“Sắp xếp lại giang sơn” - bước chuyển mình lịch sử vì sự phát triển bền vững

01/07/2025 07:03 GMT+7 | Văn hoá

Ngày 1/7/2025, cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và cấp xã/phường. Đây không chỉ là một sự thay đổi về mặt tổ chức hành chính, mà là một cuộc cải cách thể chế sâu sắc, bước đột phá lớn trong cải cách hành chính, là tiền đề quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phục vụ nhân dân - hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Trước đó, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), cùng với nhiều luật, nghị quyết đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương hai cấp. Cả nước sắp xếp lại còn 34 tỉnh, thành phố và thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, gồm cấp tỉnh và xã. Đây là một trong những quyết sách mang tầm vóc lịch sử, có ý nghĩa chiến lược lâu dài để mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với bối cảnh đất nước trong kỷ nguyên mới.

“Sắp xếp lại giang sơn” - bước chuyển mình lịch sử vì sự phát triển bền vững - Ảnh 1.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính không chỉ mang lại một diện mạo mới cho hệ thống chính quyền địa phương mà còn mở ra một không gian phát triển rộng lớn và đầy triển vọng cho từng vùng, từng địa phương và cho cả quốc gia. Khi bộ máy hành chính được tổ chức lại một cách tinh gọn, đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả, công tác quản lý nhà nước sẽ được nâng cao rõ rệt. Các tầng nấc trung gian được rút ngắn đồng nghĩa với việc các quyết sách, chính sách sẽ đến gần hơn với người dân, phản ánh đúng hơn những yêu cầu, mong muốn từ thực tiễn đời sống. Từ đó, hiệu quả phục vụ của chính quyền địa phương được tăng cường, niềm tin của người dân đối với Nhà nước ngày càng được củng cố. Đây cũng là bước đi thể hiện tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng nền hành chính hiện đại, dân chủ và phục vụ.

Ngày 30/6/2025, 34 tỉnh, thành phố trong cả nước đã đồng thời làm Lễ công bố các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu.

Phát biểu tại Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành phố cùng các quyết định của Trung ương Đảng thành lập đảng bộ tỉnh và nhân sự lãnh đạo địa phương tại TP Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Đây không chỉ là sự kiện về mặt hành chính, mà là bước chuyển mình chiến lược, là đòi hỏi tất yếu khách quan của nhân dân và đất nước trong hành trình xây dựng những vùng động lực phát triển của quốc gia và khu vực, để xứng đáng với khát vọng "Việt Nam hùng cường vào năm 2045"”.

“Sắp xếp lại giang sơn” - bước chuyển mình lịch sử vì sự phát triển bền vững - Ảnh 2.

Đại biểu ấn nút thông qua các nghị quyết và luật. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tại Lễ công bố nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; các quyết định của Thành phố Hà Nội về việc triển khai tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch nước Lương Cường cũng nhấn mạnh: “Đây là một chủ trương lớn, đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, mang tính chiến lược lâu dài, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong việc xây dựng một nền hành chính tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. Đây không chỉ là việc điều chỉnh địa giới hành chính đơn thuần, mà còn là một bước đi có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, tổ chức và bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước”.

Trên nền tảng mới, các địa phương sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để huy động và phân bổ nguồn lực, quy hoạch không gian phát triển hài hòa, cân đối giữa đô thị và nông thôn, giữa kinh tế và môi trường, giữa tăng trưởng và công bằng xã hội. Việc mở rộng quy mô tỉnh, thành phố sẽ tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng các vùng động lực liên tỉnh, phát huy lợi thế liên kết vùng, tăng khả năng cạnh tranh quốc tế. Các khu đô thị lớn, hành lang kinh tế-kỹ thuật sẽ được quy hoạch lại một cách hợp lý hơn, kết nối hiệu quả hơn với hạ tầng giao thông và các chuỗi cung ứng hiện đại. Từ đó, mở ra cơ hội thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực mũi nhọn, như: công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp sinh thái và du lịch bền vững.

“Sắp xếp lại giang sơn” - bước chuyển mình lịch sử vì sự phát triển bền vững - Ảnh 3.

Đô thị Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Không chỉ tạo ra hiệu ứng tích cực về mặt tổ chức, mô hình chính quyền hai cấp còn mang lại luồng sinh khí mới cho đội ngũ cán bộ công chức. Tinh thần cải cách, tinh thần phục vụ, tinh thần gần dân, sát dân sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, đồng thời cũng là động lực để đội ngũ cán bộ đổi mới tư duy, nâng cao trình độ, gắn bó hơn với nhiệm vụ. Đó chính là lực lượng chủ lực để chuyển tải các chủ trương, chính sách đến với đời sống xã hội một cách nhanh chóng, hiệu quả và nhân văn hơn. Mô hình mới không chỉ giúp chính quyền hoạt động hiệu quả hơn mà còn tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng, giám sát và đánh giá chính sách công, qua đó, hình thành nên một nền hành chính dân chủ thực chất.

Cuộc cải cách thể chế lần này không chỉ khẳng định bản lĩnh chính trị vững vàng và quyết tâm đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, mà còn thể hiện tinh thần đồng thuận, tin tưởng và hưởng ứng mạnh mẽ từ Nhân dân. Đó là sự hội tụ của trí tuệ, ý chí và khát vọng vươn lên của cả dân tộc trong thời kỳ mới.

“Sắp xếp lại giang sơn” không đơn thuần là tổ chức lại ranh giới hành chính, mà là một hành động mạnh mẽ để tái thiết lập nền tảng quản trị quốc gia phù hợp với tương lai. Đó là sự chuyển mình đầy quyết đoán để đất nước có thể thích nghi, phát triển và bứt phá trong một thế giới đang thay đổi không ngừng. Đó cũng là minh chứng cho một Việt Nam không ngừng tiến lên, một Việt Nam hội nhập, đổi mới và phát triển bền vững, hướng tới những mục tiêu cao cả mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện.

 “Sắp xếp lại giang sơn” không chỉ là kết thúc của một hệ thống cũ, mà là khởi đầu cho một kỷ nguyên quản trị mới, mạnh mẽ hơn, hiện đại hơn và bền vững hơn.

Minh Duyên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm