Xin xỏ nhầm chỗ

11/03/2012 12:34 GMT+7


(TT&VH) - 1. Tháng Hai rồi, nhưng vẫn là tháng hội hè đình đám theo truyền thống từ xưa nên chuyện hội hè vẫn um sùm. Tháng Giêng - xứ Đông, tháng Hai - xứ Đoài, tháng Ba - miền Duyên hải. Hội chùa miền Bắc là như thế.

2. Từ xưa, đến nơi cửa Phật thiêng liêng con người cầu mong được che chở vì thấy mình nhỏ bé giữa trần ai. Biết tìm ai dẫn đường nếu không là chốn cửa thiền?

Nhưng có một số người bây giờ hình như không thấy mình bé nhỏ nữa. Số ấy giờ đã có lòng tham dẫn đường và khả năng đi chùa. Vâng, đó là vì có  tiền dẫn đường. Đi đến cửa Phật mà như đi đến nơi buôn bán có thể vụ lợi được.

Thực ra đó là bi kịch của sự tham lam.

3. Chùa thờ Phật, đền miếu phủ thờ thánh.

Đến chùa thắp hương bái phật để cầu mong Phật độ. Kẻ ác đến bên bàn thờ Phật, ngộ ra thì quay đầu là bờ, còn ham muốn phía trước chỉ là vực thẳm. Sao bước chân vào chùa lại không hỏi để biết điều đó mà có ứng xử cho chuẩn mực?

Tích Phật cho biết bát vị Kim cương xưa là dân thảo khấu, được Phật giác ngộ quay đầu tu tỉnh trở về bên cửa Phật, tu thành chính quả. Đó là những tấm gương mà con người khi bước đến cửa chùa phải biết để điều chỉnh hành vi của mình.

Phật không cho ai gì ngoài lời giáo huấn, còn con người thì phải biết tự tu thân.

Xin tài xin lộc thì đến cửa đền miếu phủ. Hàng năm bà Chúa Kho không biết đã cấp vốn cho bao nhiêu người. Hàng ngàn các đền phủ khác khắp nước người ta kéo đén xin xỏ làm sao chỉ mình có nhiều tài nhiều lộc. Vàng mã, lễ lạt to đổ về các đền phủ hàng năm có dễ đến cả trăm tỉ đồng nhằm trấn an cái tâm đen nhẻm của bọn người có thói quen làm ăn bất chính được bao lâu? Những bọn tham quan ô lại nhận hối lộ tưởng rằng đó là lộc thần thánh ban cho sau khi đi xin cửa thánh hay họ tự dối mình để che giấu sự bất lương. Chắc điều này họ tự biết. Nếu thần thánh mà có thật thì họ đã bị "vật chết tươi" từ lâu rồi.

Hại thay, những người này lên chùa cũng xin xỏ như điên. Họ không phân biệt đâu là Phật, đâu là của thánh, cửa thần. Cái sự lẫn lộn đó làm họ rối trí vì lòng họ đâu có thành, tâm họ đâu có sáng nên sự nhầm lẫn kéo dài, lên chùa không thấy cầu, mà chỉ biết xin!

4. Hôm mới rồi lên chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử bắt gặp một đàn ông tuổi cỡ trung niên, đầu hói mắt to, sau khi sụt sùi khấn vái ông ta cầm tờ 500 ngàn trên đĩa lễ ra chà xát vào tất cả hàng cột, vào đao mái lấy khước, rồi xuýt xoa rút ví cẩn thận nhét đồng tiền lộc vào túi, vẻ mặt đầy mãn nguyện mà không  hề biết động thái ấy thật sự xúc phạm cửa Phật. Thói hám tiền đã dẫn họ vào mê lộ.

Thế là mấy bạn trẻ nhìn thấy cũng hăng hái làm theo, một sự học hỏi kịp thời thật đáng ngại.

5. Đi lễ chùa phải đi với lòng hướng thiện, lên chùa mong được hóa giải  những kiếp nạn không may gặp phải hoặc vãn cảnh chùa cho lòng thư thái. Ngày nay, ngoài đi như du lịch thì có một số người lại ôm theo lòng tham cầu lợi mà không hề biết đến luật nhân quả ở đời.

Tiền nhân có câu: Kính chẳng bõ phiền, muốn nhắc nhở rằng việc cung kính cũng phải xuất phát từ sự hiểu biết đến nơi đến chốn. Kính Phật kiểu đặt lễ xin xỏ nhầm cửa thế này thì thà đừng đến còn hơn!

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm