Nhìn lại lịch sử 'chết chóc' của Tomahawk, tên lửa đa nhiệm bậc nhất thế giới

16/04/2018 15:23 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 14/4/2018, Mỹ đã sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công nhiều mục tiêu tại Syria. Trong tuyên bố chính thức, bộ Quốc phòng Mỹ cho biết liên quân Anh-Pháp-Mỹ đã bắn tổng cộng 105 tên lửa nhằm vào các mục tiêu tại Syria.

Như vậy, lần này Mỹ lại tiếp tục sử dụng tên lửa Tomahawk để tấn công Syria. Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ tập kích Syria bằng tên lửa. Một năm trước, vào đêm 6 rạng sáng ngày 7/4/2017, Hải quân Mỹ cũng đã phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào Căn cứ không quân Shayrat ở miền Trung Syria.

Tomahawk - tên lửa đa nhiệm

Loại tên lửa hành trình Tomahawk này được coi là niềm tự hào của hải quân Mỹ trong suốt những thập niên gần đây. Loại vũ khí này hiện đang được trang bị chủ yếu trên tàu chiến mặt nước và tàu ngầm.

Năm 1983, General Dynahmics trình làng tên lửa hành trình Tomahawk thế hệ đầu tiên (Block I), định danh BGM-109. BGM-109 được đưa vào thực chiến từ năm 1991 trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh. Hiện bản Tomahawk mới nhất là thế hệ thứ 4 (Block IV). Loại được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay là tấn công mặt đất (TLAM Block IV).

Chú thích ảnh
Các tên lửa Tomahawk đã mang lượng thuốc nổ nặng gần 30 tấn tới mục tiêu. Nguồn: AFP

Tên lửa Tomahawk được thiết kế theo mẫu máy bay cánh đơn - thân tên lửa là ống trụ tròn, hai cánh chính có thể gấp lại và được lắp ở trọng tâm tên lửa và bốn cánh ổn định đuôi hình chữ thập. Thân tên lửa được chế tạo từ hợp kim nhôm, một số các bộ phận và bề mặt khí động học của tên lửa được chế tạo từ nhựa tổng hợp graphite-epoxy và trong suốt đối với các sóng radio.
Với trọng lượng 1.300 kg và chiều dài 5,56 m với phiên bản thường và trọng lượng 1.600 kg, chiều dài 6,25 m với phiên bản tăng cường, Tomahawk mang được đầu đạn nặng 450 kg hoặc đầu đạn hạt nhân W80. Phạm vi hoạt động của phiên bản tiêu chuẩn khoảng 2.500 km ở phiên bản tiêu chuẩn.

Ở thời điểm hiện tại, tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk vẫn được coi là "ngôi sao" sáng nhất trong số những loại tên lửa mà quân đội Mỹ đang sử dụng. Tuy chỉ bay với tốc độ cận âm nhưng nhờ khả năng né tránh linh hoạt hệ thống phòng thủ của đối phương nên Tomahawk dễ dàng bắn hạ các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương. Với khả năng mang theo đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân, Tomakawk có khả năng phá hủy lớn hơn rất nhiều so với dáng vẻ bề ngoài của nó.

Trên thực tế, Tomahawk là một trong những tên lửa đa nhiệm bậc nhất thế giới. Với khả năng bắn từ mặt đất, trên tàu chiến hay tàu ngầm hoạt động dưới đáy biển, Tomahawk dễ dàng tham chiến ở mọi chiến trường. Thua kém nhiều so với các loại tên lửa khác về tốc độ nhưng khả năng bay theo sự điều khiển là thế mạnh vượt trội của Tomahawk.

Ngay sau khi rời bệ phóng, các chuyên gia vũ khí có thể điều khiển tên lửa Tomahawk thông qua hệ thống định vị toàn cầu. Trong trường hợp tự hành theo lịch trình được cài đặt sẵn, tên lửa Tomahawk vẫn nhận các tín hiệu trực tiếp từ vệ tinh hoặc hệ thống do thám tối tân của Mỹ để dễ dàng bắn hạ mục tiêu mà không gặp phải bất kể sự cản trở nào của đối phương.

Chú thích ảnh
Tàu khu trục Mỹ phóng Tomahawk nhằm vào Syria vào tháng 4/2017.

Dù tầm bắn lên tới 2.500 km và tốc độ 880 km/h, Tomahawk vẫn có thể thay đổi mục tiêu khi đang di chuyển. Cặp cánh dài độc đáo giúp Tomahawk linh hoạt trong quá trình bay. Không bay theo đường thẳng mà có khả năng di chuyển qua những “điểm mù” của radar phòng không đối phương giúp khả năng sống sót của Tomahawk rất cao.

Trên thực tế, phát hiện Tomahawk bằng radar hay các thiết bị quét hồng ngoại là việc rất khó. Thêm vào đó, hệ thống dẫn đường phức tạp, tích hợp nhiều công nghệ khác nhau giúp Tomahawk trở nên chính xác vượt trội trong mọi điều kiện tác chiến. Thậm chí, gần như chắc chắn Tomahawk biết nó đang bay ở địa hình nào, độ cao bao nhiêu với sai số 1m trên 1.000m đường bay.

Không chỉ vậy, Tomahawk còn có thể đọc địa hình theo chiều thẳng đứng để so sánh với bản đồ số được nạp sẵn, giúp tên lửa di chuyển an toàn và chính xác hơn. Hệ thống so sánh điện tử với mắt thần còn giúp Tomahawk lao vào mục tiêu với sai số dưới 10m. Sau khi nạp sẵn dữ liệu mục tiêu, hệ thống điện tử của Tomahawk sẽ so sánh cách bức ảnh mà mắt thần chụp lại để xác định mục tiêu.

Tomahawk còn sở hữu hệ thống định vị toàn cầu GPS, giúp xác định vị trí tên lửa và quỹ đạo bay. Bên cạnh đó, khả năng kết nối và cập nhật thông tin mục tiêu từ các thiết bị do thám khác giúp đảm bảo khả năng bắn hạ. Chính vì lẽ đó, Tomahawk có khả năng bắn lọt qua cửa sổ của căn nhà mục tiêu.

Những lần tên lửa Tomahawk được sử dụng:

- Năm 1991, trong Chiến tranh vùng Vịnh, Hải quân Mỹ bắn tổng cộng 288 quả Tomahawk.

- Năm 1993, 46 tên lửa Tomahawk đã được bắn đi, nhắm vào cơ sở hạt nhân Zafraniyah của Iraq.

- Năm 1998, 415 tên lửa Tomahawk được Mỹ sử dụng trong Chiến dịch Cáo sa mạc, nhắm vào các mục tiêu của quân đội Iraq.

- Năm 1999, trong Chiến dịch Lực lượng đồng minh can thiệp vào Nam Tư cũ, các tàu chiến của Mỹ và tàu ngầm Anh đã bắn tổng cộng 218 tên lửa Tomahawk.

- Năm 2003, Iraq tiếp tục bị tấn công trong khi Mỹ phát động chiến dịch quân sự can thiệp vào quốc gia này. Hơn 802 tên lửa đã được sử dụng trong giai đoạn đầu.

- Năm 2009, Mỹ bắn 2 tên lửa Tomahawk nhắm vào các mục tiêu nghi là căn cứ của khủng bố Al-Qaeda ở Yemen.

- Năm 2011, Mỹ và NATO phát động chiến dịch Bình minh Odyssey can thiệp vào công việc nội bộ của Libya. Trong ngày đầu tiên, lực lượng Anh - Mỹ đã bắn tổng cộng 124 tên lửa Tomahawk.

- Năm 2014, 47 tên lửa Tomahawk được Mỹ bắn đi nhằm vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

- Năm 2016, Mỹ bắn 5 tên lửa Tomahawk vào 3 trạm radar của lực lượng Houthi ở Yemen, trả đũa việc các tàu chiến Mỹ bị nhắm bắn tên lửa chống hạm.

- Tháng 4-2017, Mỹ bắn 59 tên lửa Tomahawk từ hai tàu khu trục USS Ross và USS Porter hoạt động ở Địa Trung Hải vào một căn cứ không quân của Syria.

Tại sao Mỹ chọn tên lửa Tomahawk để không kích Syria?

Tại sao Mỹ chọn tên lửa Tomahawk để không kích Syria?

Được mệnh danh là "sứ giả chiến tranh", tên lửa Tomahawk luôn giữ vai trò mở màn khi Mỹ tham chiến. Tên lửa này có khả năng bắn trúng mục tiêu quan trọng có giá trị cao của đối phương với sai số cực nhỏ.

TTXVN/Trọng Đức (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm