Zippo: Biểu tượng & định mệnh

08/09/2014 08:51 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - “Nhiều chuyện có thể xảy ra“, trung sĩ Dennis E.Ulstad kể với phóng viên tờ báo địa phương ở Billings (Montana). Đó là một ngày cuối năm 1968, Ulstad sắp bị đưa qua Việt Nam lần thứ ba và biết chắc chắn nhiều chuyện có thể xảy ra ở chiến trường khốc liệt ấy. Trên chiếc bật lửa Zippo, Ulstad nhờ khắc hàng số 66-67-68 cho những năm hoạt động của mình. Như ngót 3 triệu lính Mỹ khác ở Đông Nam Á, Ulstad luôn mang chiếc bật lửa theo người để lấy hên.

Từ một thứ đồ chơi...

Chiếc bật lửa vuông vắn với các góc vê tròn nằm gọn trong lòng bàn tay, màu kim loại khá đẹp, và ngay cả trong khí hậu nóng ẩm cũng luôn hoạt động tốt. Hiếm khi mua được xăng đặc chủng cho bật lửa, song nhúng nó vào bình nhiên liệu của ô-tô hay xe tăng là xong.

Thế hệ cha của các lính Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam đã thích dùng Zippo từ hồi Thế chiến 2. Như một phóng viên chiến trường kể lại, chiếc Zippo từ nhà máy của George Grant Blaisdell ở Bradford (Pennsylvania) trong túi ngực đã cứu mạng một binh sĩ khi cản một viên đạn của đối phương! Có thể đó chỉ là huyền thoại, nhưng huyền thoại Zippo thuộc loại sống dai, vì lính ra trận thường bám vào một cái gì đó để làm bùa hộ mệnh, và Zippo luôn được mang trong túi ngực. Mỗi người khắc lên đó một ký hiệu riêng: tên tuổi, cấp bậc, gia huy, danh ngôn, hình vẽ…

Đôi khi ai đó đánh mất nó. Hoặc bị đánh cắp, hay vứt đi. Cửa hàng quân nhu nào cũng cung cấp ngay một cái mới với giá 1,80 USD, và vỉa hè Sài Gòn rất nhiều thợ khéo tay, sẵn sàng khắc lên đó mọi thứ như ý. Zippo là một thứ đồ chơi, ai cũng có, kể cả người không hút thuốc. Có lẽ từ những ngày làm hướng đạo sinh ở trung học.


Chiếc Zippo này của trung sĩ Robert A.Felde, lính trên tàu tuần thám Mỹ (PBR là Patrol Boat, River). Khi về nước, Felde bị bắt vì say rượu và bắn chết cảnh sát. Lúc ra tòa, Felde khai bị sang chấn tâm thần trong khi ở Việt Nam và bị tử hình trên ghế điện

... thành biểu tượng tàn bạo

Tuy nhiên Zippo trong rừng nhiệt đới không liên quan nhiều đến khía cạnh lãng mạn của khóa học hướng đạo sinh. Lần đầu tiên người ta nhắc nhiều đến Zippo ở Việt Nam là khi kênh CBS của Mỹ ngày 5/8/1966 đưa phóng sự của nhà báo Morley Safer. Safer theo chân một nhóm lính thủy đánh bộ đến một làng nhỏ trong chiến dịch Search And Destroy (Tìm và diệt) và chụp ảnh lính Mỹ dùng Zippo châm lửa lên các mái tranh. Lầu Năm Góc tìm mọi cách mà không ngăn nổi cuộc phát sóng đó, và một hôm Lyndon B.Johnson đã đích thân gọi điện cho Tổng biên tập CBS: “Frank, đây là tổng thống của ông, và hôm qua các phóng viên của ông đã đại tiện lên lá cờ Mỹ!”. Zippo hiện hình như một vũ khí giết người, lần đầu tiên từ Thế chiến 2 lính Mỹ không được truyền thông tung hô như người hùng, mà là kẻ hủy diệt, với Zippo trong tay! Trong tiếng lóng của lính Mỹ sau đó xuất hiện cụm từ “Zippo Mission (Sứ mệnh Zippo)” đồng nghĩa với sử dụng súng phun lửa hay đốt phá nói chung.

Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 đã cho dư luận Mỹ mở mắt về sự sa lầy của Mỹ khi đối đầu với kiểu đánh du kích. Trong năm bầu tổng thống, ti-vi liên tục đưa hình ảnh lính Mỹ chết trận, làng xóm bốc lửa, rừng cây trụi lá. Xã hội Mỹ đã có cái nhìn khác và điều đó cũng thể hiện trên Zippo của lính Mỹ: ngày càng nhiều khẩu hiệu phản chiến và những phát biểu bi quan.


Zippo của lính công binh Thomas Plummer mang hàng chữ: “Chúng tôi, những người bất chí, được chỉ huy bởi những kẻ bất tài, làm những việc vô nghĩa cho những kẻ vô ơn”

10 năm sau    

Cuộc đàm phán Paris đem lại chút yên bình giữa hai phe, người kế nhiệm Johnson là Nixon chỉ còn một lối thoát trong danh dự là rút quân. Tháng 1/1973 Hiệp định Paris rốt cuộc được ký, quy định Mỹ rút hết quân cho đến cuối tháng 3 (trừ một lượng cố vấn quân sự). Nhưng cuộc chiến còn lâu mới chấm dứt. Mãi hai năm sau, xe tăng của quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập và chuyến trực thăng cuối cùng đem theo những người Mỹ bại trận chạy về hướng biển.

10 năm sau, chủ đề chiến tranh được hâm nóng lại khi Reagan tìm cách biến cuộc tháo lui thành một chiến thắng tinh thần và cái chết của ngót 6 vạn quân Mỹ như hành động hy sinh cho sự nghiệp chống cộng. Ti-vi và hồi ký cựu binh phục hồi đề tài Việt Nam. Xã hội Mỹ nhận ra vô số cựu binh sa vào nghiện ngập hoặc mất trí vì không thoát nổi cơn ác mộng Việt Nam. Nỗ lực biến họ thành người hùng đã thất bại về khía cạnh nhân văn.

Và Zippo là nhân chứng trong mọi tiểu sử lính tráng. Ở Việt Nam, các quầy lưu niệm nắm bắt rất nhanh trào lưu mới và biến những chiếc bật lửa Mỹ cũ kỹ thành kỷ vật quý giá cho du khách. Đặc biệt từ Đà Nẵng trở xuống phía Nam xuất hiện một thị trường mua bán đồ quân dụng Mỹ để lại, từ quần áo, bi-đông, túi đựng mìn... cho đến Zippo. Hôm nay có thể mua Zippo “cũ” trên mạng. Và dễ hiểu là khoảng 95% những đồ đó là làm nhái, như nhà sưu tầm Thụy Sĩ Rolf Gerster đánh giá. Ông không quan tâm nhiều đến những chiếc Zippo sưu tầm được, mà bỏ công đi tìm chủ cũ của chúng và những câu chuyện liên quan.

Câu chuyện Ulstad

Một ngày đẹp trời, Gerster tìm thấy chiếc Zippo của lính thủy đánh bộ Dennis E.Ulstad trên eBay. Như thường lệ, Gerster kiểm tra xem có bị vớ phải hàng giả hay không. Người bán mời ông một tờ báo của Billings với bài phỏng vấn Ulstad, đồng thời Gerster cũng nhận ra là ông không thể nói chuyện với Ulsatd được nữa. Bùa hộ mệnh Zippo đã mất thiêng: chỉ 21 ngày sau khi qua Việt Nam lần thứ ba, Ulstad bỏ mạng trong một nhiệm vụ thám báo. Ở tuổi 21. Chiếc trực thăng mà Ulstad bám thang dây bên ngoài bị mất độ cao đột ngột khi bay trên một con sông ở An Hòa (Quảng Nam) khiến Ulstad bị chết đuối. Xác Ulstad được đưa về quê. Cùng chiếc Zippo trong túi ngực.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm