Mỗi ngày Trái Đất bị phá bởi 500.000 quả bom nguyên tử Mỹ từng rải xuống Hiroshima

22/11/2018 11:56 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Thế giới vẫn chưa hành động đủ nhanh và mạnh để ứng phó với sự ấm lên của Trái Đất và cần ngay lập tức giải quyết thực trạng này. Đây là tuyên bố được Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đưa ra tại Hội nghị biến đổi khí hậu trực tuyến diễn ra ngày 21/11, theo sáng kiến của Quần đảo Marshall.

WMO: Nhiều vùng đất có thể bị nước biển nhấn chìm do biến đổi khí hậu

WMO: Nhiều vùng đất có thể bị nước biển nhấn chìm do biến đổi khí hậu

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với đài Sputnik, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), bà Elena Manaenkova cho rằng nếu không có các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu thì tới cuối thế kỷ này, nhiều vùng đất sẽ bị ngập trong nước.

TTK LHQ Guterres cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới cần kiềm chế sự ấm lên trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời hoan nghênh sáng kiến của Quần đảo Marshalls trong việc tổ chức hội nghị biến đổi khí hậu sử dụng công nghệ trực tuyến nhằm duy trì lượng carbon bằng 0, coi đây là ví dụ của tư duy sáng tạo cần có để chống biến đổi khí hậu.

Theo ông, thế giới cần tăng cường những tư duy sáng tạo kiểu này để chuyển đổi nền kinh tế cũng như hạn chế mức tăng nhiệt càng gần mức 1,5 độ C càng tốt.

Chú thích ảnh
Khí thải phát ra từ một nhà máy tinh luyện đường ở bang Queensland, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

TTK LHQ nêu rõ biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn các hành động của các nước trên thế giới, do đó, không thể có thêm bất kỳ sự chậm trễ nào nữa. Thế giới đang kỳ vọng Hội nghị LHQ về chống biến đổi khí hậu (COP 24), dự kiến diễn ra tại thành phố Katowice, miền Nam Ba Lan, vào tháng tới, có thể hồi sinh Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thông qua hồi năm 2015 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút lui khỏi hiệp định này.

Cũng tại hội nghị, cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore (An Go) bày tỏ rằng cách con người ứng xử với hành tinh của mình là "không thể tưởng tượng nổi" khi thế giới vẫn đang thải ra 110 triệu tấn chất và khí gây ô nhiễm và làm nhiệt độ toàn cầu nóng lên. Toàn bộ mức năng lượng bổ sung do các chất và khí gây ô nhiễm và làm Trái Đất nóng lên mà con người tạo ra tương đương với mức nhiệt lượng thoát ra từ 500.000 quả bom nguyên tử, như quả bom Mỹ từng rải xuống Hiroshima năm 1945, phát nổ trên Trái Đất mỗi ngày.

Trong khi đó, Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Maria Fernanda Espinosa cho rằng lượng carbon dioxide (CO2) hiện nay đang ở mức cao nhất trong vòng 800.000 năm qua. Trong số 18 năm thế giới ghi nhận nền nhiệt nóng kỷ lục, có tới 17 năm xảy ra sau năm 2001 và riêng trong năm ngoái, thiệt hại do thiên tai gây ra đã là hơn 500 tỷ USD. Tuy nhiên, bà Espinosa khẳng định vẫn chưa quá muộn để hành động.

Theo Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ, thông điệp mà bà đưa ra không chỉ gây thất vọng mà còn ẩn chứa hy vọng bởi khi thực sự hoảng sợ trước những con số "biết nói" trên thì cộng đồng quốc tế sẽ chung tay đoàn kết nhằm bảo vệ và "chữa lành" hành tinh cũng như gìn giữ nó cho thế hệ tương lai.

Hội nghị khí hậu trực tuyến diễn ra trực tiếp trên mạng trong suốt 24 giờ. Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau, sẽ có bài phát biểu tại hội nghị trước khi các nhà tổ chức đưa ra tuyên bố vào sáng 23/11.

TTXVN/Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm