Vĩnh Phúc: Hỗ trợ HTX ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ sản xuất

02/06/2020 11:32 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn)- Thiếu nguồn lực hỗ trợ, thiếu vốn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, hoạt động SXKD mang tính thời vụ, phải thu hồi vốn trong thời gian ngắn, thiếu tính chủ động trong việc xây dựng phương án, kế hoạch hoạt động dài hạn... là những nguyên nhân khiến cho nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gặp khó khăn trong việc ứng dụng, đổi mới, chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất.

Chú thích ảnh
Mô hình sản xuất than sinh học của HTX Phú Cường ở thôn Phú Cường, xã Lãng Công (Sông Lô, Vĩnh Phúc). Ảnh: BVP

Hiện toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 446 HTX đang hoạt động hiệu quả với hơn 108.570 thành viên, trong đó có 401 HTX đã thực hiện chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX 2012.

Các HTX ngày càng phát triển về quy mô và hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống cho các thành viên và hộ nông dân, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT - XH các địa phương trong tỉnh.

Có thể kể đến một số mô hình HTX hoạt động tích cực, hiệu quả sau chuyển đổi, như: Mô hình HTX nông nghiệp liên kết sản xuất với các hộ thành viên và doanh nghiệp, gắn với chuỗi giá trị tiêu thụ nông sản; mô hình HTX công nghệ cao với quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn, sản xuất ra nông sản sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và liên kết với DN từ khâu sản xuất đến tiêu thụ...

Bên cạnh đó, nhiều HTX chủ động tích tụ ruộng đất, hình thành nên các cánh đồng mẫu lớn, mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị; tăng cường liên doanh, liên kết với DN đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, vật tư đầu vào, hình thức tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm...

Tuy nhiên, trong sự cạnh tranh của nền sản xuất hàng hóa, đòi hỏi các HTX cần đẩy mạnh việc ứng dụng, đổi mới, tích cực chuyển giao KHCN để nâng cao hiệu quả, tính bền vững trong quá trình tổ chức sản xuất, tạo ra các chuỗi liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đa dạng các sản phẩm đặc trưng, mũi nhọn, có giá trị hàng hóa cao.

Nhằm đánh giá cụ thể thực trạng phát triển nguồn lực về KHCN tại các HTX trên địa bàn tỉnh, năm 2019, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Vĩnh Phúc triển khai đề tài khoa học, tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về nhu cầu hợp tác, ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ của các HTX trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, 300 HTX trong tỉnh đã được lấy phiếu điều tra về thực trạng phát triển nguồn lực khoa học công nghệ, tình hình lao động, vốn sản xuất, cơ cấu ngành nghề và công nghệ sản xuất, tình hình thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhu cầu hợp tác, ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ.

Kết quả cho thấy, hầu hết các HTX đều chưa tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu KHCN cấp cơ sở, cấp tỉnh và có khoảng 35% số HTX đã hợp tác với các tổ chức KHCN triển khai các mô hình sản xuất thí điểm, như: Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc, Trung tâm Giống vật nuôi Vĩnh Phúc triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi.

100% HTX được khảo sát có nhu cầu hợp tác, ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ với sự hỗ trợ của nhà nước hoặc sẵn sàng bố trí nguồn lực tài chính để đầu tư, thay đổi trang thiết bị, đổi mới công nghệ nếu có các tổ chức, chuyên gia trong lĩnh vực KHCN hỗ trợ tư vấn.

Với nguồn vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng huy động từ các thành viên và sự hỗ trợ của các ban, ngành chức năng trong tỉnh, năm 2017 HTX Phú Cường, xã Lãng Công (Sông Lô) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng gồm 10 lò đốt than, khu chứa nguyên liệu, nhà kho đóng gói và bảo quản than thành phẩm; mua sắm một số máy móc, trang thiết bị đồng bộ, bán tự động phục vụ sản xuất, như: Máy sàng, dàn máy sấy, máy ép, băng chuyền, xe xúc lật...

Nhờ nguồn nguyên liệu mùn cưa sẵn có, giá thành rẻ, quy trình chế biến khép kín, sản phẩm than sinh học của HTX Phú Cường ngày càng chinh phục được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh với những đặc tính hữu ích, an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường.

Hiện nay, HTX Phú Cường duy trì sản lượng bình quân hơn 20 tấn than sinh học mỗi tháng. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm HTX đạt doanh thu từ 400 - 500 triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 4 - 6 lao động với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng và 6 - 8 lao động thời vụ với mức thu nhập 180.000 đồng/người/ngày.

Theo anh Nguyễn Văn Phương, Chủ nhiệm HTX Phú Cường, mặc dù HTX đã tích cực ứng dụng, đổi mới công nghệ trong quá trình sản xuất, song khó khăn lớn nhất của HTX vẫn là việc huy động vốn góp của thành viên còn hạn chế, tiếp cận với các nguồn vốn vay hỗ trợ của Nhà nước vướng nhiều thủ tục.

Hệ thống lò đốt than, dây chuyền sản xuất không thể liên tục đổi mới do giá trị đầu tư quá cao khiến HTX khó có thể đáp ứng được các đơn đặt hàng với khối lượng sản phẩm lớn trong một thời gian ngắn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao hiệu quả và năng lực SXKD của đơn vị, hạn chế đáng kể sức cạnh tranh của sản phẩm than sinh học.

Đây chỉ là một trong những ví dụ cho thấy những hạn chế của việc ứng dụng, đổi mới, chuyển giao KHCN tại các HTX trên địa bàn tỉnh. Thực tế hiện nay vẫn còn không ít HTX có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa gắn việc nâng cao hiệu quả sản xuất với tìm hiểu, đánh giá nhu cầu của thị trường, còn lúng túng trong việc xây dựng phương án SXKD.

Phần nhiều HTX còn yếu về nội lực tài chính, cơ sở hạ tầng phục vụ SXKD lạc hậu, trình độ, năng lực tổ chức, quản lý của đội ngũ cán bộ còn hạn chế... khiến cho việc ứng dụng, chuyển giao KHCN vào sản xuất chưa đạt hiệu quả.

Để tiếp tục hỗ trợ các HTX tăng cường ứng dụng, đổi mới, chuyển giao KHCN trong quá trình sản xuất, nhất là các HTX có đủ năng lực tài chính, có nhu cầu hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ, các ban, ngành chức năng, địa phương trong tỉnh cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ; tích cực triển khai các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các kết quả nghiên cứu, tiến bộ KHKT.

Trên cơ sở đó, tăng cường triển khai và nhân rộng các mô hình SXKD ứng dụng công nghệ mới, hoạt động hiệu quả. Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu về KHCN, tổ chức triển khai nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào hoạt động SXKD phù hợp với mô hình HTX và điều kiện thực tế của các địa phương.

PTTT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm