Kỷ niệm 60 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 -12/10/2020): Dấu ấn về bản tin đầu tiên

09/10/2020 07:40 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây đúng 60 năm, ngày 12/10/1960, Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) đã chính thức ra đời sau bản tin đầu tiên được phát đi. Từ đó, chính thức thực hiện “sứ mệnh” thông tin vẻ vang, duy trì mạch thông tin thông suốt từ chiến trường miền Nam đến đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế.

60 năm Thông tấn xã giải phóng: 'GP10' cho trận đánh cuối cùng, là tấm gương sáng

60 năm Thông tấn xã giải phóng: 'GP10' cho trận đánh cuối cùng, là tấm gương sáng

Mùa Thu lại về gợi nhớ sự ra đời của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) được đánh dấu bằng việc phát tin đầu tiên vào ngày 15/9/1945 bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử 2/9/1945.

Sau một thời gian ngắn chuẩn bị về lực lượng và phương tiện, đúng 19h ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), qua chiếc máy phát sóng 15W, TTXGP đã phát đi bản tin đầu tiên của mình. Bản tin tiếng Việt có tiêu đề là Giải phóng xã (GPX), phát đối ngoại với hô hiệu tiếng Anh là LPA phát trên sóng điện 31 mét. Dưới tiêu đề có ghi “Tiếng nói chính thức của những người yêu nước miền Nam Việt Nam”.

Lúc này, TTXGP chỉ là đơn vị kỹ thuật truyền tin có khoảng 10 người gồm những cán bộ và thanh niên yêu nước đến từ các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Trong lời ra mắt, TTXGP trịnh trọng thông báo cho quốc dân đồng bào và bè bạn trên thế giới: “Thông tấn xã Giải phóng là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam”.

2 tháng sau đó, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. TTXGP đã nhanh chóng chuyển toàn bộ văn kiện của Mặt trận ra Việt Nam Thông tấn xã, từ đó phát ra thế giới để thông báo về một tổ chức chính trị có quyền trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam để cổ vũ, tập hợp mạnh mẽ mọi tầng lớp nhân dân miền Nam yêu nước chống Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Chú thích ảnh
Điện báo viên B8 TTXGP đang thu phát tin. Ảnh: Tư liệu TTXGP

Gần 60 năm đã qua nhưng với điện báo viên Đoàn Văn Thiều, nguyên Phó Văn phòng TTXGP, buổi chiều ngày 12/10/1960, buổi phát bản tin đầu tiên của TTXGP tại căn cứ Chàng Riệc vẫn như mới vừa hôm qua. Ông Thiều nhớ lại: Lúc đó, đơn vị mới thành lập, cơ sở vật chất chưa có gì. Những người có mặt tại buổi phát tin đầu tiên đó chỉ có anh Ba Đỗ (Đỗ Văn Ba), anh Dựng (Phùng Văn Dựng), anh Song (Đặng Văn Song), anh Khuê (Võ Văn Khuê), anh Phia (Trương Văn Phia). Bản tin đầu tiên của TTXGP được những điện báo viên phát bằng một chiếc máy phát Trung Quốc. Bàn ghế cũng chưa có nên mọi người đều ngồi trên một chiếc tăng vải. Lúc đó, ngoài anh Ba Đỗ thì những người còn lại đều chỉ là người mới, chưa biết gì về kỹ thuật điện báo.

“Hôm đó, anh Song thì quay Ragono, anh Ba Đỗ phát tin còn chúng tôi vừa tò mò vừa hồi hộp ngồi quanh, cũng không biết rõ bản tin có nội dung gì vì anh Ba Đỗ cầm giấy phát tin. Chỉ biết đó là bản tin đầu tiên, phát lên để chứng tỏ sự có mặt của ta (TTXGP) và chỉ ngay ngày hôm sau, đài BBC đưa tin về sự ra đời của TTXGP. Cũng từ sau hôm đó, các bản tin của ta được liên tục được truyền đi” - ông ĐoànVăn Thiều, một nhân chứng của buổi chiều phát tin lịch sử ấy tự hào kể lại.

Buổi phát tin đầu tiên chỉ mười mấy phút vào buổi chiều 12/10/1960 năm ấy đã trở thành dấu mốc đánh dấu sự ra đời của TTXGP, trở thành dấu ấn đầy tự hào của các thế hệ cán bộ TTXGP.

***

Trong giai đoạn 1960 - 1972, TTXGP liên tục thay đổi căn cứ từ chiến khu Tây Ninh, sang Mã Đà (chiến khu Đ, Đồng Nai), có lúc ở giáp biên giới Campuchia hoặc tạm lánh sang đất bạn Campuchia, rồi trở về chiến khu Lò Gò (Tây Ninh) khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở Đông Dương…

“Trong quá trình di chuyển dài ngày, trên đường hành quân, khi đến giờ phát tin, các kỹ thuật viên dừng lại đặt máy thu phát, phát xong bản tin ra tổng xã tại Hà Nội là lại thu dọn để tiếp tục hành quân. Hay khi địch càn vào căn cứ, cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên TTXGP cầm súng chiến đấu để bảo vệ căn cứ, phương tiện làm việc, đồng thời bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt với tổng xã Hà Nội và các địa phương” - nguyên điện báo viên TTXGP Đoàn Văn Thiều chia sẻ.

Anh Tuấn - Xuân Khu - Thanh Vũ - Thành Chung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm