Lạnh gáy với nguy cơ mất kiểm soát vũ khí hạt nhân

12/12/2014 07:03 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Thế giới hiện có cả chục ngàn vũ khí hạt nhân, nằm trong tay 9 quốc gia. Con số này trông có vẻ nhỏ nhưng quản lý chúng lại là chuyện không hề dễ dàng và thực tế thế giới đã có nhiều lần suýt gặp tai nạn lớn liên quan tới vũ khí hạt nhân.

Khi một quả bom nguyên tử rơi xuống sân nhà ông Walter Gregg ở Nam Carolina vào năm 1958, nó đã để lại một miệng hố lớn, giết chết vài con gà, phá nát chiếc xe hơi hiệu Chevrolet và khiến vợ chồng ông bị thương nhẹ.

Nhiều lần bom nguyên tử suýt phát nổ vì tai nạn

Lần đó, quả bom rơi khỏi chiếc máy bay ném bom B-47 sau khi Đại úy phi công Bruce Kulka vô tình giật cần mở cửa khoang bom, đã chưa được gắn ngòi nổ. Nhưng trong các sự cố khác, chỉ nhờ may mắn mà thế giới mới thoát khỏi một vụ tai nạn nổ bom hạt nhân.

Các sự kiện đó đã được Eric Schlosser nêu ra trong hội nghị quốc tế về vũ khí nguyên tử được tổ chức trong tuần này ở Vienna, Áo. Ông là một nhà văn người Mỹ, đã bỏ ra 6 năm nghiên cứu về các vụ tai nạn liên quan tới vũ khí hạt nhân và tổng kết lại trong cuốn sách Command and Control. "Chúng ta đã rất may mắn khi ra khỏi Chiến tranh Lạnh mà không có một vụ tai nạn gây nổ vũ khí hạt nhân nào" - Schlosser nói với các đại biểu - "Vấn đề với may mắn là nó thường không kéo dài mãi".


Erich Schlosser, tác giả cuốn Command and Control nói về nguy cơ mất kiểm soát vũ khí hạt nhân

Trong vụ tai nạn diễn ra vào năm 1961, một chiếc B-52 đã vỡ tung trên trời và xoay vòng trong không khí. Lực ly tâm hình thành trong vụ tai nạn khiến cho một quả bom khinh khí đã gắn ngòi nổ bay ra khỏi máy bay xuống Bắc Carolina. "Chỉ có đúng một công tắc trong quả bom đã ngăn nó không phát nổ và tạo ra tác động hủy diệt mạnh hơn hàng trăm lần quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima vào năm 1945" - Schlosser nói.

Năm 1968, một chiếc B-52 khác chở theo 4 quả bom khinh khí đã bị rơi gần căn cứ không quân Thule ở Greenland, Đan Mạch. Trong tai nạn đó, các phần thuốc nổ thông thường nằm quanh lõi hạt nhân của quả bom đã phát nổ, nhưng may là không làm kích hoạt quả bom. Dù vậy, plutinium phóng xạ đã bị phát tán ra một khu vực rộng lớn và người ta không bao giờ có thể thu hồi 1 quả bom hạt nhân bị thất lạc.

Năm 1980, Zbigniew Brzezinski, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, bị dựng dậy vào lúc 2 giờ 30 phút sáng với thông báo rằng 220 quả tên lửa Nga đang bay tới Mỹ. Chỉ mấy giây sau, thông tin đã chuyển thành 2.200 quả tên lửa.

Brzezinski đang chuẩn bị gọi điện cho Tổng thống Jimmy Carter và các đội lái máy bay ném bom Mỹ đã bắt đầu khởi động động cơ, khi lệnh báo yên được ban ra. Hóa ra tín hiệu báo động đã hình thành từ một con chíp lỗi có giá chưa đầy 0,5 USD.


Một trong số các quả bom hạt nhân bị rơi ra trong vụ tai nạn rơi máy bay B-52 của Mỹ ở Palomares, Tây Ban Nha, vào năm 1966

Những rủi ro của thời kỳ mới

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ cách nay 25 năm, các kho vũ khí hạt nhân trên thế giới đều bị cắt giảm số lượng. Sự tiến bộ về công nghệ và các biện pháp an ninh cũng làm giảm khả năng xảy ra tai nạn. Mỹ cho biết các tên lửa của nước này giờ được điều chỉnh để bắn ra giữa biển trong tình huống có tai nạn. Các máy bay chiến đấu Mỹ bay tuần tra cũng không còn mang theo vũ khí hạt nhân nữa.

Tuy nhiên thế giới vẫn có 16.300 vũ khí hạt nhân đang nằm trong tay 9 nước trên thế giới, với 1.800 trong số đó sẵn sàng được bắn lên trong một thời gian ngắn. Các chuyên gia nói rằng chỉ riêng việc tên lửa có thể bắn lên trong thời gian ngắn đã là vấn đề gây quan ngại lớn, bởi nó làm tăng rủi ro bắn nhầm do bất cẩn. "Nga đã giảm thời gian bắn tên lửa nhờ tự động hóa quy trình bắn. Bộ chỉ huy của Nga đặt ở Moskva giờ chỉ cần vài giây để bắn tên lửa ra khỏi hầm chứa đặt ở xa tới tận Siberia" - Bruce Blair, cựu sĩ quan kiểm soát tên lửa nay làm việc ở Đại học Princeton, cho biết.

Ngoài ra, các đầu đạn hạt nhân có thể hiện đại hơn nhưng thiết bị mang chúng gồm tên lửa, máy bay và tàu ngầm lại lạc hậu so với thời đại nên tai nạn vẫn có thể xảy ra. Năm 2009, 2 tàu ngầm hạt nhân Anh và 1 tàu ngầm hạt nhân Pháp được cho là đã đụng nhau. Tờ Daily Express của Anh đưa tin trong tuần này rằng đã có 44 vụ cháy trên các tàu ngầm của Hải quân Anh trong 4 năm qua.

Cuối cùng, còn phải kể tới nguy cơ tấn công mạng nhằm vào các hệ thống vũ khí hạt nhân, một mối nguy vốn không xuất hiện dưới thời Chiến tranh Lạnh. Camille M. Francois, một chuyên gia về an ninh mạng tại Trường luật Harvard nói rằng "do mức độ tự động hóa cao", các vũ khí hạt nhân đã trở nên dễ bị tấn công mạng.

Bà cũng nói rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn mang tư tưởng của những năm 1980, chỉ tập trung tìm kiếm một tay hacker đơn độc nhưng có đầu óc bệnh hoạn như trong phim WarGames (1983). "Ngày hôm nay, mối đe dọa không còn là những đứa trẻ quậy phá nữa. Đó là những quốc gia đã đầu tư rất lớn vào chiến tranh mạng. Đây là một dạng chiến trường mới, một dạng chiến tranh mới" - bà nói.

Tiếp xúc với hãng tin AFP, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Fitzpatrick nói rằng việc chưa có vụ nổ hạt nhân nào xảy ra cho thấy những người trông coi vũ khí đã làm việc rất nghiêm túc. Nhưng Schlosser không được lạc quan như thế. "Bom nguyên tử là thứ vũ khí nguy hiểm nhất chúng ta từng tạo ra. Công nghệ này chưa từng nằm dưới sự kiểm soát của chúng ta ngay từ thời kỳ đầu" - ông nói.

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm