Sách giáo khoa điện tử sẽ lên ngôi?

07/12/2011 13:27 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Một cuốn sách in với nội dung tuyến tính và tĩnh tại là một quan niệm của thế kỷ 15, nó không còn phù hợp với người học của thế kỷ 21 ngày nay, những con người đọc, xem, nghe và tương tác với các tài liệu học tập của mình.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, sách giáo khoa truyền thống đang dần trở nên lạc hậu và được thay thế bằng sách giáo khoa điện tử. Tiện ích của loại sách giáo khoa mới này đến đâu và tương lai phát triển của nó có khả quan?

Đó là những vấn đề được các chuyên gia quốc tế đưa ra tại Hội thảo Quốc tế sách giáo khoa thế kỷ 21 do NXB Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 tổ chức ngày 5/12/2011.

Sách giáo khoa phải biết… "động đậy"

Phát biểu tại hội thảo, bà Sherry Preiss, Phó Chủ tịch của Tổ chức Phát triển Quốc tế chuyên nghiệp Pearson, chia sẻ: “Khái niệm sách giáo ngày nay đã hoàn toàn thay đổi. Một cuốn sách giáo khoa phải sống và chuyển động, kiến tạo và sáng tạo những tri thức của người học, của giáo viên và cộng đồng. Đó là sách giáo khoa điện tử.

Có rất nhiều hình thức để số hóa sách giáo khoa. Tại Washington (Mỹ), trẻ em đi học và chơi với nhau bằng Ipad. Tại Uruguay, học sinh đi học không mang sách mà mang laptop. Hoặc dụng cụ có thể đơn giản hơn là điện thoại di động để kết nối với giáo viên và các thành viên trong lớp.


Trong tương lai SGK điện tử sẽ thay thế SGK in giấy

Theo bà Sherry Preiss, với công cụ này, học sinh có thể tạo dấu ấn cá nhân cho cuốn sách giáo khoa. Khi cần, chỉ việc gõ phím là có giáo viên hướng dẫn trực tuyến, liên kết tới những bài giảng bằng powerpoint chứa nội dung bổ trợ. Học sinh có thể khám phá các trò chơi hoặc hình hoạt họa và mô phỏng, tiếp cận các video, hội nghị truyền hình, thông tin từ các chuyên gia về môn học.

Sách số hóa có nội dung rất phong phú với thư viện ảo khổng lồ và học sinh có thể dễ dàng tương tác. Giáo viên có thể cùng lúc dạy nhiều loại sách, tìm kiếm tất cả các tài liệu giảng dạy, có thể ghi chú, phóng to thu nhỏ tùy chỉnh.

Đồng quan điểm này, ông Hoàng Văn Vân, Tổng Chủ biên bộ sách giáo khoa tiếng Anh dùng cho các trường phổ thông Việt Nam theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, cho rằng, công nghệ đã trở thành nhu cầu hng ngày và rất phổ biến. Có thể dùng máy tính dể truy cập nguồn tài nguyên thông tin bất tận có sẵn trên internet. Thông tin đó bao gồm tất cả các khía cạnh của kiến thức, từ những số liệu khoa học sơ bộ đến các triết lý của cuộc sống. Hầu như tất cả mọi thứ trước bao hàm trong một cuốn sách, nay có thể truy cập thông qua một máy tính. Tất cả những gì đã từng thuộc về sách giáo khoa giờ chỉ là một cú nhấp chuột.

Tuy nhiên, theo bà Sherry Preiss, thách thức đặt ra là sách giáo khoa số chưa phát triển. Sách giáo khoa số nghe có vẻ rẻ hơn sách giáo khoa truyền thống do không tốn mực in và giấy nhưng thực tế, nó không rẻ hơn do còn liên quan đến bản quyền nội dung, phần mềm.

Hơn nữa, người học cũng chưa sẵn sàng với loại sách này. Học sinh thích dùng điện thoại để chơi game và nhắn tin hơn để học và cho rằng đọc trên máy phức tạp và phiền hà.

Sách giáo khoa truyền thống vẫn chiếm lĩnh thị trường vì những đặc tính riêng của nó như cầm sách giáo khoa có thể cảm nhận được từng trang giấy, thấy nó gần gũi với mình hơn. “Như bản thân tôi vẫn thích sách giáo khoa truyền thống, bà Sherry Preiss cho biết.

"Số hóa" sách không đơn giản

Thí điểm sách điện tử cho giáo viên

Tại Việt Nam, theo ông Ngô Trần Ái, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, năm 2009, NXB đã tiến hành làm sách điện tử dành cho giáo viên. Tuy nhiên, do mới thí điểm nên cách làm còn thụ động trong khi khoa học công nghệ ngày càng tiến bộ nên tính thụ động trong bộ sách này lại càng tăng. Do đó, hiện NXB Giáo dục đang phối hợp với đối tác Hàn Quốc để làm lại bộ sách này. Riêng sách giáo khoa điện tử cho học sinh vẫn còn là một lĩnh vực hoàn toàn mới mà NXB Giáo dục đang nghiên cứu để có thể triển khai.

Chia sẻ kinh nghiệm sau nhiều năm làm sách giáo khoa số, đại diện NXB Vibal, Philippines, cho biết, việc số hóa sách giáo khoa tưởng như đơn giản, nhưng lại rất phức tạp và việc phát triển sách giáo khoa kỹ thuật số mang lại một loạt những mối lo âu mới về hầu hết mọi phương diện của chu trình phát triển loại sách này.

Thoạt nhìn, việc chuyển đổi sách in sang hình thức kỹ thuật số có vẻ như một công việc dễ dàng, chỉ cần chụp lại cuốn sách bằng máy quét và các hình ảnh này được hiển thị trực tiếp trên màn hình.

Tuy nhiên, yêu cầu đối với sách kỹ thuật số ngày càng cao hơn. Ban đầu, học sinh chỉ cần lật các trang như một cuốn sách thật. Nhưng sau đó các em muốn bôi màu làm nổi bật một số từ, đặt các chú thích hoặc ghi chú, muốn đánh dấu trang đã đọc lần trước…, nghĩa là làm tất cả những việc như các em có thể làm với một cuốn sách thật. Nhưng phần mục lục, học sinh lại muốn có tính năng của các trang được gắn kết với nhau theo một kiểu riêng biệt mà trong đó, mục lục liên kết đến các trang trong chương sách. Các em cũng muốn có thể lật nhanh chóng chứ không phải lật từng trang một. Thậm chí phức tạp hơn, học sinh còn muốn các hình ảnh và minh họa có thể phóng to và kích thước văn bản có thể điều chỉnh. Đây là động lực phát sinh ra vấn đề về việc thiết kế trang sách năng động.

Từ đây, việc chuyển đổi một cách đơn giản văn bản in không còn đáp ứng được nữa.

Vẫn chưa hết, học sinh muốn phải đọc ít hơn, nhiều loại tư liệu có tính tương tác (video, hình ảnh động, âm thanh), dễ dàng truy cập và có các siêu liên kết. Những điều này đòi hỏi phải viết lại cuốn sách và thay thế nội dung văn bản với các tư liệu có tính tương tác.

Sách truyền thống được sản xuất từ những bản thảo đơn giản thường được thực hiện bởi một tác giả duy nhất. Nhưng với sách điện tử, với các yêu cầu trên của người đọc, sẽ cần tới một nhóm đảm trách phát triển các tư liệu truyền thông đa phương tiện hoàn chỉnh để làm về hỉnh ảnh và minh họa, ghi âm và chỉnh sửa âm thanh, sản xuất và biên tập video, làm hoạt hình và thậm chí lập trình game.

Tuy nhiên, theo NXB Vibal, vấn đề nan giải nhất là bán hàng và phân phối với mối lo ngại lớn về bảo vệ nội dung. Vi phạm bản quyền kỹ thuật số là rất khó kiểm soát. Trong khi đó, nhiều học sinh không sẵn sàng trả tiền cho một mặt hàng không hữu hình như sách kỹ thuật số và không có thói quen trả tiền cho cho các nội dung trên internet.

Hoàng Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm