Xem tuyển nữ Việt Nam đá World Cup bằng con mắt nào?

24/10/2022 16:14 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1919, bên ngoài Nhà Trắng, hàng ngàn phụ nữ đã biểu tình kêu gọi giành quyền bỏ phiếu, và điều này đã trở thành sự thật trong cuộc bầu cử tiếp theo. Đấy là một thay đổi lớn: Nó thúc đẩy những đạo luật quan tâm đến sức khỏe và giáo dục của phụ nữ.

Cà phê đầu tuần: Khi Quang Hải hạnh phúc

Cà phê đầu tuần: Khi Quang Hải hạnh phúc

Trong ngành quản trị học, có một bài toán gây tranh cãi nhiều năm, rằng liệu hạnh phúc có trước hay là thành công có trước?

 

Trong những năm 60 và 70, làn sóng nữ quyền thứ hai được dấy lên: Các cuộc biểu tình đã dẫn đến những đạo luật đảm bảo quyền bình đẳng tại nơi làm việc, trong những trường đại học và cao đẳng, công sở và cả tại gia.

Hai làn sóng đầu tiên này đã đem lại thành công rực rỡ: Nó thay đổi cơ bản vị trí của người phụ nữ trong xã hội, thúc đẩy bình đẳng trong chính trị (1919-1920) và về pháp luật lẫn nghề nghiệp (những năm 60 và 70). Nó trao cho họ các công cụ đấu tranh thời hiện đại, và mở ra những cơ hội để phụ nữ giữ các vai trò quan trọng trong xã hội, được tôn trọng và bình đẳng về mặt cơ hội.

Cuộc chiến khó khăn

Nhưng bình đẳng về chính trị hay pháp luật là một cuộc chiến giành chỗ đứng rất rõ ràng và có thể đo đếm được: Nếu không có lá phiếu, bạn sẽ đòi lá phiếu cho đến khi giành được nó; nếu một đạo luật hay thể chế tạo ra sự bất công, bạn sẽ biểu tình cho đến khi nó bị gỡ bỏ/phủ quyết.

Từ những năm 2000 cho đến nay là một câu chuyện khác. Các phong trào nữ quyền giống như Don Quixote tấn công cối xay gió: Phụ nữ vẫn đấu tranh để đòi quyền bình đẳng, và với những gì đong đếm được, họ cơ bản đã thành công, nhưng ở một mảnh vô thức của xã hội, phụ nữ dường như không thể tìm thấy sự thừa nhận họ cần. Họ có thể có việc làm, nhưng các vị trí cao nhất đa số thuộc về đàn ông. Họ có thể có lá phiếu, nhưng không thường được trao vai trò lãnh đạo.

Phong trào nữ quyền đang vấp phải bức tường thành to lớn và rắn chắc nhất, nhưng lại vô hình: Giờ đây, nó phải chống lại những thành kiến vô thức của con người, cũng như các luân lý đã tồn tại hàng thế kỷ gây bất lợi cho phụ nữ. Bạn không đối mặt với các văn bản, những tổ chức. Bạn phải đối mặt với những hệ thống niềm tin và giả định phi lý, nhưng tồn tại đã quá lâu và đóng đinh quá chắc vào tâm trí của nhiều người.

Chúng ta đã chứng kiến sự thê thảm của bóng đá nữ khi-không-có-thành-tích nhiều năm: Trong đa số thời gian, các cầu thủ nữ không có tiếng nói. Nếu không chiến thắng, họ sẽ không xuất hiện trên mặt báo, không được thừa nhận những cố gắng, và đặc biệt, không có tiền.

Ngay cả khi chiến thắng, dư luận cũng đặt thành công của bóng đá nữ dưới hệ quy chiếu so sánh với bóng đá nam, thậm chí còn sử dụng thành công ấy như một cách để hạ thấp bóng đá nam. Về bản chất, đấy là một thành kiến sâu sắc: Những thành tựu của các cầu thủ nữ không được nhìn nhận như nỗ lực nguyên bản của họ, mà chỉ được xem như một phái sinh từ góc nhìn với bóng đá nam.

Chú thích ảnh
Tuyển nữ Việt Nam chung bảng với đương kim vô địch và đương kim á quân thế giới

Và khi xem những phóng sự về bóng đá nữ, bạn cũng thường chỉ thấy những cảnh khổ, và các lời bình ái ngại, kiểu như con gái ai cũng thích làm đẹp, nhưng những cầu thủ này phải hy sinh chuyện này, hy sinh cái kia, không được trang điểm, hay lấy chồng muộn… Những người phụ nữ chọn đi đá bóng bị khai thác dưới góc độ khác thường, chỉ vì họ không đi theo hình mẫu cơ bản mà bạn hay nghĩ về phụ nữ.

Cơ hội phá bỏ định kiến

Thành trì của hệ thống niềm tin này, về cơ bản, mới là những bức tường cao nhất trước mặt phụ nữ. Và sự mơ hồ này đã khiến các cuộc đấu tranh nữ quyền trong thế kỷ 21 thường rơi vào ngõ cụt: Một mặt, phụ nữ coi như đã được giải phóng hoàn toàn. Nhưng mặt khác, cũng có những chuyện có thể xem như chẳng thay đổi gì.

Khi trả lời về lá thăm của đội tuyển nữ ở World Cup 2023, HLV Mai Đức Chung thậm chí… mừng ra mặt, cho rằng đây là bảng đấu rất tốt, vì “chúng ta không thể trả tiền để mời đội tuyển Mỹ , Hà Lan sang Việt Nam thi đấu, bởi họ là những đội bóng hàng đầu thế giới”, và “các chị sẽ làm gương cho các em, các cầu thủ trẻ thấy các chị đá ở World Cup sẽ khiến họ tích cực tập luyện hơn” – trích phát biểu trên Tuổi Trẻ.

Đấy là phát biểu của một nhà chuyên môn thuần khiết: Tôi sẽ không nói thêm về sự vất vả của các cầu thủ nữ, với tư cách những người đang vật lộn với giới tính của mình khi chơi bóng đá. Tôi nói về họ với tư cách những vận động viên đỉnh cao đang đi tìm sự thừa nhận, cố gắng leo những nấc thang mới trong sự nghiệp, nay đã gặp những đối thủ xứng tầm để đương đầu và hiện thực hóa tham vọng.

Nhưng có thể là ngay ngày mai, người ta sẽ lại kể về những câu chuyện giới tính như một phản xạ khi nhắc về bóng đá nữ. Như đã nói, đấy là khía cạnh khó khăn của nữ quyền trong thế kỷ 21: Những thành kiến vô thức vẫn sẽ tồn tại, thậm chí là đông đảo, và làm nản lòng những người muốn thay đổi.

Nhưng dù thế nào đi nữa, khi các cầu thủ nữ xuất hiện ở một sân khấu lớn và buộc mọi người phải chú ý đến họ một lần nữa, thì chúng ta lại có thêm một cơ hội, để các khán giả đi xem và đến một lúc nào đó, có thể theo dõi với tâm thế thoải mái của một người đang đi xem thể thao (giống như quần vợt nữ chẳng hạn), chứ không phải đi xem chỉ để ủng hộ những người đang cố gắng hy sinh tính nữ để khẳng định mình trong môn thể thao của đàn ông.

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm