01h30 ngày 12/7, Hà Lan - Tây Ban Nha: Giấc mơ cả đời người

11/07/2010 10:45 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Với một đội là 32 năm. Còn với đội kia thậm chí là cả đời người. Để được có mặt ở Soccer City đêm nay, cả Hà Lan và Tây Ban Nha đều đã phải chờ đợi quá lâu, đã phải trải qua quá nhiều cay đắng, đã phải khổ sở quá nhiều với cuộc sống phập phù giữa hi vọng, thất vọng rồi lại hi vọng. Đã vào được đến đây thì ai cũng xứng đáng chiến thắng, và cũng chẳng ai cam lòng ra về trong cảnh trắng tay. Nhưng rất tiếc, lịch sử sẽ chỉ vinh danh một người.

Thay đổi và tìm được

Giữa đội tuyển Hà Lan và đội tuyển TBN có một điểm chung không lấy gì đáng tự hào: Họ là hai đội bóng xuất sắc nhất chưa bao giờ chiến thắng ở World Cup. Bóng đá Hà Lan từng có một thời gian dài thống trị thế giới và cũng đã hai lần tiến rất sát tới ngưỡng cửa Vinh quang (World Cup 1974 và 1978), nhưng như một trò đùa quái ác của Số phận, đội tuyển của họ luôn gục ngã theo những cách đau đớn và đáng tiếc nhất vào những thời điểm quyết định. TBN, tệ hơn, thậm chí còn chưa bao giờ được góp mặt ở một trận Chung kết World Cup, dù ở bất kỳ thời điểm nào, đội hình của họ cũng đầy rẫy ngôi sao. Vấn đề của cả hai là tinh thần. Hà Lan mong manh và dễ tổn thương (cái gì đẹp cũng thế!), trong khi TBN yếu đuối, bạc nhược và không có khả năng đương đầu với sức ép.


TBN chỉ còn cách vinh quang một trận đấu - Ảnh: Getty
Sau một thời gian dài vật vã trên ranh giới mong manh của hy vọng và thất vọng, người Hà Lan quyết định thay đổi. Lối chơi tấn công ào ạt - đẹp đẽ nhưng mong manh - bị xếp vào bảo tàng và được thay bằng thứ bóng đá của những toan tính đầy thực dụng xưa nay chưa từng xuất hiện ngay cả trong suy nghĩ của người Hà Lan. Thay cho tổng lực là catenaccio, thay cho chơi bóng và để đối phương chơi bóng là tử thủ và chặt chém, thay cho những nghệ sỹ tóc dài đầy vẻ lãng tử là những anh chàng công nhân đầu trọc chạy hùng hục suốt trận. Có thể khẳng định, Hà Lan 2010 chính là Hà Lan kém hấp dẫn nhất từ trước tới nay. CĐV thất vọng. Van Marwijk bị chỉ trích. Các huyền thoại lớn tiếng chê bai. Nhưng đổi lại, Hà Lan lần đầu tiên sau 32 năm có mặt trong trận Chung kết World Cup.


Sau một thời gian dài khổ sở với bài toán định hình bản sắc, TBN rốt cuộc cũng có được thứ mình cần: Một con đường. Dù cho điều gì có xảy ra thì Euro 2008 chắc chắn vẫn sẽ mãi mãi là một giải đấu lịch sử với người TBN, không chỉ đơn giản vì đó là giải đấu mà họ là những người chiến thắng. Có quá nhiều thứ đã thay đổi sau chiến thắng ở Vienna, trong đó thay đổi lớn nhất và quan trọng nhất chính là thay đổi về tinh thần. Người TBN đã bắt đầu có niềm tin, tin vào sức mạnh của bản thân, và tin vào sức mạnh của những người xung quanh. Áp lực không còn có thể khiến họ run rẩy. Thất bại không thể khiến họ dễ dàng sụp đổ. "Có chết, chúng tôi cũng phải chết với sự lựa chọn của chính mình", không phải thế hệ TBN nào cũng đủ dũng khí nói ra những điều như thế.

TBN không muốn thành Hà Lan

Không phải là Hà Lan 2010, chắc chắn rồi. Hà Lan mà chúng ta đang nói tới là Hà Lan của những năm 70 thế kỷ trước, Hà Lan của Cruyff, Neesken, Rensenbrink…: Hà Lan của những thất bại vĩ đại. Chưa có một người đủ tầm sánh ngang Johan Cruyff, nhưng với lứa cầu thủ được gọi là "Thế hệ Vàng" hiện tại, TBN cũng xứng đáng được xem là một trong những đội tuyển dự World Cup mạnh nhất mọi thời đại. Và cũng như Hà Lan khi xưa, thứ bóng đá mà Xavi và các đồng đội đang chơi ở một đẳng cấp hoàn toàn khác so với phần còn lại; dù đối phương có nghiên cứu kỹ đến thế nào thì việc khắc chế được họ cũng là một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Thế giới công nhận TBN hiện là đội bóng mạnh nhất. Nhưng tất cả những điều đó sẽ là vô nghĩa, nếu "La Roja" không thể đánh bại Hà Lan đêm nay.

Đó chắc chắn không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Hà Lan của Van Marwijk thực sự là một đội bóng khó lường, và có vẻ như đã hội tụ đầy đủ những yếu tố của một nhà vô địch: Một lối chơi chặt chẽ, sự tỏa sáng đúng lúc của các cá nhân, và quan trọng hơn nữa là sự ủng hộ của thần May mắn. Ở Soccer City, nơi các khán đài đều được sơn màu Da cam, không ai biết may mắn có tiếp tục đứng về phía người Hà Lan nữa hay không, nhưng chắc chắn là nếu TBN thể hiện được hết khả năng của họ, giữa hai đội vẫn tồn tại một độ vênh không nhỏ về trình độ. Khi ấy, sẽ không khó để đoán trước kịch bản của trận chung kết. Thắc mắc duy nhất là các matador sẽ tung nhát kiếm quyết định lên người con bò tót theo cách nào. Villa lại lên tiếng? Hay đây là thời khắc của Fernando Torres?

Dự đoán: 0-1

V.Cường

18 trận chung kết trong lịch sử

* World Cup 2006 (Đức): Italia - Pháp 1-1
Bàn thắng: Materazzi 19' - Zidane 7' (pen.)
Luân lưu: 5 - 3
Pirlo, Materazzi, De Rossi, Del Piero, Grosso - Wiltord, Abidal, Sagnol.

* World Cup 2002 (Nhật Bản-Hàn Quốc): Đức - Brazil 0-2
Bàn thắng: Ronaldo 67', 79'

* World Cup 1998 (Pháp): Brazil - Pháp 0-3
Bàn thắng: Zidane 27', 45+1', Petit 90+3'

* World Cup 1994 (Mỹ): Brazil - Italia 0-0
Luân lưu: 3 – 2 Romário, Branco, Dunga - Albertini, Evani.

* World Cup 1990 (Italia): Đức - Argentina 1-0
Bàn thắng: Brehme 85' (pen.)

* World Cup 1986 (Mexico): Argentina - Đức 3-2
Bàn thắng: Brown 23', Valdano 55', Burruchaga 83' - Rummenigge 74' và Voeller 80'

* World Cup 1982 (Tây Ban Nha): Italia - Đức 3-1
Bàn thắng: Rossi 57', Tardelli 69', Altobelli 81' - Breitner 83'

* World Cup 1978 (Argentina): Hà Lan - Argentina 1-3
Bàn thắng: Nanninga 82' - Kempes 37', 104' và Bertoni 115'

* World Cup 1974 (Đức): Hà Lan - Đức 1-2
Bàn thắng: Neeskens 2' (pen.)- Breitner 25' (pen.) và Mueller 43'

* World Cup 1970 (Mexico): Brazil - Italia 4-1
Bàn thắng: Pelé 18', Gérson 66', Jairzinho 71', Carlos Alberto 86' - Boninsegna 37'

* World Cup 1966 (Anh): Anh - Đức 4-2
Bàn thắng: Hurst 18', 101', 120' và Peters 78' - Haller 12', Weber 89'

* World Cup 1962 (Chile): Brazil - Tiệp Khắc 3-1
Bàn thắng: Amarildo 17', Zito 69' và Vavá 78' - Masopust 15'

* World Cup 1958 (Thụy Điển): Thụy Điển 2 – 5 Brazil
Bàn thắng: Liedholm 4' và Simonsson 80'- Vavá 9', 32'; Pelé 55', 90'; và Zagallo 68'

* World Cup 1954 (Thụy Sỹ): Hungary - Tây Đức 2-3
Bàn thắng: Puskás 6' và Czibor 8' - Morlock 10' và Rahn 18', 84'

* World Cup 1950 (Brazil): Uruguay - Brazil 2-1*
Bàn thắng: Schiaffino 66' - Ghiggia 79', Friaça 47'

* World Cup 1938 (Pháp): Hungary - Italia 2-4
Bàn thắng: Titkos 8', Sárosi 70' - Colaussi 6', 35', Piola 16', 82'

* World Cup 1934 (Italia): Italia - Tiệp Khắc 2-1
Bàn thắng: Orsi 81' và Schiavio 95' - Puc 76

* World Cup 1930 (Uruguay): Uruguay - Argentina 4-2
Bàn thắng: Dorado 12', Cea 57', Iriarte 68' và Castro 89' - Peucelle 20' và Stábile 37'

* World Cup 1950 không tổ chức trận chung kết mà là vòng chung kết với 4 đội đá vòng tròn tính điểm, song trận Uruguay - Brazil sau này mặc nhiên được coi như là trận chung kết vì nó quyết định chức vô địch.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm