31/12/2022 08:00 GMT+7 | Văn hoá
Đã thành thông lệ, trên số báo cuối cùng của năm 2022, báo Thể thao và Văn hóa/TTXVN điểm lại 10 sự kiện văn hóa nổi bật trong nước diễn ra trong năm.
1. Xây dựng các hệ giá trị cốt lõi của Việt Nam
Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và phát biểu định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, hội thảo Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới đã được tổ chức vào ngày 29/11 nhằm xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các hệ giá trị này trong thực tiễn.
Cùng với Hội thảo văn hóa 2022 với chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa được tổ chức vào ngày 17/12, năm 2022 đã ghi dấu những đề xuất,quyết sách quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
2. Các di sản của Việt Nam tiếp tục được UNESCO ghi danh
Ngày 29/11, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Trước đó, ngày 26/11, Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) cũng được ghi danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tới nay, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể và 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh.
3. Quốc hội Thông qua Luật Điện ảnh năm 2022
Ngày 15/6/2022, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh năm 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
Thay thế cho Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009, Luật Điện ảnh năm 2022 được ban hành đã khắc phục được các hạn chế về thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, khắc phục bất cập về một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật, như: Công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim...; đặc biệt là vấn đề phát hành, phổ biến phim trên không gian mạng.
Theo đó, chủ thể trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; Trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ VH,TT&DL hoặc Cơ quan được Bộ ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định tại luật này.
4. Tổ chức thành công LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VI
Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI do Bộ VH,TT&DL phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức diễn ra từ ngày 8 - 12/11/2022 tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 800 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế, 123 bộ phim của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.Qua đó trở thành sự kiện điện ảnh quy mô lớn trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam và thế giới đã và đang hồi phục sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Liên hoan ghi dấu ấn của đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh với phim Hoa nhài (Bằng khen của UBND TP Hà Nội), của Nguyễn Phạm Thành Đạt với Khu rừng của Páo (giải Phim ngắn xuất sắc)... Đồng thời Liên hoan đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
5. "Tro tàn rực rỡ" cùng một số phim độc lập: Điểm sáng của điện ảnh Việt Nam
Phim độc lập Tro tàn rực rỡ (đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên, chuyển thể từ 2 truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về của Nguyễn Ngọc Tư)đã đoạt giải cao nhất Montgolfière d'Or (Khinh khí cầu vàng) của LHP Ba châu lục (Festival des 3 Continents) 2022 tại Nantes, Pháp. Tính cuối tháng 12/2022, doanh thu của phim chỉ gần 4 tỷ đồng, nhưng vẫn là một dấu mốc của dòng phim độc lập, vốn gặp nhiều khó khăn khi ra rạp thương mại.
Trong bối cảnh khá ảm đạm của phim Việt trong năm2022, các phim độc lập Việt Nam đã gây ấn tượng tốt trong nước và quốc tế. Đơn cử có Đêm tối rực rỡ (đạo diễn: Aaron Toronto) lọt vào vòng loại tranh giải ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Quả cầu Vàng 2023.
Trước đó, phim thắng 5 giải Cánh diều vàng 2022, trong đó có giải Phim truyện điện ảnh xuất sắc. Phim cũng đoạt giải Best story (Câu chuyện xuất sắc) và Best performance: female (Nữ diễn viên xuất sắc) tại Santa Fe - Liên hoan phim độc lập ở Mỹ. Với doanh thu gần 22 tỷ đồng, đây là phim độc lập có doanh thu cao thứ 2 của Việt Nam từ trước đến nay, sau phim Ròm.
Trailer "Tro tàn rực rỡ":
Đáng chú ý nữa là phim tài liệu độc lập Những đứa trẻ trong sương (Children of The Mist, 92 phút) của Hà Lệ Diễm lọt vào Top 15 danh sách đề cử rút gọn của giải Oscar 2023 ở hạng mục Phim tài liệu dài.
Đây là phim tài liệu nói riêng và phim Việt nói chung có bước tiến xa tại giải thưởng lớn này.Trước khi đến Oscar, Những đứa trẻ trong sương đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế như Đạo diễn xuất sắc tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam, Phim tài liệu Đông Nam Á xuất sắc tại LHP Balimakarya, Giải thưởng lớn (Grand Prix) tại LHP Giáo dục của Pháp…
6. Bùng nổ các cuộc thi sắc đẹp
Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn không giới hạn số lượng cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm; đồng thời "trao quyền" cấp phép cuộc thi tới các tỉnh, thành phố đã "mở đường" cho các cuộc thi nhan sắc "nở rộ".
Sớm nhất trong số này là cuộc thi Hoa hậu Sinh thái Việt Nam (vào tháng 1/2022), còn cuộc thi sắc đẹp khép lại năm 2022 là Hoa hậu Việt Nam với đêm Chung kết diễn vào ngày 23/12. Ngoài ra, nhiều sân chơi cho các thiếu nữ tuổi teen hay các Nam vương cũng được tổ chức, và một số thí sinh được lựa chọn từ các cuộc thi này cũng giành vị trí cao khi đi thi quốc tế.
Tuy nhiên, một năm "bùng nổ" thi sắc đẹp ở Việt Nam (theo một con số thống kê là 25 cuộc) cũng dẫn tới những lo ngại về chất lượng cũng như tình trạng "bội thực" các danh hiệu sắc đẹp.
7. Các cổ vật Việt hồi hương
Sau khi ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của nhà Nguyễn đúc năm 1823 (vốn đã lưu lạc tại Pháp từ lâu) được Hãng đấu giá Millon (Pháp) dự kiến đưa lên sàn đấu giá vào tháng 10, phía Việt Nam đã nỗ lực tổ chức đàm phán và thành công trong việc đưa bảo vật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này trở về Việt Nam. Một thời gian ngắn sau đó, một bức tranh do vua Hàm Nghi vẽ trong thời gian bị lưu đày cũng được hậu duệ của vị vua này hiến tặng cho Việt Nam.
Ngoài ý nghĩa về mặt văn hóa - lịch sử, việc các cổ vật Việt Nam hồi hương cũng gợi mở về những cơ chế, chính sách cần có trong Luật Di sản Văn hóa sửa đổi tới đây để thu hút các nguồn lực trong lĩnh vực này.
8. Làn sóng phát triển phố đi bộ tại đô thị
Trong năm 2022, liên tiếp 3 không gian dành cho phố đi bộ được thiết lập tại Hà Nội, bao gồm phố đi bộ tại Thành cổ Sơn Tây (dịp 30/4), phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (23/12) và phố đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông (30/12). Tương tự, tại TP.HCM cũng khai trương phố đi bộ ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền từ 21/12.
Từ những phố đi bộ đầu tiên cách đây vài năm, việc những phố đi bộ liên tục phát triển đã cho thấy nhu cầu thư giãn ngày càng lớn của cộng đồng, cũng như nhu cầu tạo ra những điểm đến đặc thù của các đô thị. Tuy nhiên, làn sóng này cũng đặt ra những vấn đề về cách tổ chức và tạo bản sắc riêng, để các không gian này hoạt động hiệu quả.
9. Các hoạt động tôn vinh danh nhân Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu. Hưởng ứng Nghị quyết của UNESCO về việc cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm sinh, 200 năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương và 200 năm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, các hoạt động tôn vinh, tưởng nhớ hai danh nhân đã được tổ chức trang trọng, giàu ý nghĩa tại Nghệ An, Bến Tre. Các hoạt động này đã khơi dậy và làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cốt cách con người và văn hóa Việt Nam đến với đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.
10. Các sự kiện nghệ thuật quốc tế "hậu Covid-19".
Trong năm 2022, bên cạnh LHP Quốc tế Hà Nội, nhiều liên hoan nghệ thuật quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Đó là Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ V (4 đoàn nghệ thuật quốc tế tham dự), Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 (5 đoàn quốc tế tham dự), Liên hoan Âm nhạc ASEAN 2022 (4 đoàn quốc tế tham dự), Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP.HCM mùa 2 - HOZO 2022 (quy tụ hơn 250 nghệ sĩ quốc tế)…
Các sự kiện này đều có chất lượng nghệ thuật được đánh giá tích cực, thu hút một lượng lớn khán giả và góp phần làm sôi động đời sống văn hóa sau đại dịch.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất