Nhà giáo Vinh Hương: 'May mắn và vinh dự nhất đời tôi là 5 lần được gặp Bác Hồ'

18/11/2016 15:40 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Là nữ hiệu trưởng đầu tiên của trường cấp III Hàn Thuyên (nay là trường THPT Hàn Thuyên, thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), nhà giáo Vũ Thị Vinh Hương quê ở Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp trồng người.

Hơn 60 năm đứng trên bục giảng và công tác trong ngành giáo dục, nhà giáo Vinh Hương luôn khắc ghi lời dạy đầu tiên của Bác Hồ, bởi với bà, đó là ý thức trách nhiệm, là động lực ngay khi bước chân vào nghề.

Sau chiến thắng Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bà Vinh Hương trở thành giáo sinh sư phạm khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ Giáo dục mở. Khóa học cấp tốc đào tạo 84 giáo viên Tiểu học cơ bản, đặt nhờ tại trường Kỹ nghệ Thực hành đường Careau (nay là đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Vào lễ bế giảng khóa học cuối tháng 2/1946, bà Vinh Hương vinh dự được gặp Bác Hồ lần đầu tiên và cũng là lần bà ấn tượng nhất.

Bà nhớ lại, khi nghe tin Bác Hồ đến thăm, cả lớp ai nấy đều vui sướng, háo hức, xen lẫn chút hồi hộp, mong đến ngày để được gặp Chủ tịch nước. Lễ bế giảng ngày ấy giản dị nhưng không kém phần trang trọng, tất cả các giáo sinh ăn mặc chỉnh tề, tay cầm cờ, hoa đón Bác. Hẹn 8 giờ Bác đến nhưng tất cả giáo sinh háo hức xếp hàng ngay ngắn từ sáng sớm. Đúng 8 giờ kém 5 phút, Bác bước vào hội trường.


Nhà giáo Vũ Thị Vinh Hương. Ảnh: Thanh Thương-TTXVN

Bà Vinh Hương xúc động nhớ lại: “Hôm ấy, Bác mặc bộ kaki đã bạc màu, đôi giày cao su cũ. Bác bước vào trong lễ đài, chúng tôi giơ cờ hoa vẫy, Bác nhìn trìu mến khắp lượt từng người một. Ánh mắt Người vừa hiền dịu, vừa nghiêm trang, khiến tôi vừa cảm động vừa thấy tự hào”.

Vinh dự được chọn là 1 trong 8 học sinh tiêu biểu đứng ở hàng danh dự đón Bác, bà có cơ hội được nhìn Bác rất rõ và không thể quên được hình ảnh mộc mạc, giản dị của Bác.

Bà Hương vẫn nhớ như in lời Bác dặn: “Các cô, các chú là những giáo viên khóa đầu tiên được đào tạo, là những chiến sỹ giáo dục đầu tiên của đất nước còn non trẻ. Đói, dốt không thể nào đánh giặc được, muốn độc lập phải no bụng, phải sáng trí. Đất nước ta còn nghèo, dân ta còn nhiều người mù chữ, không biết chữ, thế nhưng trước mắt hay lâu dài sau này, giáo dục phải được coi là sự nghiệp hàng đầu để xây dựng đất nước”.

Sau lời dặn dò của Bác, tràng pháo tay kéo dài không ngớt, vòng người trước lễ đài cứ quây tròn nhỏ dần lại. Mọi người quên hết lễ nghi, ai cũng muốn đứng gần Bác hơn một chút để được ngắm và nghe Bác nói cho rõ.

Với bà Vinh Hương, lời của Bác tại buổi lễ chính là bài học về vai trò, trách nhiệm của người giáo viên, là hành trang quý báu đầu tiên để bước vào nghề giáo. Bà luôn tâm niệm, dù trong bất cứ thời kỳ thời điểm nào của đất nước, gian khổ hay hòa bình, mỗi giáo viên phải đều là “những chiến sĩ giáo dục”, ý thức được trách nhiệm tiên phong trong sự nghiệp trồng người.

Tháng 7/1949, Pháp chiếm toàn bộ tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Ninh, Bắc Giang), Ty Giáo dục tỉnh Hà Bắc (tức Sở Giáo dục tỉnh) do yêu cầu công tác cho phép một số giáo viên chuyển ngành. Bà Vinh Hương lên công tác tại An toàn khu ở Việt Bắc, tham gia vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Cũng tại đây, bà có cơ hội được gặp Bác thêm 4 lần nữa, được chụp ảnh cùng Bác, được Bác tặng thơ, máy hát, bột mỳ và tặng báo để đọc… Bà Vinh Hương xúc động nói: “May mắn và vinh dự nhất cuộc đời tôi là 5 lần được gặp Bác Hồ.

Những món quà nhỏ, những câu chuyện thân tình như cha con, bác cháu, cách ứng xử, những câu nói, cử chỉ của Người khiến tôi không thể nào quên. Những kỷ niệm ấy sẽ theo tôi đi suốt cuộc đời. Hình ảnh của Người chính là tấm gương, là động lực cho tôi vượt qua những năm tháng khó khăn, gian khổ”.

Sau chiến thắng Nghĩa Lộ (Yên Bái) năm 1952, bà Vinh Hương rời Việt Bắc quay trở lại Hà Bắc, tiếp tục với sự nghiệp giáo dục còn dang dở lúc trước. Trải qua nhiều cương vị công tác trong ngành giáo dục, đến năm 1980 bà nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực tham gia công tác khuyến học và giáo dục tại địa phương.

Bà Vinh Hương chia sẻ: Trong suốt cuộc đời công tác tại ngành giáo dục, tôi luôn khắc ghi lời dạy của Bác. Nghề giáo không lúc nào được ngừng học. Quyết định chọn nghề khi có lòng yêu nghề, say nghề nhưng phải thật có tâm để luôn hoàn thiện bản thân, hoàn thành sự nghiệp trồng người. Đó chính là “kim chỉ nam” hoạt động của tôi trong suốt hơn 60 năm qua.

TTXVN/Diệp Trương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm