01/12/2022 07:43 GMT+7 | Văn hoá
"Hệ giá trị quốc gia, Hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới" là một trong những nội dung thảo luận quan trọng tại chương trình Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới", diễn ra ngày 29/11.
Đây là hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ VH,TT&DL, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Hà Nội và 2 điểm cầu trực tuyến (Thừa Thiên - Huế và TP.HCM) với sự tham dự của gần 500 đại biểu.
Hội thảo là sự kiện quan trọng nhằm nhìn lại kết quả 1 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức ngày 24/11/2021.
Tôn trọng thực tiễn trong định hình hệ giá trị văn hóa
Trong tham luận của mình, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa) cho rằng hệ giá trị văn hóa là nền tảng, là chuẩn mực quy định và đánh giá hành vi "tốt" hay "xấu", "phù hợp" hay "không phù hợp". Hệ giá trị là yếu tố quan trọng trong tổng thể văn hóa, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa.
"Việt Nam là một đất nước có sự đa dạng về sinh thái (sông, biển, đảo, núi, rừng, đồi, đồng bằng...), đa dạng về tộc người (54 tộc người và nhiều nhóm tộc người trong đó), đa dạng các biểu đạt văn hóa, các dạng thức văn hóa, các vùng văn hóa" - PGS Nguyễn Thị Phương Châm cho biết - "Đi cùng với sự đa dạng này là đa dạng hệ giá trị văn hóa. Mỗi vùng sinh thái, vùng văn hóa, mỗi địa phương, mỗi tộc người, nhóm người sáng tạo và duy trì các hệ giá trị văn hóa khác nhau, tạo nên tổng thể đa dạng của hệ giá trị văn hóa ở Việt Nam".
Với tính đa dạng của nền văn hóa, cùng bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, PGS Phương Châm cho rằng, hệ giá trị văn hóa ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp với sự cùng tồn tại của hệ giá trị truyền thống, hệ giá trị mới, hệ giá trị phổ quát, hệ giá trị đặc thù, hệ giá trị cốt lõi, hệ giá trị phái sinh...
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, xung đột giá trị, thậm chí khủng hoảng giá trị, "sốc" giá trị cũng đã xảy ra, càng làm gia tăng thêm tính phức tạp, nhưng cũng làm lộ rõ sự cần thiết nhìn nhận lại việc xây dựng hệ giá trị văn hóa hiện nay.
Do vậy, vị chuyên gia này cho rằng cách thức xây dựng hệ giá trị văn hóacần phải đảm bảo tính thực tiễn, tôn trọng thực tiễn. "Nếu quan tâm đúng mức hơn đến tính thực tiễn của hệ giá trị văn hóa thì chúng ta sẽ khắc phục được sự chung chung, hô hào, hình thức trong xây dựng hệ giá trị văn hóa" - bà nhấn mạnh - "Tính thực tiễn ở đây là hệ giá trị văn hóa phải được xây dựng từ thực tiễn và phải được thực hành sâu rộng trong thực tiễn, trở thành lối sống, thói quen, tập tính hàng ngày của con người. Chỉ như vậy, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa mới được xem là đạt hiệu quả".
Bước phát triển nhận thức về xây dựng hệ giá trị quốc gia
Trong khi đó, với tham luận "Một số vấn đề về xây dựng hệ giá trị quốc gia", GS-TS Trần Văn Phòng, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Mỗi quốc gia, dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển luôn luôn xây dựng cho mình một hệ thống giá trị nhất định, hay còn gọi là hệ giá trị quốc gia.
Hệ giá trị quốc gia vừa như là đích đến, vừa như là tiêu chuẩn để đánh giá ý nghĩa của các sự vật, hiện tượng đối với cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia, được các cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia thừa nhận, trở thành điểm tựa tinh thần để mọi cá nhân, cộng đồng xã hội và cả quốc gia vươn theo, hướng tới và hành động theo.
Với ý nghĩa đó, GS-TS Trần Văn Phòng đưa ra khái niệm về hệ giá trị quốc gia: Đó là tất cả những gì mang lại ý nghĩa nhất định cho quốc gia, được cả quốc gia thừa nhận, trở thành mục tiêu, chỗ dựa tinh thần để con người trong quốc gia và cả quốc gia khao khát, hướng tới và hành động theo. Giá trị quốc gia vừa mang những nét riêng có của dân tộc, vừa mang những nét chung phổ biến của nhân loại.
Nêu quan điểm về nội hàm của hệ giá trị quốc gia Việt Nam thời kỳ mới, ông cho rằng hệ giá trị quốc gia Việt Nam hiện nay sẽ bao gồm các thành tố mà Cương lĩnh 2011 đã nêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"; trong đó nhân dân là chủ thể, là vị trí trung tâm trong xã hội xã hội chủ nghĩa, là đối tượng mà Đảng, Nhà nước ta phục vụ.
Bên cạnh đó, GS-TS Trần Văn Phòng cũng đề nghị bổ sung thêm thành tố "hạnh phúc" vào hệ giá trị quốc gia thành "Dân giàu, hạnh phúc, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Bởi trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011, Đảng đã khẳng định "Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc".
Xây dựng các giá trị trong Hệ giá trị
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến phát biểu, trong kết luận bế mạc hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: Về hệ giá trị con người Việt Nam, cần xây dựng 8 giá trị chủ yếu: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị văn hóa gồm 4 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất