Quảng Nam phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh

17/11/2016 19:31 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Quảng Nam là một trong các tỉnh ven biển và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cũng là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển.

 

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã chú trọng đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển. Tỉnh đang phấn đấu đến năm 2020, đưa kinh tế biển và vùng ven biển phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh; giảm nhẹ thiên tai và bảo vệ tốt môi trường sinh thái biển và vùng ven biển.

 

* Là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển

Với ngư trường rộng lớn trên 40.000 km2, thềm lục địa kéo dài 93 km, vùng biển Quảng Nam có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhiều loài thuộc loại quý hiếm. Đặc biệt, tỉnh có quần đảo Cù Lao Chàm - khu bảo tồn biển quốc gia và khu dự trữ sinh quyển thế giới với các hệ sinh thái đặc thù gồm quần thể san hô và các loài hải sản đa dạng, phong phú.

Bên cạnh đó, với chiều dài bờ biển trên 125 km và 2 cửa biển lớn là Cửa Ðại (gắn liền với phố cổ Hội An) và cửa An Hòa (gắn liền với Khu Kinh tế mở Chu Lai), cùng với các làng nghề truyền thống (làng chài Hà My, nước mắm Cửa Khe, Tam Hòa, Tam Hải…), các phong tục tập quán, lễ hội vùng biển (lễ hội cầu ngư, lễ hội làng nghề…) đã giúp Quảng Nam có lợi thế lớn để đầu tư phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái đa dạng.

Tận dụng lợi thế trên, trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã tập trung quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển, ven sông; nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt hải sản… đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Năm 2015, tổng sản lượng thủy sản đạt 97.666 tấn, tăng 6,4% so với năm 2014 (năm 2014 đạt 91.766 tấn, năm 2013 đạt 83.900 tấn, năm 2012 đạt 82.300 tấn…). Riêng 9 tháng đầu năm 2016 Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 68.300 tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015. Đội tàu khai thác hải sản Quảng Nam hiện có trên 3.900 tàu, thuyền cơ giới với tổng công suất trên 218.000 CV

Nhiều tour tuyến du lịch biển, khám phá đời sống dân cư ven biển được đưa vào khai thác và được nhiều du khách lựa chọn trải nghiệm như ngắm hoàng hôn trên sông Thu Bồn kết hợp khám phá đời sống của cư dân làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu, ngư dân Cửa Đại; khám phá Cù Lao Chàm…

Tỉnh cũng luôn chú trọng gắn phát triển kinh tế biển với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng-an ninh. Thế trận quốc phòng toàn dân trên biển với sự gắn kết liên hoàn 3 tuyến biển-đảo-bờ và lực lượng bảo vệ biển, đảo được xây dựng vững mạnh cả về tổ chức, biên chế và trang bị. Riêng lực lượng dân quân tự vệ biển, tỉnh đã có đề án xây dựng lực lượng ở 18 xã, phường và 2 đơn vị quốc doanh, được bố trí trên cả 3 tuyến (khơi, lộng và gần bờ) để sẵn sàng phối hợp với các lực lượng thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển và giữ vững ổn định chính trị vùng biển. Các công trình phòng thủ dọc tuyến ven biển và trên các đảo cũng được tỉnh đầu tư xây dựng khá kiên cố.

* Đưa kinh tế biển và vùng ven biển giữ vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế

Trong định hướng phát triển, Quảng Nam đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, đưa kinh tế biển và vùng ven biển phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng ven biển; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh; giảm nhẹ thiên tai; bảo tồn, tái tạo nguồn lợi, bảo vệ tốt môi trường sinh thái biển và vùng ven biển.

Theo đó, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cả hai nhiệm vụ là phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh; tập trung nguồn lực để phát triển mạnh mẽ Khu Kinh tế mở Chu Lai; các khu công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ, bến cảng, các khu đô thị ở khu vực ven biển; chú trọng phát triển vùng và liên kết vùng, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác với tỉnh Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng và các địa phương trong khu vực vành đai Trung Trung bộ; tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh cho các hoạt động kinh tế như nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm, trạm dự báo thời tiết, khí hậu, cảnh báo sóng thần, động đất cùng với các phương tiện, trang thiết bị bổ trợ để khuyến khích người dân ra biển làm kinh tế; củng cố, duy tu, bảo dưỡng các công trình phòng thủ ven biển… ./.

Minh Hiếu (tổng hợp)
[Nguồn: Tỉnh Quảng Nam, TTXVN]

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm