Xem kịch 'Bỉ vỏ': Vai diễn 'nặng', diễn viên cũng... thấm mệt

15/06/2015 20:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bỉ vỏ, tác phẩm đầu tay của nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982), từng nhiều lần được dựng thành kịch, phim, cải lương..., nay lại tiếp tục được Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng. Tác phẩm được công diễn chính thức vào 20h các ngày 8, 9, 10/6 tại rạp Công nhân (42, Tràng Tiền, Hà Nội).

Phiên bản Bỉ vỏ lần này được chuyển thể từ kịch bản Những số phận bị đánh cắp của tác giả Nguyễn Đăng Thanh, do NSND Doãn Hoàng Giang làm đạo diễn. Lão nghệ sĩ cũng từng đạo diễn vở Bỉ vỏ với phiên bản Cô gái ăn cắp trên Sân khấu Kịch Hồng Vân (năm 2011), đồng thời từng dựng tác phẩm này cho Đoàn cải lương Quảng Ninh và đã đoạt HCV hội diễn sân khấu năm 1990.

Lần này, Doãn Hoàng Giang vẫn lấy tên Bỉ vỏ với lý do đơn giản là khán giả miền Bắc vẫn chưa được xem kịch Bỉ vỏ. Tuy nhiên, dàn dựng xong, ông thấm mệt, ốm, và không có mặt trong đêm công diễn đầu tiên để chứng kiến sự khen - chê của khán giả Hà thành vốn kỹ tính...

Đến vai phụ cũng phải là “sao”

Bỉ vỏ mới được Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng trong thời gian ngắn, dưới cái nắng nóng của mùa Hè, nhưng có tới 60 diễn viên tham gia, đến diễn viên phụ cũng là “sao” để “thỏa mắt” nhìn của khán giả.

Vai diễn “nặng” nhất là Tám Bính do NSƯT Thu Hà (từng để lại ấn tượng qua nhiều vai diễn như Thuận Khanh trong vở Ngàn năm tình sử, Ba Sương trong Ăn mày dĩ vãng, Mến trong Thầy khóa làng tôi...) thể hiện. Vẻ đẹp không tuổi của Thu Hà dường như được hồi sinh trong vai Tám Bính.


Cảnh Tám Bính và Năm Sài Gòn bị kết án tử hình

Tuy nhiên, nhiều chỗ Thu Hà diễn hơi gượng, có lẽ do vai diễn quá “nặng” và  các cảnh diễn liên tục, kéo dài khiến chị thấm mệt. Vì thế cảnh cuối, tiếng khóc của Tám Bính sau khi nhận ra vết chàm trên trán đứa bé ba tuổi chính là con trai mình không to, khan, khều trên cổ họng, chưa khiến người xem phải hét lên, hay khóc òa trước cảnh “tự giết con mình”!

Trong tiểu thuyết Bỉ vỏ, Nguyễn Thị Bính là cô gái nghèo, nhẹ dạ, yêu một gã Tham đạc điền và bị hắn bỏ rơi giữa lúc bụng mang dạ chửa, bị cha mẹ hắt hủi... Đau đớn vì bị bán mất con, Bính trốn nhà đi Hải Phòng, sống ê chề cực nhục... Khi Bính được Năm Sài Gòn, trùm lưu manh ở Hải Phòng, chuộc ra khỏi nhà chứa, bất đắc dĩ, Bính mới bị lôi kéo vào con đường lưu manh, trở thành một “bỉ vỏ” - người đàn bà ăn cắp.

Nhưng trên sân khấu kịch, tính cách Tám Bính hơi gượng ép. Vừa được Năm Sài Gòn cưới về, Tám Bính đã thành “cao thủ” ăn cắp khi bày mưu cướp tiền trong túi của cặp vợ chồng giàu có. Biệt danh Tám Bính cũng được đàn em của Năm Sài Gòn gọi từ trước khi Bính tham gia băng đảng, khiến sức tố cáo chế độ cũ đẩy con người đến khốn cùng chưa đanh thép. Hay cảnh Tám Bính cùng đàn em đi cướp ngục giải cứu Năm Sài Gòn so với bản gốc hơi khiên cưỡng, thiếu căn cứ, không phải là địa ngục trần gian của kiếp người nô lệ một thời.

Tuy nhiên, với vai Năm Sài Gòn, NSƯT Trung Hiếu đã thành công với tạo hình một Năm Sài Gòn vừa dứt khoát, cứng cỏi, vừa rất đàn anh, vừa có nghĩa, có tình...  cho dù vẻ ngoài của anh khá hiền lành, chân chất. Đặc biệt là tiếng cười của Năm Sài Gòn dù chưa đạt đến độ chín, nhưng cũng được đánh giá cao.


Cảnh Tám Bính (giữa) ở nhà chứa của mụ Tài sế cấu

Tiến Minh “trổ tài” làm nhạc cho kịch

NSND Mạnh Tưởng từng xem Bỉ vỏ phiên bản cải lương những năm 1990 cho rằng: Không thể so sánh cải lương với kịch, nhưng kịch bản cải lương trước đây không được sâu sắc, xúc động như xem kịch hôm nay. Các cảnh trong vở kịch tiết tấu khá nhanh, nhưng xúc động, mạch lạc, tỉ mỉ, khiển cả những người chưa đọc tiểu thuyết Bỉ vỏ cũng bị cuốn hút và hiểu hơn về số phận con người những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bằng chứng là, vở diễn kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, nhưng khán giả đã vỗ tay liên tục hết cảnh này sang cảnh khác...

Đặc biệt, âm nhạc trong kịch Bỉ vỏ lần này do NSƯT Tiến Minh đảm nhận đã chạm đến tim khán giả. Cảnh cô Bính trốn nhà ra Hải Phòng trong ca khúc Con thuyền không bến như tiếng khóc đúng chỗ. Cảnh cha con người hát xẩm trong đám cưới cô Bính với những câu hát ai oán về kiếp người: Người ơi, xin đừng lãng quên kiếp người/Đừng quên đời bao chua xót/Kiếp lầm than, đói ăn cơ hàn, sớm hôm dầm sương dãi nắng... Chỉ tiếc là cây đàn trong tay cha con người hát xẩm không phải là của xẩm, nó đẹp quá và mới quá!

Có mặt tại khán phòng trong đêm diễn, NSƯT Tiến Minh cho biết: “Là diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội, bản thân tôi cũng được phân một vai diễn, nhưng công việc sáng tác nhạc cho vở diễn quá lớn khiến tôi phải bỏ vai, dồn hết sức vào âm nhạc. Lâu lắm rồi, tôi mới hứng thú viết nhạc cho vở diễn như Bỉ vỏ lần này. Tuy nhiên cũng phải tính toán sao cho có hơi thở của thời đại bây giờ để âm nhạc trong vở diễn rõ màu sắc. Nhiều ca khúc tôi phải phối lại hoàn toàn và viết lời riêng cho vở diễn. Nhưng xem xong mọi người khen, khiến tôi thở phào nhẹ nhõm...”.

Cho dù còn “sạn” nhưng vở diễn được cho là có bố cục chặt, trang phục đẹp, trang trí sân khấu đẹp, nhân vật chọn tiêu biểu, nhiều chi tiết “đắt”, khiến khán giả “khóc”, “cười” đúng chỗ. Xem xong Bỉ vỏ, những Tám Bính, Năm Sài Gòn, Tư Lập Lơ, Ba Bay, Chín Hiếc... những Tài sế cấu, hay Cao Lâm phố khách... sẽ “sống lâu” trong lòng khán giả.

NSND Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp thu những đóng góp của khán giả và chỉnh sửa, căn chỉnh thời gian cho hợp lý, nhưng thực sự, với một tác phẩm văn học ngồn ngộn tình tiết kịch như Bỉ vỏ, không thể đưa hết lên sân khấu mà chỉ giữ cái cốt cách của nhân vật chính, bởi một vở diễn sân khấu không thể quá dài, càng không thể quá tham”.

Sau công diễn tại Hà Nội, Bỉ vỏ sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại Thanh Hóa cuối tháng 6 này. Ngoài ra, Nhà hát Kịch Hà Nội còn mang hai vở khác đến với liên hoan là Điệp khúc vi-rút (tác giả Xuân Đức, đạo diễn NSND Hoàng Dũng) và Tiếng đàn vùng Mê Thảo (tác giả: PGS Tất Thắng, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang).

Doãn Hoàng Giang “có duyên” với các tác phẩm 1930 - 1945

Đây không phải là lần đầu tiên, tác phẩm của Nguyên Hồng được chuyển thể và đưa lên sân khấu kịch. Trước đó, năm 2008, kịch bản này (do đạo diễn Doãn Hoàng Giang tự chuyển thể) đã từng được ông dàn dựng tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận. Tuy nhiên, tên gọi của vở diễn được đổi thành Người đàn bà ăn cắp.


Năm Sài Gòn (giữa) và các đàn em

Trước đó, năm 2002, đạo diễn Doãn Hoàng Giang cũng từng dàn dựng hài kịch Số đỏ của tác giả Vũ Trọng Phụng cho Sân khấu Kịch Phú Nhuận (Lê Chí Trung chuyển thể). Trong vở diễn này, các ca sĩ Bằng Kiều và Tuấn Hưng đã lần lượt được mời vào vai chính Xuân “Tóc đỏ” và gây nên sự tò mò lớn từ khán giả.

Hoàng Nguyễn

Bài: An Như - Ảnh: Hiền Đỗ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm