Vĩnh Phúc: Khôi phục, phát triển làng nghề sau dịch

18/06/2020 11:30 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn)- Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thời điểm này, không khí sản xuất tại các làng nghề khá nhộn nhịp, người dân phấn khởi bắt nhịp trở lại cuộc sống thường ngày.

Chú thích ảnh
Các hộ dân làm nghề đan lát ở làng nghề mây tre đan xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch tích cực sản xuất sau dịch Covid-19.

Trước khi xuất hiện dịch Covid-19, mỗi tháng, gia đình anh Triệu Văn Chiến ở thôn Hương Ngãi, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch thu mua khoảng 5.000 sản phẩm mây tre đan của làng nghề để xuất bán đi Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Anh Chiến cho biết: “Trước kia, gia đình tôi trực tiếp sản xuất các sản phẩm mây tre đan, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, tôi thu mua sản phẩm của người dân đem bán ở các tỉnh khác. Các sản phẩm như rổ, rá, thúng, mủng, nong, nia… của làng nghề có độ bền và tính thẩm mỹ cao, thường làm đến đâu, tiêu thụ hết tới đó, nhiều khi không đủ bán.

Chú thích ảnh
Cơ sở sản xuất đồ mộc của gia đình anh Kim Văn Chung ở thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên trở lại hoạt động bình thường.

Vậy mà, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, sản phẩm người dân làm ra không tiêu thụ được, lượng hàng xuất đi giảm tới 70%, lượng hàng tồn kho lớn. Khoảng 2 tháng nay, sau khi dịchCovid-19 cơ bản được kiểm soát, Chính phủ kêu gọi nhân dân thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa sản xuất, kinh doanh, vừa chống dịch hiệu quả, người dân lại tích cực sản xuất các sản phẩm của làng nghề truyền thống.

Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng mây tre đan của người dân sau dịch Covid-19 tăng cao không chỉ giúp chúng tôi “xả” hết lượng hàng tồn kho mà còn nhập thêm nhiều hàng mới để bán. Hiện nay, không khí sản xuất tại làng nghề mây tre đan ở địa phương khá nhộn nhịp.

Vào các buổi sáng và chiều tối, các cụ già, trẻ em lại ngồi quây quần dưới sân nhà hay bóng cây để đan lát. Nghề mây tre đan đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương, lao động phụ với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng”.

Nhờ kết quả tích cực từ công tác phòng, chống dịch Covid -19, các hộ sản xuất, kinh doanh ở làng nghề mộc thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên cũng bắt đầu hoạt động trở lại. Anh Kim Văn Chung, chủ cơ sở sản xuất đồ mộc trên địa bàn thị trấn cho biết: "Bình thường, gia đình tôi sử dụng 4 - 5 lao động, nhưng trong thời điểm xuất hiện dịch Covid-19, công việc tại xưởng gỗ ít, các thành viên trong gia đình tranh thủ sản xuất nông nghiệp hoặc làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập.

Trước khi diễn ra dịch bệnh, cửa hàng giao dịch hàng hóa trung bình khoảng 200 triệu đồng/tháng, trong những tháng dịch bệnh giảm còn một nửa. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng khách đặt hàng rất ít”.

Hiện nay, gia đình anh Chung đang từng bước khôi phục lại sản xuất, lượng đơn đặt hàng đã tăng dần. Anh Chung nhập thêm nguyên liệu về sản xuất, thiết kế các sản phẩm mới, đa dạng, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Anh Chung kỳ vọng, tháng 8/2020 tới, dự báo nhu cầu thị trường đối với sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ sẽ tăng mạnh. Anh sẽ tận dụng thời điểm này để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đem lại doanh thu cho cửa hàng.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Lãng Lưu Văn Thực cho biết: “Do tác động của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của các hộ dân làm nghề mộc ở địa phương bị giảm sút. Khi dịch bệnh có dấu hiệu lắng xuống, chính quyền địa phương khuyến khích các hộ dân khôi phục lại sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, thị trấn đang đẩy nhanh việc đưa các hộ dân làm nghề mộc ra khu làng nghề đã được quy hoạch nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân sản xuất, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường làng nghề”.

PTTT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm