. John Hemming, cựu Giám đốc Hội Địa chất Hoàng gia Anh, viết trong cuốn sách “The Search For El Dorado” rằng chính những người thực dân đã tung tin đồn về El Dorado, rằng đây là một thành phố chứa đầy vàng bạc.

Năm 1540, Gonzalo Pizarro, vị thống lĩnh khu vực Quito ở Bắc Ecuador ngày nay, đã tập hợp hơn 340 binh lính và 4.000 thổ dân đi tìm El Dorado. Tuy nhiên Gonzalo phải bỏ cuộc sau khi nhiều người trong đoàn chết vì đói, bệnh tật và bị thổ dân trong rừng Amazon tấn công. Thời gian sau, các nhà thám hiểm Philipp von Hutten và Gonzalo Jiménez de Quesada cũng đã thử tìm El Dorado nhưng không thành. Mặc dù vậy, ý tưởng về sự tồn tại của một thành phố vàng nằm sâu trong rừng Amazon, chưa từng mờ nhạt trong tâm trí của người phương Tây và chưa bao giờ phai nhạt.


El Dorado được coi là thành phố ngập trong vàng.
Grann viết rằng vào năm 1753, một người lính đánh thuê Bồ Đào Nha đã chui ra khỏi rừng Amazon và mô tả rằng sau một hành trình kéo dài, được thúc đẩy bởi giấc mơ tìm thấy vàng, anh này đã đi lạc vào một thành phố cổ nằm trên đỉnh một ngọn núi. Khi vào đây, anh này phát hiện “nhiều cây cầu đá, một bức tượng, các con đường rộng lớn và một ngôi đền với những chữ viết tượng hình”. Người lính phỏng đoán thành phố cổ có thể đã từng có rất đông dân trước khi tất cả mọi người biến mất một cách bí ẩn.

Một thời gian ngắn trước khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, nhà thám hiểm Fawcett đã tới Nam Mỹ để thực hiện nhiệm vụ của Hội Địa chất Hoàng gia Anh. Ông đã đọc được báo cáo của người lính đánh thuê nọ. Nhưng trong khi ông đang chuẩn bị tiến vào “Thành phố Z” thì chiến tranh nổ ra khiến mọi việc gián đoạn. Chiến tranh kết thúc vào năm 1918, Fawcett lại tìm vốn để trở lại Nam Mỹ với hy vọng tới được “Thành phố Z”. Tuy nhiên ý tưởng của ông đã bị đánh giá là lập dị.

Không nhụt chí, năm 1920, Fawcett dẫn đầu một đoàn người tới Nam Mỹ. Song chuyến đi tìm “Thành phố Z” thất bại và ông phải bắn chết con ngựa đã bị què của mình trong rừng Amazon. Năm 1925, Fawcett lại trở lại Nam Mỹ. Ông viết thư cho vợ: “Em không phải lo về bất kỳ thất bại nào cả”. Nhưng đó đã là những dòng chữ cuối cùng của Fawcett. Năm 1927 ông mất tích. Hai đoàn tìm kiếm đã cố gắng lần theo dấu vết của Fawcett nhưng vô vọng.

Tài sản vô giá

Phát hiện mới được công bố của nhóm các nhà khoa học đã đánh dấu một mốc lớn trong nỗ lực nghiên cứu bền bỉ kéo dài suốt 8 năm qua. Mọi việc bắt đầu vào năm 2002, khi sử gia Martti Parssinen của Phần Lan hay tin đồng nghiệp là nhà khảo cổ Alceu Ranzi đã phát hiện dấu vết của các công trình cổ khi bay ngang qua Amazone. Ranzi đã mời Parssinen hợp tác nghiên cứu di tích kể trên sau khi bị các đồng nghiệp Mỹ từ chối. Hai ông đã bay trở lại khu vực được Ranzi phát hiện. “Khi tôi thấy những hình ảnh dưới đất, một cảm giác kỳ lạ xuất hiện” - Parssine kể lại- “Chúng tôi nhận thấy rằng phát hiện này có thể thay đổi lịch sử”.

Một năm sau thời điểm trên, các nhà khoa học viết báo cáo và chờ thêm 3 năm để được phép tiến hành khai quật di tích.

Theo các nhà nghiên cứu như Grann, phát hiện mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. “Các tác giả của công trình nghiên cứu mới nhất ước tính rằng giới khoa học mới chỉ tìm thấy trên 10% những gì từng thuộc về El Dorado. Sẽ phải mất hàng thập kỷ để giới khoa học khám phá ra quy mô của di tích này cũng như các nền văn minh Amazon cổ đại” - ông tuyên bố.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm