Học phí kiểu chợ trời!

23/03/2009 09:39 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Việc trường ĐH Hồng Bàng ra quyết định tăng học phí nhưng sau đó đã thu hồi quyết định vì sinh viên phản đối, tưởng như là chuyện “nhỏ” nhưng thực ra là vấn đề đáng ngại bởi có rất nhiều hệ lụy đối với người học nói riêng, với toàn xã hội nói chung.

Không thể biện minh với bất kỳ lý do nào về lẽ một năm trước học phí dưới 5 triệu đồng/năm, sau đó đã tăng đến 3.490.000 đồng một học kỳ và vừa rồi ĐH Hồng Bàng lại định thu học phí, riêng học kỳ II là 3.975.000 đồng - tức là xấp xỉ 8 triệu đồng/năm. Học phí đó không hề tương xứng với tỷ lệ lạm phát và lại càng không thể cân xứng với đầu tư “tăng” về chất lượng.

Mặt khác, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng đó không chỉ là “chuyện riêng” của ĐH Hồng Bàng mà là chuyện chung của rất nhiều trường ĐH dân lập khác. Chiêu thức năm đầu học phí “giá rẻ”, năm thứ hai tăng thêm rồi đến năm thứ tư đẩy lên cao chót vót là bài học xưa như trái đất. Không ít hệ đào tạo vừa học vừa làm của một số trường công cũng thực hiện sự biến hoá này. Nhà nước cần phải vào cuộc. Tại sao giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng được Nhà nước kiểm soát, điều tiết nhưng “giá học” thì không? Một sự thật ở nước ta hiện nay là nước máy đục, bẩn vẫn đòi tăng; điện khi có khi không cũng tăng; chất lượng giáo dục có bao nhiêu điều phải bàn cũng tăng nốt...

Giải pháp ở đâu?

Thứ nhất, cần phải có một cuộc điều tra, xếp hạng chất lượng của các trường để từ đó có cách kiểm soát về chất lượng và học phí. Không ai phàn nàn nếu học phí tăng cùng với chất lượng. Đây không chỉ tạo nên hiệu ứng kinh tế mà còn tạo nên sự cộng hưởng về cạnh tranh chất lượng thực sự giữa các trường.

Thứ hai, cần phải có những chế định rõ ràng về mức học phí theo từng cấp học, tương tự như kiểm soát giá điện nước. Nếu hoàn toàn thả nổi cho tất cả mọi ngành kinh doanh tự điều tiết về giá cả thì lại là chuyện khác. Nhìn một cách tổng thể, hiện nay, ngành kinh tế béo bở nhất là kinh doanh “chữ”! Xin dẫn chứng: Một lớp học tại chức 150 học viên, thu mỗi học kỳ 150 triệu nhưng tổng chi phí trả cho người dạy mỗi tiết bình quân 50.000 đồng nhân với 450 tiết là 22,5 triệu đồng. Tiền vé máy bay, ăn ở cứ cho là gấp đôi con số đó thì mỗi năm vẫn lãi ròng ít nhất 150 triệu đồng/1 lớp(!)

Thứ ba, không thể dối lừa người học bằng cung cách tăng dần học phí theo cách thức như hiện nay. Tổng gói học phí cho cả khoá đào tạo phải được thông báo trước một cách rõ ràng. Trong đó phải tính đủ cả nguyên tắc trượt giá. Nếu lỗ thì cơ sở đào tạo phải chấp nhận chứ không thể sợ lỗ rồi muốn tăng thêm là tăng!

Hà Văn Thịnh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm