Vì sao bánh chưng xuất hiện trong ngày Tết của người Việt Nam?

23/01/2020 10:49 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) -  Tại sao không thể thiếu bánh chưng trong mâm cỗ ngày Tết? Điều này xuất phát từ truyền thuyết mà không phải ai cũng biết. Bài viết cũng chia sẻ cách bảo quản bánh chưng để không bị ôi thiu.

Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông trên đảo Sinh Tồn

Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông trên đảo Sinh Tồn

Cứ mỗi dịp xuân đến, quân dân trên đảo Sinh Tồn lại tổ chức đón tết sớm trên đảo. Để tạo không khí ấm áp, hương vị tết của đất liền cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Sinh Tồn quây quần bên nhau gói bánh chưng.

Tết của người Việt Nam nhất thiết phải có mâm cỗ, là các món ăn đặc biệt mà ngày thường ít có. Mâm cỗ cúng tổ tiên bao giờ cũng thịnh soạn với đầy đủ màu sắc khác nhau.

Và trong mâm cỗ ấy, không thể thiếu bánh chưng. Bánh chưng thể hiện tinh hoa của trời đất, lòng thành của con cháu dâng lên tổ tiên.

Truyền thuyết về bánh chưng

Bánh chưng Tết cũng thể hiện được chữ hiếu của người con với cha mẹ. Bánh chưng được gói thành từ nhiều lớp lá, cẩn thận, nhẹ nhàng bao bọc lấy lớp nhân bên trong một cách gọn gàng như lòng mẹ luôn bao bọc và chở che cho các con.

Vì thế, phong tục dùng bánh chưng làm quà biếu dâng lên cha mẹ cũng từ đây mà có.

Chú thích ảnh
Sự tích bánh chưng xuất hiện từ đời vua Hùng

Theo truyền thuyết, bánh chưng có từ thời vua Hùng Vương thứ 6. Sau khi phá xong giặc Ân, vua muốn truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu xuân, mới hội các con mà bảo rằng: “Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”.

Các con trai đua nhau kiếm của con vật lạ, hy vọng được làm vua. Người con trai thứ mười tám của Hùng Vương thứ 6 là Lang Lèo (tên chữ gọi là Tiết Liêu), tính tình thuần hậu, chí hiếu, song vì mẹ mất sớm, không có người mẹ chỉ vẽ cho, nên rất lo lắng không biết làm sao.

Anh bỗng nằm mơ thấy Thần Đèn bảo: “Vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, là thức ăn nuôi sống con người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”.

Lang Lèo (sau có người gọi Lang Liêu) tỉnh dậy, mừng rỡ làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp, đậu xanh thật tốt, thịt lợn (heo) ba rọi dày thật tươi.

Đến hẹn, các lang (con vua) đều đem cỗ tới, đủ cả sơn hào hải vị. Lang Lèo chỉ có bánh dầy bánh chưng. Vua lấy làm lạ hỏi, ông đem thần mộng tâu lên. Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Lèo, tức đời vua Hùng Vương thứ 7.

Từ đó, cứ đến Tết nguyên đán hay các đám cưới, đám tang, dân gian bắt chước làm theo, sau thành tục lệ để cúng Tổ tiên, cúng Trời đất.

Nguyên liệu của bánh chưng gắn liền với nền công nghiệp lúa nước

Cùng với truyền thuyết xa xưa ấy, chiếc bánh chưng gói ghém trong đó cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước thời bấy giờ.

Bên ngoài của chiếc bánh chưng là lá dong gói có sẵn trong tự nhiên, bên trong được chế biến từ gạo nếp, đậu xanh, hành, thịt heo... đều là những nguyên liệu nấu ăn truyền thống của dân tộc.

Chú thích ảnh
Nguyên liệu nấu bánh chưng được chuẩn bị công phu

Bánh chưng độc đáo, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc còn ở những vật liệu và cách gói, cách nấu. Lúa gạo thì tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước, nhiệt đới, nóng và ẩm, được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau, mang tính đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam hay Đông Nam Á.

Bước chuẩn bị công phu và cách nấu bánh chưng ngày Tết:

Lá dong: rửa từng lá thật sạch hai mặt và lau thật khô. Rửa càng sạch bánh càng đỡ bị mốc về sau. Trước khi, gói lá dong được người gói bánh dùng dao bài mài thật sắc (loại dao nhỏ chuyên dùng để gọt), cắt bỏ bớt cuộng dọc sống lưng lá để lá bớt cứng, để ráo nước. Một số vùng vẫn hay dùng lá chuối, trước khi gói nhúng nước sôi để dẻo. Lau thật khô trên lá, cắt cạnh nhỏ vừa gói bánh.

Gạo nếp: nhặt loại bỏ hết những hạt gạo khác lẫn vào, vo sạch, ngâm gạo ngập trong nước cùng 0,3% muối trong thời gian khoảng 12-14 giờ tùy loại gạo và tùy thời tiết, sau đó vớt ra để ráo. Có thể xóc với muối sau khi ngâm gạo thay vì ngâm nước muối.

Chú thích ảnh
Bánh chưng được làm rất công phu

Đỗ xanh: Giã nhuyễn, ngâm nước ấm 40° trong 2 giờ cho mềm và nở, đãi bỏ hết vỏ, vớt ra để ráo. Nhiều nơi dùng đỗ hạt đã đãi vỏ trong khi những nơi khác cho vào chõ đồ chín, mang ra dùng đũa cả đánh thật tơi đều mịn. Sau đó chia ra theo từng nắm, mỗi chiếc bánh chưng được gói với hai nắm đậu xanh nhỏ. Cũng có một số nơi nhét sẵn thịt lợn vào giữa nắm đỗ.

Thịt lợn: Thịt heo đem rửa để ráo, cắt thịt thành từng miếng cỡ từ 2,5 đến 3 cm sau đó ướp với hành tím xắt mỏng, muối tiêu hoặc bột ngọt khoảng hai giờ cho thịt ngấm.

Khâu chuẩn bị nguyên liệu, vật liệu cho bánh chưng đặc biệt quan trọng để bánh có thể bảo quản được lâu dài không ôi thiu hay bị mốc. Thịt ướp dùng nước mắm, vo nếp không sạch, đãi đậu không kỹ hay rửa lá còn bẩn, không lau khô lá trước khi gói đều có thể khiến thành phẩm chóng hỏng.

Độc đáo hơn nữa, khi nấu trong một thời gian khá dài thường trên 10 tiếng, phải để lửa râm râm, bánh mới ngon. Nấu bằng lò gas, tuy nhanh, nóng quá cũng sẽ không ngon.

Vì được gói bằng lá dong, bánh chưng vừa xanh vừa đẹp, thơm hơn lá chuối. Phải gói thật kín, không cho nước vào trong, bánh mới ngon. Lạt phải buộc thật chật, chắc; gói lỏng tay, ăn không ngon. Song nếu chắc quá, bánh cũng không ngon.

Tuy gọi là luộc (người Việt Nam thích luộc, người Trung Quốc thích quay), nhưng vì nước không tiếp xúc với vật liệu được luộc, nên lại là hình thức hấp hay chưng (chưng cách thủy), giữ nguyên được chất ngọt của gạo, thịt, đậu.

Có lẽ vì cách chế biến bằng chưng, nên mới gọi là bánh chưng. Vì thời gian chưng lâu nên các hạt gạo mềm nhừ quyện lấy nhau, khác hẳn với xôi khi người ta “đồ”, khi hạt gạo nhừ quyện vào nhau như thế, người ta gọi bánh chưng “rền”.

Vì nấu lâu như thế, các vật liệu như thịt (phải là thịt vừa nạc vừa mỡ mới ngon; chỉ thịt nạc, nhân bánh sẽ khô), gạo, đậu đều nhừ. Cũng vì thời gian chưng lâu, khiến các chất như thịt, gạo đậu nhừ, có đủ thời gian chan hòa, ngấm vào nhau, trở thành hương vị tổng hợp độc đáo, cũng mang một triết lý sống chan hòa, hòa đồng của dân tộc ta.

Cách chế biến như thế rất độc đáo, công phu. Bánh chưng có thể để lâu được. Khi ăn bánh chưng, người ta có thể chấm với các lọai mật hay với nước mắm thật ngon, giàu chất đạm; cũng có thể ăn thêm với củ hành muối, củ cải dầm hay dưa món…

Hơn nữa, bánh chưng Tết còn có ý nghĩa lớn về mặt dinh dưỡng. Với các nguyên liệu vô cùng bổ dưỡng như gạo nếp, đỗ xanh và thịt heo bánh chưng cung cấp rất nhiều vi chất và vitamin bổ dưỡng cho cơ thể.

Cụ thể như đỗ xanh chứa chất thanh nhiệt giải độc, giảm các hiện tương sưng tấy làm bánh chưng có vị thanh giúp cân bằng với độ béo của thịt và đồ nếp. Bên cạnh đó, gạo nếp cung cấp lượng tinh bột lớn đồng thời là một thực phẩm rất tốt cho gan.

Cách bảo quản bánh chưng ngày Tết để không bị ôi thiu:

Bảo quản ở điều kiện bên ngoài

Bước 1: Bánh chưng sau khi được nấu chín, bạn nên sử dụng nước sôi để nguội rửa lại bánh nhằm rửa sạch các chất nhựa trong lá.

Bước 2: Treo bánh tại nơi thoáng mát giúp bánh khô ráo hoàn toàn.

Bước 3: Cuối cùng bạn đặt bánh lên một tấm bìa và dùng vật nặng ém bánh chặt lại hơn.

Với cách bảo quản này có thể bảo quản được bánh chưng khoảng 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, còn tuỳ thuộc vào khâu gói bánh có buột chặt không, điều kiện môi trường ở từng nơi mà thời gian có thể chênh lệch.

Chú thích ảnh
Bánh chưng thường được ăn kèm củ kiệu

Bảo quản trong tủ lạnh

Để bánh được bảo quản lâu bạn cần để bánh còn nguyên vẹn lá gói vào ngăn đá tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó. Sau khi cắt bạn dùng màng bọc thực phẩm bao kín bánh lại và đặt vào tủ.

Bảo quản bánh trong ngăn đá tủ lạnh có thể để được khoảng 15 đến 20 ngày.

Lưu ý khi bảo quản bánh chưng:

- Lá gói bánh dù là lá dong hay lá chuối đều cần phải rửa kĩ, trụng qua nước sôi và để ráo nước, như vậy bánh sẽ giữ được lâu hơn.

- Sử dụng dao sạch để cắt bánh, tránh tình trạng dao còn bám thực phẩm hay bụi, dính vào bánh, như vậy dễ gây ra nấm mốc bên trong bánh.

- Khi bánh xuất hiện nấm mốc nhẹ, thường thì lớp nấm này chỉ mới bám bên ngoài lá gói, bạn hơ bánh trên lửa nhằm loại bỏ nấm mốc, dùng màng bọc thực phẩm gói bánh lại là bạn có thể tiếp tục bảo quản.

- Nếu bánh có tình trạng lại gạo (nếp bị khô, cứng), bạn có thể mang bánh đi luộc (nếu chưa bóc bỏ lớp vỏ) hay hấp lại bánh.

- Sử dụng lò vi sóng hoặc hấp lại trước khi ăn thay vì rán bánh: Nhiều gia đình thường xử lý bánh bị cứng hay mốc bằng cách rán lại với dầu mỡ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên: mỗi lần ăn, gia đình nên làm nóng bánh chưng bằng lò vi sóng hoặc hấp lại.

Nên hạn chế rán bánh vì như vậy đã làm tăng thêm lượng chất béo (dầu hoặc mỡ) vào khẩu phần ăn trong dịp Tết - không có lợi cho sức khoẻ nhất là đối với người bị bệnh béo phì hoặc bị bệnh tim mạch.

A.N (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm