Tìm thấy mảnh vỡ nghi của tên lửa bắn rơi MH17: 'Vết thuốc súng' sẽ xác định ai là kẻ có lỗi

12/08/2015 05:50 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà điều tra Hà Lan xem xét vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 của hãng Malaysia Airlines ở Đông Ukraine vừa cho biết họ đang kiểm tra một số mảnh vỡ thu hồi tại hiện trường, có thể thuộc về hệ thống tên lửa đất đối không BUK.

Ngày 11/8, Cơ quan công tố Hà Lan đã ra thông báo chính thức về việc này.

“Có thể thuộc về hệ thống tên lửa Buk”

"Trong hoạt động hợp tác với Ủy ban An toàn Hà Lan (DSB), Đội điều tra hỗn hợp (JIT) đã kiểm tra nhiều mảnh vỡ, với nguồn gốc có thể từ hệ thống tên lửa đất đối không Buk. Các mảnh vỡ này đã được thu gom trong một nhiệm vụ thu hồi diễn ra tại đông Ukraine và đang nằm trong tay đội điều tra MH17 cùng DSB" – thông báo nêu rõ.

Đội điều tra nói rằng các mảnh vỡ này khiến họ “đặc biệt quan tâm”, do có thể hé lộ ánh sáng về việc ai đã bắn rơi chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines. “Vì lý do đó JIT sẽ kiểm tra thêm về nguồn gốc của các mảnh vỡ này” – thông báo cho biết.


Những dấu vết cho thấy MH17 đã bị các vật thể chứa năng lượng cao lao trúng.

Chi tiết mảnh vỡ có thể là mới, nhưng khả năng MH17 bị tên lửa bắn rơi không khiến nhiều người ngạc nhiên. Trong báo cáo điều tra sơ bộ công bố hồi năm ngoái, DSB kết luận rằng chiếc máy bay “đã vỡ tung trên trời, sau khi bị trúng các “vật thể năng lượng cao””. Báo cáo chính thức của DSB dự kiến sẽ được công bố trong tháng 10.

MH17 bị rơi tại vùng ngoại ô thành phố Donetsk trong ngày 17/7/2014, khi đang trên đường từ Amsterdam, Hà Lan, tới Kuala Lumpur, Malaysia. Chính quyền Ukraine và quân ly khai miền Đông đã đổ lỗi cho nhau trong vụ bắn hạ chiếc máy bay, làm 298 người thiệt mạng. Các dân quân miền Đông nói rằng họ không có vũ khí đủ mạnh để bắn rơi chiếc máy bay, khi nó bay ở độ cao hành trình.

Hà Lan hiện đang lãnh đạo cuộc điều tra vì có 193 công dân đi trên chiếc máy bay. Hoạt động điều tra diễn ra khó khăn, do khu vực máy bay rơi từng xảy ra chiến sự. Đã có lúc cơ quan điều tra không thể tiếp cận được với điểm máy bay rơi. Một phần MH17 hiện đã được đưa về Hà Lan, tới căn cứ không quân Gilze-Rijen, để phục vụ cuộc điều tra.

Trong đội điều tra của DSB có cả các chuyên gia vũ khí và họ biết rõ thứ gì đã đâm trúng máy bay, dựa vào các mảnh vỡ được tìm thấy.  Theo lời Douglas Barrie, một chuyên gia hàng không quân sự tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, các nhà điều tra có nhiều khả năng sẽ xác định rằng đây là một mảnh vỡ của tên lửa Buk. Họ thậm chí còn có thể biết được quả tên lửa là phiên bản nào.

Cho tới nay, người ta vẫn chưa thể xác định rõ thứ gì đã bắn rơi MH17

Ngay sau khi tin này xuất hiện, một số tờ báo phương Tây đã hoan hỉ chỉ tay vào Nga. Các hãng tin như BBC, DW, trang tin như International Business Times đã lập tức thêm dòng chữ “thuộc về Nga” vào tin nói phía Hà Lan tìm thấy “mảnh vỡ nghi của tên lửa”.

Nhưng chính cơ quan điều tra vẫn chưa thể kết luận rằng có mối liên hệ giữa các mảnh vỡ này và vụ rơi MH17 hay không. “Cuộc điều tra vẫn tiếp tục và chúng tôi không thể phỏng đoán về kết cục cuối cùng của nó” – phát ngôn viên cơ quan công tố Hà Lan là ông Wim de Bruin cho biết.  

Trước đó, đã có cáo buộc Nga chuyển tên lửa Buk cho quân ly khai miền Đông Ukraine và họ đã dùng hệ thống này để bắn hạ MH17. Tuy nhiên cả quân ly khai lẫn phía Moskva đều bác bỏ giả thuyết này.

Hồi tháng 6, nhà sản xuất vũ khí Almaz-Antey của Nga đã công bố kết quả điều tra riêng về vụ MH17, cho thấy chiếc máy bay “bị bắn hạ bởi một hệ thống Buk-M1”. Tuy nhiên quả tên lửa hoạt động trên hệ thống này đã không còn được sản xuất ở Nga kể từ năm 1999, dù vẫn phục vụ trong quân đội Ukraine.

Được biết dù Nga và Ukraine đều có tên lửa Buk, vẫn có những khác biệt giữa các mẫu tên lửa của hai nước, giúp mang tới manh mối cho cơ quan điều tra về việc ai phải có trách nhiệm cuối. Ngoài ra, việc xác định tên lửa bắn đi từ đâu có thể còn gồm việc tìm hiểu xem nó đã lao trúng MH17 từ hướng nào.

Hiện cơ quan an toàn Hà Lan cho biết sẽ cung cấp thêm thông tin về mảnh tên lửa, khi công bố báo cáo chính thức cuối cùng. Ngoài việc xem xét mảnh tên lửa, họ còn làm rõ cả hoạt động ra quyết định, đã khiến MH17 mạo hiểm đi qua vùng chiến sự.

Trong những ngày trước khi MH17 bị bắn rơi, Ukraine đã bị quân ly khai bắn rơi vài chiếc máy bay. Những chiếc này thường bị bắn ở độ cao thấp hơn MH17. Ukraine đã hạn chế các chuyến bay thương mại đi vào không phận nước này, dù lệnh hạn chế không áp dụng với độ cao mà MH17 hoạt động.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm