10 năm thực hiện chỉ thị 42 của Ban Bí thư về xuất bản: Càng liên kết càng đi xuống

05/08/2016 20:56 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovahoa.vn) - Sáng 5/8 tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 42 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”. Đồng chí Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị đã nhận được nhiều tham luận của các đại biểu đang hoạt động trong ngành xuất bản, gồm ba lĩnh vực: in, xuất bản và phát hành sách.

Những tham luận này đã điểm ra những điều thực hiện được và còn tồn đọng trong 10 năm thực hiện chỉ thị 42.

90% sai phạm là sách “kế hoạch B”

Chẳng hạn như trung tướng Lê Văn Đệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị (Bộ Công an), cơ quan chủ quản của NXB Công an Nhân dân, chỉ rõ: “Khi chỉ thị 42 cho phép các NXB được xuất bản sách liên kết, chúng ta hiểu rằng các NXB làm chủ, nhưng thực tế cho thấy các đơn vị liên kết với các NXB lại trở thành chủ. Nếu NXB này không đáp ứng được đòi hỏi của bên liên kết thì họ mang đi NXB khác. Với kinh nghiệm hàng chục năm từng làm Giám đốc NXB Công an Nhân dân trước khi nhận nhiệm vụ mới, tôi thấy các NXB càng in nhiều sách liên kết thì ngày càng đi xuống”.


Sáng 5/8 tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị 42 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”

Sách liên kết giữa các NXB với các đơn vị làm sách bên ngoài hệ thống Nhà nước thường được giới làm sách gọi là sách “kế hoạch B”, khác với sách do NXB chủ động thực hiện là sách “kế hoạch A”.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, cho biết thêm: “Hiện có 70% sách liên kết được xuất bản trong những năm gần đây. Các đơn vị liên kết thường đòi hỏi quá nhiều với các NXB, ví dụ bản thảo cuốn Gạc ma không được các NXB cấp phép gây ồn ào thời gian qua. NXB Trẻ cũng nhận được bản thảo này nhưng không cấp phép, lý do là bản thảo quá yếu so với yêu cầu của một cuốn sách chứ không vì bất cứ lý do gì khác. Sở dĩ đối tác liên kết trở thành “ông chủ’ của các NXB vì các NXB quá yếu, không tự chủ được sách kế hoạch A cho chính mình”.

Giải thể những NXB kém hiệu quả hay đã chết lâm sàng

NXB Trẻ là đơn vị luôn chủ động sách kế hoạch A với hơn 90% sách do chính đơn vị này tự sản xuất. Tuy nhiên, lợi nhuận mỗi năm chỉ khoảng 10 tỷ đồng của NXB Trẻ cho thấy, xuất bản không chỉ là ngành kinh doanh đơn thuần vì lợi nhuận mà còn dành nhiều thời gian cho sách có tư tưởng và phục vụ phát triển văn hóa.

Thế nhưng, lợi nhuận của các NXB lại không được bổ sung vào nguồn vốn, mà phải nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp. Ông Nguyễn Minh Nhựt, cho rằng: “Đây là điều quá bất công với các NXB, khi mà vừa phải làm nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, văn hóa, đồng thời lại phải tự chủ trong kinh doanh nhưng lợi nhuận ít ỏi có được lại phải đem nộp”.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, nhấn mạnh: “Hiện nay với 4 bản sách/người/năm là quá thấp để phục vụ nhu cầu đọc và phát triển dân trí. Nạn in lậu chưa ngăn chặn được triệt để trở thành vấn nạn.

Những NXB sống nhờ sách liên kết là quá yếu, liên kết như thế khác nào bán giấy phép xuất bản. 90% sai phạm là từ sách liên kết mà ra. Đề nghị Bộ TT&TT, Hội Xuất bản soạn thảo trình Ban Bí thư nhằm tiến tới giải thể những NXB kém hiệu quả hay đã chết lâm sàng.

Tôi sẽ đề nghị xem xét lại mô hình của các NXB, vì như NXB Trẻ là doanh nghiệp còn NXB Kim Đồng là đơn vị sự nghiệp, để thống nhất mô hình xuất bản. Không thể xem các NXB là đơn vị kinh tế đơn thuần, do vậy cần điều chỉnh chính sách thuế cho phù hợp hơn vào thời gian tới”.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm