Quốc đảo Palau nằm ở đâu?

12/06/2009 10:02 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Kể từ khi có tin Cộng hòa (CH) Palau sẵn sàng tiếp nhận 17 nghi phạm người Uighur từ nhà tù Guantanamo, khá nhiều người tự hỏi không biết nước này nằm ở đâu.

Lịch sử phát triển

Trước hết về vị trí, CH Palau là một đảo quốc nằm ở Nam Thái Bình Dương, cách Philippines khoảng 800km về phía Đông, bao gồm 345 đảo, nhưng tổng diện tích chỉ vỏn vẹn có 508km2. Hầu hết đây là những đảo san hô, chỉ cao hơn mặt nước biển vài mét. Trong đó chỉ 9 đảo có người sinh sống.


Vị trí CH Palau

Hiện CH Palau có chưa đầy 21.000 dân, chủ yếu là người Palau (chiếm gần ba phần tư dân số), còn lại là người gốc Philippines, Trung Quốc... Ngôn ngữ chính ở đây là tiếng Anh và Palau, một thứ tiếng thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo (Austronesian) hiện chỉ có hơn 15.000 người sử dụng.

Những người Palau có lẽ đến từ Indonesia hoặc Polynesia và đã định cư trên quần đảo của họ vào khoảng năm 1000 trước Công nguyên. Năm 1543, nhà thám hiểm Tây Ban Nha Ruy Lopez De Villalobos phát hiện ra quần đảo này và tuyên bố nó thuộc chủ quyền của Tây Ban Nha. Sau đó, quần đảo Palau rơi vào tay người Đức (1899) rồi người Nhật (1914) trước khi Liên hiệp quốc giao quyền ủy trị cho phía Mỹ sau Thế chiến II. Năm 1978, các công dân trên đảo đã bỏ phiếu phản đối việc Palau gia nhập cái gọi là Liên bang Micronesia thuộc sự kiểm soát của Mỹ và đòi độc lập.


Người Palau rất hiền hòa và thân thiện

Năm 1994, Palau mới chính thức trở thành một quốc gia được Liên hiệp quốc công nhận. Trước đấy, do sức ép của Mỹ, Palau đã ký Hiệp ước Quan hệ tự do (Compact Of Free Association) với nước này. Theo đó, Mỹ tiếp tục giữ quyền chịu trách nhiệm về quốc phòng và ngoại giao cho Palau, đổi lại đảo quốc này được Mỹ viện trợ phát triển kinh tế tổng cộng 480 triệu USD trong vòng 15 năm. Nhờ khoản viện trợ đó cũng như dựa vào thế mạnh là một điểm du lịch khá đẹp ở Thái Bình Dương nên thu nhập bình quân đầu người của cư dân Palau lên đến 7.000 USD/năm. Thí dụ trong năm 2007, tổng cộng có 82.400 du khách từ khắp thế giới, tức là nhiều gấp 4 lần số dân của Palau, đến đảo quốc này để du lịch.

Trở thành tâm điểm chú ý

Năm 2006, chính phủ Palau quyết định dời thủ đô từ Koror về Melekeok, nằm trên đảo Babelthuap. Có thể đây là một trong số những thủ đô bé nhất thế giới, chỉ có hơn 400 dân, với nhiều đường phố còn đang xây dựng dang dở. Tuy nhiên thủ đô này lại có một trụ sở chính phủ hoành tráng, được xây theo kiểu tòa nhà Quốc hội trên đồi Capitol ở Mỹ.


Tòa nhà chính phủ CH Palau ở thủ đô Melekeok

Quốc đảo này hiện trở thành tâm điểm gây chú ý của thế giới khi hôm 10/6, Mỹ đã đạt được một thỏa thuận mà theo đó CH Palau đồng ý trở thành nơi “định cư tạm thời” cho 17 người Uighur - người Hồi giáo Trung Quốc - hiện đang bị giam giữ tại nhà tù quân sự Guantanamo của Mỹ ở Cuba. Có tin nói rằng để đổi lại sự chấp thuận trên, Mỹ sẽ viện trợ cho Palau đến 200 triệu USD.

Nhà Trắng sẵn sàng chi khoản tiền này bởi một trong những cam kết đầu tiên mà ông Barack Obama đưa ra sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ là đóng cửa nhà tù quân sự Guantanamo, nơi giam giữ những nghi phạm khủng bố được bắt giữ từ nhiều nơi, trước hết là ở Afghanistan và Iraq. Đây là điều vô cùng khó khăn, bởi các nước đều không muốn tiếp nhận số nghi phạm đó, đặc biệt với 17 người Uighur. Hồi năm 2006, một quốc gia có thiên hướng Hồi giáo ở châu Âu là Albania đã đồng ý nhận 4 người trong số này, nhưng sau đó phải rút lui vì áp lực của chính quyền Bắc Kinh.

Việc giờ đây CH Palau sẵn sàng nhận số nghi phạm đó là một bước quan trọng có thể giúp chính quyền của Tổng thống Obama thực hiện được lời hứa sẽ “giải tỏa” toàn bộ số tù nhân hiện còn bị giam giữ ở Guantanamo để đóng cửa nhà tù này vào đầu năm 2010. Những năm qua, nhà tù Guantanamo đã gây thiệt hại nặng nề cho uy tín của nước Mỹ khi nó giam giữ tù nhân mà không hề đưa ra xét xử và áp dụng nhiều hình thức tra tấn bị coi là trái với các công ước quốc tế.

Tổng thống CH Palau, Johnson Toribiong, cho biết quốc gia của ông đón nhận 17 người Uighur vì lý do nhân đạo, chứ không phải vì Palau chịu ràng buộc vào nước Mỹ theo tinh thần Hiệp ước Quan hệ tự do ký hồi năm 1994.

Từ tháng 8 năm ngoái, nước ta và CH Palau đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Đại sứ Việt Nam ở Philippines được cử làm Đại sứ không thường trú tại Palau và Đại sứ Palau ở Philippines làm Đại sứ không thường trú tại Việt Nam.

H.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm