Xe buýt hai tầng London trở lại

01/06/2012 07:01 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Nó đã từng biến mất một thời gian và rồi trở lại và rồi (một lần nữa) lại có nguy cơ biến mất khi trở thành tiêu điểm trong cuộc cãi vã giữa hai ứng cử viên cho chức Thị trưởng London. Cuối cùng, ứng cử viên quyết tâm giữ cho xe buýt hai tầng được tồn tại, đã chiến thắng.

Chuyện cũ

Chiếc xe buýt 2 tầng màu đỏ (Ominibuses) bấy lâu nay vẫn là biểu tượng của London, chẳng khác gì tháp đồng hồ Big Ben và những chiếc taxi đen như một phần hồn không thể thay thế của Thủ đô nước Anh. Vậy mà, biểu tượng ấy từng có thời gian phải dừng lại sau gần 50 năm hoạt động. Ngày 9/12/2005, hàng ngàn người dân London đã đến ga Streatham phía Nam London để tiễn biệt lần cuối cùng chiếc Routemaster 2217 tuyến 159. Hệ thống xe Routemaster được lập ra vào năm 1954 và chiếc Routemaster đầu tiên, loại RM1, được đưa vào sử dụng hồi tháng 7/1954 và đã nhanh chóng trở thành một phần tinh hoa của London như tháp Big Ben và Điện Buckingham. Vào thời vàng son của mình, hơn 2.700 chiếc Routemaster chạy quanh khắp các ngõ ngách Thủ đô Anh quốc.

Ưu điểm nổi trội của chiếc xe bus 2 tầng là sự độc đáo về thiết kế, sự cải tiến về kết cấu và công nghệ giúp nó nhẹ hơn và tiện lợi hơn những loại xe trước đó. Màu đỏ rực rỡ đã làm cho chiếc xe Routemaster trở thành một trong những điều đặc biệt của London và được tôn vinh trên toàn thế giới. Routemaster biến mất, đường phố London không còn những chiếc xe màu đỏ thay nhau làm đậm vẻ đẹp Thủ đô và người dân vẫn không nguôi nhớ đến chiếc xe thân thương này.

So sánh giữa 2 kiểu dáng Routemaster cũ và mới

Nhớ và tiếc, bởi vì đây là những tuyến xe buýt tiện lợi nhất, với cửa mở ra phía sau, cho phép hành khách có thể lên xuống ngay trên đường mà không cần phải xếp hàng dài tại bến đỗ. Trong khi đó, loại xe buýt hiện nay đang chạy trên các tuyến đường ở London, theo đánh giá của người dân, là những “cỗ máy gớm ghiếc” do các hãng Thụy Điển là Volvo và Scania sản xuất: không còn cửa lên mở ở phía sau. Lý do cũng là vì kinh tế: chỉ cần một tài xế mà thôi thay vì phải có thêm một kiểm soát vé phía sau nữa.

Và người quyết định cho xe buýt 2 tầng “về hưu” chính là Thị trưởng London khi đó, Ken Livingstone. Ông thị trưởng này nêu lý do là buýt 2 tầng tốn nhiều chi phí vận hành và hàng năm chính quyền phải giải quyết 3, 4 vụ thương vong vì xe buýt. Chưa kể “cứ 10 người London thì có một không thể lên Routemaster, đó là chưa kể những người khác phải vất vả lắm mới leo lên được”.

Năm 2008, ứng cử viên Đảng Bảo thủ Boris Johnson ra tranh cử Thị trưởng London với lời hứa mạnh mẽ rằng ông sẽ “trả lại” cho người dân London những chiếc buýt Routemaster mà họ yêu thương bấy lâu nay. Cần biết thêm rằng, Johnson vốn là dân mê đạp xe đạp, ông thậm chí có những đề án xây đường siêu tốc cho xe đạp. Nhưng với riêng Routemaster, Johnson cho rằng chẳng có điều gì có thế thay thế được biểu tượng ấy. Năm 2008, Boris Johnson đã thắng cử và thực hiện đúng lời hứa của mình, ông đã cho lên kế hoạch thiết kế lại xe buýt 2 tầng phục vụ dân London và hướng tới phục vụ luôn cho Olympic 2012. Cuối cùng thì London cũng đã tìm lại được biểu tượng quyền quý và thân thương của mình.

Chính Boris Johnson đã tự tay giới thiệu mẫu xe buýt mới, New Routemaster, do người Anh vẽ kiểu, được sản xuất tại Anh và tiết kiệm được 40% nhiên liệu do chạy bằng động cơ hybrid. Mẫu xe mới này vẫn giữ nguyên dáng thuôn tròn của kiểu cũ và điều quan trọng hơn cả, New Routemaster cũng sẽ có cửa lên ở phía sau để hành khách có thể lên xuống ngay trên đường.

Viên Thị trưởng London cũng không quên tuyên bố: “Tôi hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có hàng trăm chiếc New Routemaster chạy trên các đường phố London và tất cả các thành phố trên khắp hành tinh sẽ đỏ mặt vì ghen tức khi họ nhìn thấy biểu tượng tuyệt vời này của London trong thế kỷ 21!”.

Mẫu xe buýt mới, New Routemaster, dành riêng cho Thủ đô London (Anh quốc). Có 3 chiếc vừa ra mắt đầu năm nay, cuối tháng sẽ xuất xưởng thêm 5 chiếc
Chuyện mới

Thêm tí nữa thì thế giới sẽ không đỏ mặt ghen tức vì xe buýt 2 tầng của Johnson khi kình địch cũ của ông, người đã quyết định cho xe buýt 2 tầng về hưu hồi năm 2005, Ken Livingstone, quyết định ra tranh cử tiếp Thị trưởng London 2012.

Và chuyện cũ được lặp lại. Phe của Livingstone thề sẽ ngăn cản tới cùng kế hoạch phát triển New Routemaster của Johnson. Họ bảo đó là loại xe gây ô nhiễm. Bù lại thị trưởng mới sẽ phát động chiến dịch xe buýt điện vì một môi trường xanh. Bên cạnh đó phe Livingstone tố cáo phía Johnson đã vung tay quá trán khi bỏ gần 12 triệu bảng chỉ để thiết kế mẫu cho dòng xe mới và hợp đồng đến nay mới chỉ có 8 chiếc. “Đó là dự án quá phù phiếm”, phe Livingstone tuyên bố.

Chiếc xe mới cơ động, hiện đại và thân thiện hơn với người dân

Phe Johnson cũng chẳng vừa. Họ tuyên bố chi phí cho một xe buýt điện cũng tròm trèm 350 ngàn bảng, ngang ngửa New Routemaster, chưa kể xe điện không đủ điện để chạy 18 giờ một ngày quanh London. Trong khi đó New Routemaster lại có thể kiếm thêm công ăn việc làm cho nhiều người dân London. Chẳng quan tâm gì tới lời đả kích của phe Livingstone, Thị trưởng đương nhiệm Boris Johnson hứa trong 4 năm tới, nếu tái đắc cử, ông sẽ phát triển cho London thêm 600 xe nữa. Và đầu tháng 5 vừa qua, Boris đã tái đắc cử, trong số phiếu bầu cho ông hẳn đã có rất nhiều trái tim dành cho chiếc xe buýt 2 tầng huyền thoại.

New Routemaster

Những chiếc xe buýt 2 tầng kiểu mới thật sự làm dân London hài lòng. Nó dài 11,2 mét, hơn chiếc cũ gần 3 mét, nhưng chỗ ngồi lại ít hơn, 62 ghế thay vì 64 như trước đây. Chuyên gia thiết kế mẫu xe buýt hàng đầu tại Anh, Alan Ponsford, giải thích: “Hiện nay người dân cao to hơn, vì thế chúng tôi cần phải thay đổi kích thước không gian trong xe, nâng độ cao của trần xe và mở rộng thêm lối đi giữa các hàng ghế ngồi. Có nghĩa là chúng ta sẽ có những chiếc xe buýt rộng rãi hơn”. Điểm khác biệt nữa là New Routemaster sẽ có hai lối lên, cửa lên phía sau có thể sẽ được đóng lại nếu không có nhân viên kiểm soát vé, và để giúp hành khách khỏi phải đi dọc suốt chiều dài của xe một khi muốn lên xuống xe.

Tất cả các thành phố trên khắp hành tinh sẽ đỏ mặt vì ghen tức khi họ nhìn thấy hàng trăm chiếc New Routemaster chạy trên các đường phố London trong thế kỷ 21.

Nhà phê bình Stephen Bayley nhận định rằng “đây là một kiểu dáng xe buýt rất trang nhã và mang tính cách tân cao, xứng đáng thay thế cho mẫu xe đã dùng trước đây. Nhưng không đi ngược lại những nét truyền thống vốn có của mẫu xe cũ, bởi không thể chấp nhận được việc một hành khách khuyết tật đi xe lăn mà không thể nào đi xe buýt được”. Và ông kết luận: “Chiếc Routemaster trước đây đã được thiết kế chỉ dành riêng cho London và từ lâu đã trở thành một biểu tượng hoàn hảo nhất của thành phố này. Hẳn nhiên, chúng ta có thể suy nghĩ rằng sẽ không có được một hình ảnh nào khác thay thế Routemaster. Song, kiểu dáng New Routemaster xứng đáng tiếp bước bậc đàn anh. Có một quy luật đã cũ nhưng gần như luôn luôn đúng, đó là nếu như bạn muốn mọi thứ giữ nguyên, thì chính bản thân chúng sẽ tự thay đổi”.

Trường hợp của những chiếc xe buýt Routemaster ở London là thế, chúng thay đổi nhưng vẫn luôn tồn tại.

Tường Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm