Xét xử vụ án tại CDC Hà Nội: Bài học về sự thượng tôn pháp luật

13/12/2020 19:34 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), các bị cáo trong vụ án đã nhận ra sai phạm của mình và đều có ý thức ăn năn, hối cải. Hội đồng xét xử đã tuyên các mức án tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo, trong đó có cân nhắc tới những tình tiết giảm nhẹ, động cơ, hoàn cảnh thực hiện hành vi phạm tội và những đóng góp của các bị cáo trong quá trình làm việc… Bài học của các bị cáo trong vụ án này còn là kinh nghiệm chung của các cơ quan Nhà nước trong quá trình triển khai các quy định của Nhà nước, là bài học về sự thượng tôn pháp luật, không thể vì nhiệm vụ chung mà tự cho mình “vượt rào”, cho mình quyền được vi phạm pháp luật.

Xét xử phúc thẩm vụ án 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí' tại dự án 15 Thi Sách

Xét xử phúc thẩm vụ án 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí' tại dự án 15 Thi Sách

Ngày 22/5, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xét kháng cáo của 4 bị cáo từng là lãnh đạo, cán bộ của UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố.

*Động cơ vụ lợi là rất rõ rệt

Một trong những nội dung chiếm thời gian tranh luận nhiều nhất tại phiên tòa là việc xác định có hay không động cơ vụ lợi của một số bị cáo trong vụ án này. Tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm phủ nhận việc được bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên kinh doanh Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech) thỏa thuận chi 15% giá trị máy xét nghiệm COVID-19 nếu thương vụ mua bán, nâng khống giá thành công. Bị cáo Cảm khẳng định quá trình bàn bạc, trao đổi với Nhất về việc tìm mua máy chưa hề có trao đổi, thỏa thuận nào về việc chia chác lợi nhuận.

Về nội dung này, đại diện Viện kiểm sát nêu rõ, tài liệu điều tra và lời khai của các bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh (nguyên cán bộ CDC Hà Nội) đều thể hiện việc các bị cáo đã gặp gỡ, bàn bạc, thỏa thuận về giá. Sau khi gặp nhau, bị cáo Tuyền đã chỉ đạo nhân viên làm 3 báo giá, trong đó có 2 báo giá giả. Các báo giá này chính là cơ sở để CDC Hà Nội sử dụng vào việc xây dựng dự toán thầu, xác định giá đấu thầu. Thêm vào đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất và Nguyễn Thanh Tuyền đều khai nhận đã bàn chi 15% cho bị cáo Cảm. Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm cũng thừa nhận Nhất có hứa chi nhưng không nhớ là bao nhiêu. Trong vụ án này, bị cáo Đào Thế Vinh cũng được hưởng lợi 1,5% giá trị hợp đồng. Bản thân bị cáo Cảm trong vụ án cũng rất tích cực chỉ đạo nhân viên dưới quyền tự cắt các thủ tục chỉ định thầu, cố tình thực hiện sai quy định pháp luật, nhằm thúc đẩy nhanh việc chỉ định thầu. Như vậy, các bị cáo Cảm, Nhất, Tuyền, Vinh đều có lợi ích trong gói thầu này, động cơ vụ lợi là rất rõ rệt.

Bản án sơ thẩm cũng xác định, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm với vai trò là Giám đốc CDC Hà Nội chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu thông thường đối với gói thầu số 15, với động cơ vụ lợi đã trực tiếp thỏa thuận, thống nhất với giá các thiết vị y tế với Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh trước khi thực hiện quy trình chỉ định đấu thầu, trực tiếp ký hợp thức các quyết định thành lập và phê duyệt, các hợp đồng trong thủ tục chỉ định thầu không được lập theo đúng trình tự quy định của Luật đấu thầu và Nghị định số 63 ngày 26/6/2014 của Chính phủ, trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với Nguyễn Trần Duy (thẩm định viên) để Duy giả mạo hồ sơ ký Chứng thư thẩm định giá theo đúng mức giá mà CDC Hà Nội yêu cầu, chỉ đạo cấp dưới hợp tức hồ sơ đấu thầu gói thầu số 15 để chỉ định Công ty MST trúng thầu trái quy định, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.

Trong ảnh: Hội đồng xét xử khai mạc phiên tòa. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
 Hội đồng xét xử khai mạc phiên tòa. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

*Hành vi của các bị cáo là chuỗi sai phạm nối tiếp

Trong phần tranh luận tại phiên tòa, nhiều luật sư bào chữa cho rằng không có sự bàn bạc, thống nhất giữa bị cáo Nguyễn Nhật Cảm và các bị cáo còn lại trong CDC Hà Nội, không có dấu hiệu đồng phạm giữa các bị cáo trong vụ án.

Về luận điểm này, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng đồng phạm trong mỗi vụ án hình sự có tính chất khác nhau. Trong vụ án này, các bị cáo đều hoạt động trong một tổ chức, phối hợp hoạt động chặt chẽ với nhau. Mỗi bộ phận chức năng thực hiện một công việc nhất định và hướng đến mục đích chung là chỉ định thầu theo quy định. Thực tế tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận có vi phạm trong việc chỉ định thầu. Các bị cáo biết rằng quá trình thực hiện phải làm theo quy định của pháp luật, chỉ cần 1 khâu sai sẽ kéo theo cả quy trình sai, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Công tố viên xác định, đa số các bị cáo đều nhận thức được hành vi của mình gây thiệt hại cho dù tại thời điểm thực hiện hành vi là vô tình hay cố ý, do đó có cơ sở để kết luận các bị cáo đã tiếp nhận ý chí của bị cáo Nguyễn Nhật Cảm. Đây chính là dấu hiệu hành vi đồng phạm của các bị cáo. Vai trò đồng phạm của các bị cáo còn thể hiện rõ ở việc các bị cáo dưới quyền đều không từ chối thực hiện các chỉ đạo của bị cáo Cảm trong cuộc họp hoặc qua email, tin nhắn điện thoại.

Mỗi bị cáo phụ trách một công đoạn, một phần việc khác nhau, nhưng đã có sự kết nối với nhau tạo thành một chuỗi sai phạm nối tiếp, nhằm hợp thức hóa các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, hoàn tất việc thanh toán tiền mua máy xét nghiệp COVID-19, gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, để hợp thức việc chỉ định thầu, các bị cáo nguyên là cán bộ CDC Hà Nội đã ký lùi ngày trong các văn bản, tài liệu, thực hiện hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ nhằm hợp thức việc chỉ định thầu. Bị cáo Hoàng Kim Thư (nguyên Kế toán trưởng, Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán, CDC Hà Nội) là người ký hợp thức nhiều giấy tờ, ký phiếu đề nghị thanh toán… – đây là khâu “chốt chặn” cuối cùng, nhằm hoàn tất các thủ tục rút tiền của Nhà nước chuyển tiền cho Công ty MST.

Hội đồng xét xử xác định, các bị cáo: Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Hoàng Kim Thư, Lê Xuân Tuấn với chức trách, nhiệm vụ được giao đã cùng nhau thống nhất hoàn thiện hồ sơ thầu không đúng theo quy định của Luật đấu thầu và các văn bản hướng dẫn. Các bị cáo: Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đặng Thế Vinh với động cơ vụ lợi đã có hành vi gian lận trong việc cung cấp báo giá, hồ sơ thầu… để được chỉ định thầu gói thầu số 15 tại CDC Hà Nội với giá trị mà các bên đã thỏa thuận từ trước, gây hậu quả nghiêm trọng.

*Ranh giới giữa công và tội

Quá trình xét hỏi cũng như tranh tụng tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đã thừa nhận hành vi sai phạm như cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố. Nhiều bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên của CDC Hà Nội khai đã thực hiện hành vi vi phạm do chịu sức ép về thời gian bởi dịch COVD-19 có diễn biến "nóng", nhu cầu xét nghiệm tăng cao.

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (nguyên Giám đốc CDC Hà Nội) thừa nhận việc chỉ định thầu và thực hiện quy trình đấu thầu không đúng luật định. Bị cáo Cảm cho rằng, nếu làm theo quy định lựa chọn thầu thông thường đúng trình tự thì phải mất thời gian khá lâu. Tuy nhiên, vào thời điểm dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, CDC Hà Nội buộc phải có thiết bị xét nghiệm sớm theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội. Do đó, bị cáo Cảm buộc phải làm sai quy định để đúng tiến độ yêu cầu.

Trước đó, trong phần tranh luận, trình bày quan điểm tại tòa, đại diện CDC Hà Nội cho biết việc đào tạo một bác sĩ phải mất rất nhiều năm. Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm là Phó giáo sư, nhà khoa học, có trình độ cao, các bị cáo khác (nguyên là cán bộ của CDC Hà Nội) cũng phạm tội trong hoàn cảnh đặc biệt khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ nên đại diện CDC Hà Nội mong Hội đồng xét xử xem xét toàn diện bối cảnh phạm tội của các bị cáo và giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Đối đáp lại vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa chia sẻ với những khó khăn, vất vả của cán bộ CDC Hà Nội trong thời gian chống dịch vừa qua. Tuy nhiên, các bị cáo vẫn phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Vì tình hình dịch bệnh, việc mua máy xét nghiệm có thể chỉ định thầu, nhưng phải thực hiện đúng các bước và quy trình theo quy định pháp luật. Các bị cáo đã tự ý cắt các bước chỉ định thầu, đó là hành vi vi phạm pháp luật. "Là bác sĩ phải như mẹ hiền, nhưng có công được hưởng, có tội phải chịu. Tôi muốn nói rõ để mọi người có suy nghĩ nhân văn hơn và không cổ xúy cho vi phạm. Không thể lấy các lý do để biện hộ cho hành vi lợi dụng dịch bệnh để cắt giảm các quy trình với mục đích trục lợi", Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Đức Bằng (giữ quyền công tố tại phiên tòa) nhấn mạnh.

Hội đồng xét xử đã kết luận, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, trong khi Đảng, Chính phủ và nhân dân đang tập trung tối đa sức người sức của để phòng, chống dịch thì các bị cáo thuộc CDC Hà Nội đã không nêu cao trách nhiệm mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Kim Anh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm