Tiêu điểm trong ngày: Bức tường 'không khoan nhượng'

16/02/2019 16:03 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bất chấp khả năng sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý dài hơi, thậm chí cho tới cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp, ông chủ Nhà Trắng Donald Trump rạng sáng 16/2 (theo giờ Hà Nội) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có được khoản ngân sách xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico mà không cần Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Mỹ: Thỏa thuận ngân sách an ninh biên giới không bao gồm tiền xây dựng bức tường

Mỹ: Thỏa thuận ngân sách an ninh biên giới không bao gồm tiền xây dựng bức tường

Ngày 12/2, hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời một trợ lý tại Quốc hội Mỹ cho biết thỏa thuận "về nguyên tắc" mà hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vừa mới đạt được trong các cuộc đàm phán về vấn đề ngân sách an ninh biên giới, nhằm tránh tái diễn một đợt đóng cửa chính phủ, bao gồm 1,37 tỷ USD cho việc thiết lập một hàng rào dọc biên giới phía Nam.

Tuyên bố trên cho thấy lập trường kiên định cũng như quyết tâm “đi đến cùng” của ông chủ Nhà Trắng trong cuộc “so găng” không khoan nhượng với đảng Dân chủ để thực hiện những cam kết và mục tiêu mà ông đã đề ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.

Sau sự kiện Tổng thống Trump đọc bản thông điệp liên bang, những bất đồng và mâu thuẫn giữa đảng Con Voi (biểu tượng của đảng Cộng hòa) và đảng Con Lừa (biểu tượng của đảng Dân chủ) tưởng như đã dần được hóa giải vì một mục tiêu chung - đó là “nước Mỹ trước tiên”. Ít nhất thì chính phủ Mỹ đã có thể hoạt động trở lại toàn bộ sau thời gian phải đóng cửa một phần dài nhất từ trước tới nay. Việc Tổng thống Trump rút khỏi “cuộc chiến” đóng cửa chính phủ hồi cuối tháng 1 vừa qua, có thể coi là một sự nhượng bộ đầy bất ngờ, mở đường cho các cuộc đàm phán với các nghị sĩ về biện pháp giải quyết vấn đề an ninh dọc theo biên giới Mỹ và Mexico.

Chú thích ảnh
Dòng người di cư tại khu vực biên giới Mỹ-Mexico ở San Diego, bang California (Mỹ) ngày 18/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, việc quốc hội lưỡng viện sau đó thông qua các gói chi tiêu bao gồm một khoản ngân sách nhất định cho vấn đề an ninh biên giới, dù không phải là con số ông chủ Nhà Trắng yêu cầu, cũng được hiểu như cách để xoa dịu căng thẳng liên quan vấn đề bước tường biên giới.

Tuy nhiên, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trên của Tổng thống Trump khiến chính trường Mỹ lại dậy sóng trở lại, đồng thời cũng cho thấy cuộc đối đầu giữa Nhà Trắng và phe Cộng hòa với phe Dân chủ chưa bao giờ lắng dịu, thậm chí là “không khoan nhượng”. Tổng thống Trump rõ ràng không chấp nhận “xuống nước”, bất chấp những cảnh báo và đe dọa rằng ông sẽ phải đối mặt với thách thức pháp lý.

Động thái của Tổng thống Trump vấp phải sự phản đối, chỉ trích gay gắt từ đảng Dân chủ, cho rằng ông đã lạm dụng quyền lực về chi tiêu của chính phủ. Trong một tuyên bố chung, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết phe Dân chủ sẽ xem xét các giải pháp của mình và sẽ chuẩn bị đáp trả một cách hợp lý. Tuyên bố của phe Dân chủ nhấn mạnh: “Việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia là hành động bất hợp pháp, vi phạm trắng trợn quyền hạn của tổng thống và là một bước đi liều lĩnh nhằm né tránh thực tế là Tổng thống Trump đã phá vỡ lời hứa bắt Mexico phải chi trả tiền cho bức tường biên giới của ông”.

Theo Đạo luật các tình huống khẩn cấp quốc gia năm 1976 của Mỹ, Tổng thống Trump có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia dọc biên giới phía Nam để giúp ông có thêm quyền lực hành pháp và xây bức tường biên giới. Với tuyên bố này, chính quyền Tổng thống Trump có thể huy động nguồn lực tài chính từ ngân sách xây dựng quân đội, quỹ dân sự của Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Nội địa để chuyển sang dự án xây dựng bức tường biên giới. Mặc dù Quốc hội Mỹ có quyền lực phủ quyết một tuyên bố như vậy, song cần sự đồng thuận từ cả Thượng viện và Hạ viện, điều khó có thể đạt được hiện nay khi đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện và đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện.

Như vậy, có thể thấy một “cuộc sống chung” không mấy dễ dàng giữa các nhánh quyền lực ở “Xứ sở cờ hoa” trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ với viễn cảnh giằng co, so kè giữa hai bên dẫn tới sự bế tắc trong tiến trình thông qua các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump, đã hiện hữu. Điều này cũng đã được dự báo ngay sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 khi cán cân quyền lực được chia đều cho hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

“Cuộc chiến” giữa chính quyền Tổng thống Trump và phe Dân chủ bắt đầu từ những bất đồng liên quan đến khoản ngân sách hơn 5 tỷ USD xây dựng bức tường dọc biên giới giữa Mỹ và Mexico. Tổng thống Trump, kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, luôn coi cam kết tranh cử xây dựng bức tường biên giới phía Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu và hành động cần thiết để ngăn dòng người nhập cư từ các nước Trung Mỹ, ngăn chặn tình trạng buôn bán ma túy và tội phạm xâm nhập vào Mỹ.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong nhiều bất đồng khiến Quốc hội Mỹ rơi vào thế đối đầu khi cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có những mục tiêu chính trị của riêng mình và lợi ích đảng phái trong nhiều trường hợp được đặt trên lợi ích của người dân. Trong bối cảnh cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa đều đang hướng tới cuộc bầu cử năm 2020, dường như sự cạnh tranh và đối đầu giữa hai bên cũng càng lộ rõ. Hành động của Tổng thống Trump vì thế càng khiến thế giằng co với các nghị sĩ đảng Dân chủ  trở nên quyết liệt, cũng như báo hiệu nhiều bất ổn và mâu thuẫn trong thời gian sắp tới.

Hành động đơn phương và mang nặng quyền lực hành pháp kiểu này cũng sẽ khiến Tổng thống Trump phải đối mặt với nhiều thách thức bởi nó làm dấy lên hoài nghi về việc đây có thực sự là tình huống khẩn cấp hay chỉ là một chiến lược chính trị dựa trên sự bất đồng về quyền lực. Với Tổng thống Trump, khoản tiền hơn 5 tỷ USD, nếu nằm trong tổng ngân sách của Chính phủ Mỹ thì không hề lớn, song lại mang tính chất biểu tượng quan trọng cho những cam kết mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Việc phải rút lại đề xuất về bức tường biên giới, vì thế sẽ được xem là thất bại nặng nề của cả đảng Cộng hòa trước đảng Dân chủ bởi nếu từ bỏ nó, Tổng thống Trump có thể không bao giờ xây dựng được bức tường biên giới như cam kết và sử dụng nó cho chiến dịch tái tranh cử sắp tới.

Ngược lại, nếu đảng Dân chủ nhượng bộ, sức ép mà bà Pelosi phải đối mặt từ chính đảng của bà cũng rất lớn khi phải trả lời câu hỏi chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua giúp đảng Dân chủ giành được Hạ viện liệu có ý nghĩa gì? Như vậy, đây là cuộc đối đầu mang tính quyết định– một vấn đề sống còn đối với Tổng thống Trump cũng như đối với đảng Dân chủ, nói cách khác, cũng chính là “bức tường không khoan nhượng” khiến hai bên không thể hợp tác.

Có thể thấy chính trường Mỹ lại tiếp tục nóng lên với những rạn nứt ngày càng trở nên sâu sắc cũng như tính chất khốc liệt của cuộc đối đầu chính trị không có hồi kết này. Tình thế “không khoan nhượng” hiện nay sẽ còn tạo ra nhiều sóng gió và biến động trong thời gian tại nhiệm còn lại của Tổng thống Trump.

Đặng Huyền - Phóng viên TTXVN tại Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm