Xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa - trách nhiệm không chỉ riêng Đà Nẵng

23/10/2015 13:37 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Việc Đà Nẵng đang chuẩn bị xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa để làm nơi lưu giữ những bằng chứng, chứng cứ lịch sử mang tính pháp lý nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thực sự được dư luận quan tâm, chia sẻ, vì đó cũng là tâm nguyện của những người con đất Việt trong cuộc trường chinh đòi lại chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Có thể nói, vấn đề nghiên cứu, sưu tầm tài liệu về quần đảo Hoàng Sa chưa lúc nào nguội lạnh trong lòng nhân dân cả nước, kiều bào cũng như những học giả ngoại quốc.

Nhà trưng bày Hoàng Sa là quá cần thiết

Từ năm 2009 đến nay, nhiều người dân, nhà nghiên cứu, các đại diện họ tộc ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội và Đà Nẵng… và cả kiều bào nước ngoài  đã liên tiếp công bố nhiều văn bản gốc liên quan đến lịch sử xác lập chủ quyền một cách liên tục của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Nhiều áng văn, nhiều cuộc triển lãm, đêm thơ, nhạc, thi sáng tác… liên quan đến Hoàng Sa cho thấy  nhu cầu có một nơi để biểu đạt tình cảm thiêng liêng của đồng bào về Hoàng Sa là cần thiết.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử cùng nhau đóng góp ý kiến trong việc trưng bày ở Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng).Ảnh: Hoàng Yến

Tuy nhiên, những tư liệu về việc quản lý vùng biển đảo này qua các thời kỳ lịch sử ở Đà Nẵng chưa nhiều và chưa được đầu tư kinh phí trong việc nghiên cứu và sưu tầm tài liệu hiện vật, tổ chức trưng bày chuyên đề về Hoàng Sa. Đây là một trong những trở ngại đáng kể trong việc hoạch định các chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng,… liên quan đến huyện đảo Hoàng Sa.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cho rằng, phần lớn những tư liệu thu thập được hiện nay chủ yếu bằng giấy, Nhà trưng bày lại gần biển, nếu không có phương tiện và phương pháp bảo quản, bảo vệ thì tư liệu, hiện vật có thể bị hư hỏng rất sớm. Theo ông, không nên trưng bày những bản gốc các tài liệu, hiện vật mà nên chú trọng những phiên bản (copy - PV), bởi chỉ cần một nét mực vô tình hay cố ý chấm vào bản đồ thì bản gốc không còn giá trị.

Còn theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho rằng Nhà trưng bày Hoàng Sa được xây dựng lên không chỉ riêng cho Hoàng Sa, cho Đà Nẵng mà còn là nơi nhân dân cả nước, kiều bào và cả bạn bè du khách quốc tế quan tâm hướng đến.

Cần sự chia sẻ với Đà Nẵng

Nếu Nhà trưng bày thực sự được đầu tư bài bản,  hoạt động có chiều sâu chuyên nghiệp, đây cũng sẽ là một di sản văn hóa có tầm.

Ông Bùi Văn Tiếng đánh giá: “Khi hoàn thành, bản thân vỏ tòa nhà cũng sẽ là một di sản, một nhân chứng lịch sử, tính lịch sử, chính trị, pháp lý và tính độc nhất vô nhị của nó có thể sẽ gây sự chú ý và nhiều thế lực muốn phá hoại, đốt phá”.

Việc trưng bày các tư liệu, hiện vật trong Nhà trưng bày Hoàng Sa được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm kỹ lưỡng

Vì vậy, để xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa đúng như nguyện vọng cần sự chung tay của các cấp, trong đó Bộ VH,TT&DL cũng cần quan tâm để tạo thêm sự cộng hưởng từ xã hội, giá trị truyền thông. Bởi, Nhà trưng bày không chỉ gặp khó khăn về thu thập tư liệu, hiện vật mà vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho Nhà trưng bày, cho các tư liệu, hiện vật cũng là một vấn đề khó khăn, chi phí cho những hoạt động này có khi còn tốn kém hơn cả chi phí xây dựng.

Hiện UBND huyện Hoàng Sa đang lưu giữ và bảo quản trên 500 tài liệu, hiện vật đã được nghiên cứu xác định giá trị khoa học và đang tiếp tục thu thập thêm các tài liệu, hiện vật, chứng cứ có liên quan đến Hoàng Sa.

Quyết tâm xây dựng một Nhà trưng bày Hoàng Sa xứng tầm quốc gia, quốc tế của Đà Nẵng rõ ràng là việc nên làm.

Trưng bày hiện vật của người từng là cai đội Hoàng Sa

Nhà trưng bày Hoàng Sa được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đầu tư với tổng số vốn 40 tỷ đồng, được xây dựng thành 3 tầng, trong đó dự kiến trưng bày theo 5 chủ đề: “Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên”; “Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - thời các chúa Nguyễn”; “Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam thời nhà Nguyễn (1802-1945)”; “Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa (1945-1975)”; “Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay”. 

Ở mỗi chủ đề, những tư liệu, hiện vật có giá trị lịch sử và pháp lý sẽ được trưng bày nhằm khẳng định Nhà nước Việt Nam từ thời kỳ phong kiến đến nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với quần đảo Hoàng Sa. 

Đặc biệt, những tư liệu, hiện vật có liên quan đến hai nhât vật lịch sử Phạm Hữu Nhật và Phạm Quang Ảnh - những người cai đội Hoàng Sa thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng ra Hoàng Sa đo đạc, cắm mốc, dựng bia chủ quyền lãnh thổ; đo đạc thủy trình và canh giữ vùng biển trên quần đảo Hoàng Sa sẽ được sưu tầm và trưng bày tại đây. 

Việc phục dựng những trận chiến ở Hoàng Sa để người dân đến xem có thể tưởng tượng và tưởng niệm cũng được nhiều nhà nghiên cứu đưa ra và xem xét. 

Ngoài ra, Nhà trưng bày cũng sẽ trưng bày tàu cá ĐNa 90152 - chiếc tàu bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm chiều 26/5/2014 khi đang hoạt động hợp pháp trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Hoàng Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm