Xây dựng nét đẹp giao thông từ cổng trường học

14/10/2012 06:00 GMT+7 | Thế giới

Tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội đang là vấn đề nan giải bấy lâu. Để giải quyết vấn đề có tính cấp bách này, khó khăn và cũng là yếu tố quan trọng nhất: Nâng cao ý thức và văn hóa của người tham gia giao thông.

Cổng trường, điểm nóng về ùn tắc giao thông.

Dĩ nhiên, về tổng thể cần phải có sự hợp tác từ nhiều phía mới hy vọng cải thiện được tình hình, còn không, việc đầu tư nhiều bao nhiêu, chính quyền có huy động nhiều người đến mấy cũng chẳng thấm tháp vào đâu.

Cổng trường - Điểm nóng tắc nghẽn giao thông

Trong những năm qua, có thể nói trên địa bàn Hà Nội đã được tập trung cao độ đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, tình hình ùn tắc đã phần nào cải thiện. Nhưng ở các điểm trường học thì tình trạng vẫn chưa thuyên giảm. Vì vậy, “Năm An toàn giao thông 2012”, là năm đầu tiên vấn đề xây dựng văn hóa giao thông được chính quyền thành phố Hà Nội đặc biệt coi trọng. Đây được xem như một giải pháp chống ùn tắc giao thông không tốn nhiều tiền mà khả thi cao.

Để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông cho Thủ đô, đầu năm 2012, thành phố Hà Nội đã có quyết định quan trọng: Điều chỉnh giờ học tập, làm việc trên địa bàn thành phố. Sau một thời gian triển khai, nhiều điểm ùn tắc truyền thống trên địa bàn đã được giải quyết. Song, bên cạnh đó lại xuất hiện một số điểm ùn tắc giao thông mới tại khu vực cổng các trường tiểu học, trung học cơ sở...

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay, ở Hà Nội có 43% số trường mầm non trở lên và 82% số trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn 10 quận nội đô và hai huyện thuộc khu vực điều chỉnh giờ học giờ làm. Số lượng học sinh, sinh viên tập trung ở đây rất lớn khiến nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông luôn thường trực, đặc biệt trước các cổng trường tiểu học, trung học cơ sở, lượng người tham gia giao thông vào các giờ cao điểm rất đông, thường gấp rưỡi, gấp đôi khung giờ thường, do phụ huynh chờ đón con, cháu.

Giờ ách tắc cao điểm vào khoảng từ 16 giờ 20 phút đến 17 giờ hàng ngày. Điển hình như khu vực cổng Trường Tiểu học Bình Minh trên phố Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm), trường tiểu học Nam Thành Công số 75 Nguyên Hồng( quận Đống Đa), trường tiển học Điện Biên trên phố Quán Sứ, trường Trung học cơ sở Trưng Vương trên phố Lý Thường Kiệt...

Theo quan sát của phóng viên, vào giờ tan trường buổi chiều, từ ngã năm Lý Thường Kiệt - Thợ Nhuộm đến ngã tư Thợ Nhuộm - Quang Trung gần khu vực cổng trường Bình Minh luôn rơi “nêm xe”. Học sinh tan học ùa ra cũng là lúc phụ huynh kéo đến đông nhất. Ô tô, xe máy đỗ kín cả vỉa hè, lấn xuống cả lòng đường, kéo dài cả chục mét, thậm chí có lúc lấn hết cả phố Thợ Nhuộm khiến các phương tiện đi qua khu vực này phải chật vật nhích từng tý để luồn lách thoát khỏi đám đông.

Khu vực trường tiểu học Nam Thành Công cũng trong tình trạng tương tự. Mặc dù vỉa hè rộng, nhà trường đã bố trí khu vực dành cho phụ huynh đón học sinh, được chia thành từng khối. Nhà trường còn mở cả cổng phía sau để tránh quá tải song không mấy phụ huynh chấp hành. Vào giờ tan trường buổi chiều, thường là lúc phụ huynh tập trung ở cổng trường đông nhất, mặc dù có sự hỗ trợ của cảnh sát trật tự và dân phòng nhưng nhiều phụ huynh vẫn ngồi trên xe chống chân dưới lòng đường chờ đón con. Thậm chí ô tô của phụ huynh còn đỗ ngược chiều dưới lòng đường... Một đoạn vỉa hè, nơi phụ huynh chờ đón con lại bị nhà hàng đối diện chiếm dụng để trông giữ phương tiện, chặn cả đường lên khu vực chờ dành cho phụ huynh. Bảo vệ trường Nam Thành Công cho biết, đã nhiều lần giải tỏa nhưng tình trạng vi phạm trật tự vỉa hè tại đây vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Ở các khu vực có các trường tiểu học, trung học cơ sở khác như khu vực Tiểu học Điện Biên (phố Quán Sứ), Trường THCS Trưng Vương (phố Lý Thường Kiệt), trường tiểu học Lê Ngọc Hân (phố Lò Đúc), Trường tiểu học và THCS Cát Linh (phố Cát Linh), trường Tiểu học và THCS Tô Hoàng (phố Đại Cồ Việt), Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (phố Nguyễn Khuyến), Trường THCS Ngô Sĩ Liên (phố Hàm Long)... cũng đều không tránh khỏi lộn xộn trước cổng trường mỗi lúc học sinh tan học.

Lộn xộn do đâu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực các cổng trường, trong đó chủ yếu là do ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ của phụ huynh và học sinh còn kém, dừng đỗ lộn xộn. Mặt khác, vỉa hè trước một số trường bị lấn chiếm, thu hẹp diện tích do không được quản lý chặt chẽ khiến không còn chỗ cho phụ huynh chờ đón con. Số lượng học sinh trái tuyến lại ngày càng nhiều dẫn đến lưu lượng phương tiện đưa đón cũng gia tăng.

Theo phản ánh của một số lãnh đạo các trường và đại diện Ban An toàn Giao thông - Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, tình trạng lộn lộn, ùn tắc giao thông khu vực cổng trường học còn do việc bố trí hạ tầng giao thông một số nơi chưa hợp lý, cần có thêm cầu vượt cho người đi bộ gần khu vực cổng trường để liên kết với điểm chờ xe buýt bên kia đường, để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên khi qua đường và tránh ùn tắc. Việc bố trí các điểm đưa đón của xe buýt bố trí ngay sát cổng trường, thêm vào đó, không chỉ có phụ huynh mà nhiều phương tiện vãng lai cũng dừng đỗ tùy tiện gần cổng trường khiến mật độ giao thông khu vực cổng trường càng gia tăng.

Theo bà Trần Thu Hà, Thư ký thường trực Ban An toàn giao thông- Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội, hiện nay, các trường đã triển khai nhiều biện pháp để chống ùn tắc giao thông nơi cổng trường như tổ chức bến đợi, nhà chờ, tổ chức đội thiếu niên sao đỏ nhắc nhở, hướng dẫn giao thông, ... nhưng trên thực tế số trường bố trí được chỗ cho phụ huynh chờ đón con em chưa nhiều, vẫn còn nhiều bất cập, lộn xộn khu vực các cổng trường. Thống kê sơ bộ có hơn 200 hàng quán, và điểm trông giữ xe trái phép quanh khu vực các trường học, đại học ở trung tâm Hà Nội. Tình trạng này cần phải được xử lý triệt để. Ngoài ra, lực lượng chức năng cần triển khai đồng bộ, hiệu quả quy chế phối hợp, cắm biển cấm dừng đỗ xe trước trường học để hạn chế ùn tắc; cần bố trí lại điểm dừng đỗ xe buýt cho phù hợp....

Sáng kiến chống “kẹt”

Trước đây, khu vực ngã tư Thái Thịnh (quận Đống Đa) là một trọng điểm ùn tắc giao thông, do đường phố chật hẹp lại tập trung đông phụ huynh tụ tập trước cổng trường tiểu học Thái Thịnh đưa đón con cháu. Thế nhưng, điểm nóng này giờ đây đã được cải thiện đáng kể do nút giao thông được cải tạo mở rộng và nhà trường bố trí " bến đợi" cho phụ huynh trong sân trường.

Trường tiểu học Thái Thịnh đã kẻ vạch, phân làn, cắm biển báo, phân chia khu vực cho phu huynh đưa đón học sinh theo từng khối học trong sân trường nên đã tránh được tình trạng lộn xộn, ùn tắc cả trong và ngoài cổng trường. Đặc biệt, giờ cao điểm phụ huynh đón con buổi chiều, trường tổ chức phân làn đường một chiều, lối ra vào khác nhau nên rất trật tự. Anh Vũ Tiến Phương, nhân viên bảo vệ cho biết, việc này đã được nhà trường thực hiện vài năm nay để giảm ùn tắc ngoài cổng trường. “Nếu không phân làn như thế này thì trong sân cũng tắc không khác gì ngoài đường. Năm nay, nhà trường tuyên truyền, phổ biến cho phụ huynh ngay từ đầu năm nên phụ huynh chấp hành tốt, vừa giảm được ùn tắc mà an ninh trong trường cũng được đảm bảo. Việc bố trí giờ tan học chênh nhau 15 phút cũng làm giảm đáng kể mật độ phương tiện trong và ngoài cổng trường” - anh Phương nói.

Một số trường không có sân rộng để bố trí " bến đợi", "nhà chờ" cho phụ huynh nhưng lại có sáng kiến khác như cho các cháu xếp hàng đi dọc phố để bố mẹ nhận con như trường Trường Tiểu học Bình Minh. Trường Mầm non Tháng 8 ở số 3 phố Nhà Chung (Hoàn Kiếm) lại bố trí địa điểm để phụ huynh xếp xe lên vỉa hè vào trường đón con... Đặc biệt, một số trường có điều kiện đã tổ chức xe đưa đón học sinh như trường Đoàn Thị Điểm, trường Lômônôxốp (huyện Từ Liêm) vừa giảm mật độ phương tiện tham gia giao thông vừa thuận tiện, an toàn cho phụ huynh và học sinh.

Cắm biển cấm - giải pháp bất khả thi?

Trước sự phát sinh các điểm nóng ùn tắc giao thông ở cổng trường học, mới đây, Sở Giao thông đã cắm biển cấm dừng đỗ tại một số cổng trường học nguy cơ ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc cắm biển cấm dừng đỗ trước một số cổng trường hay xảy ra ùn tắc do cha mẹ tụ tập với lý do mà họ đưa ra là do các cháu còn nhỏ nên phụ huynh buộc phải tiếp cận gần cổng trường. Họ cho rằng, thay cho việc cấm dừng đỗ, ngành chức năng cần phối hợp với nhà trường tìm địa điểm phù hợp với điều kiện thực tế để phụ huynh chờ đón các cháu.

Cũng vì lý do trên, mặc dù một số trường đã có biển cấm dừng đỗ hoặc thông báo trên loa phóng thanh vào giờ tan học đề nghị phụ huynh không được dừng đỗ xe trước cổng trường nhưng nhiều phụ huynh vẫn không chấp hành. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng mới chỉ nhắc nhở, nhưng chưa xử phạt nghiêm minh.

Trong khi chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông khu vực cổng trường, thì việc ký cam kết xây dựng "cổng trường an toàn", "phủ xanh cổng trường" cùng với việc nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ và các quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho người dân, nhất là các bậc phụ huynh cùng với sự vào cuộc của lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực các trường học chắc hẳn sẽ giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cổng trường...

>> Đón đọc "Văn hóa giao thông Hà Nội - Bài 2: Tuyên chiến với giao thông 'bản năng'" trên Thethaovanhoa.vn.

Tuyết Mai - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm