Hiểm họa với trẻ từ ban công trong nhà

05/12/2011 14:51 GMT+7 | Thế giới

5 em bé đã ngã từ ban công xuống đất tử vong trong năm qua, gần nhất là vụ bé trai 4 tuổi ở Hà Nội rơi từ tầng 9 chung cư. Cha mẹ lo lắng an toàn cho con ngay trong nhà, còn các chuyên gia khuyên người lớn đừng nên bất cẩn.

Tai nạn xảy ra sáng 3/12 tại tòa nhà 11 tầng của khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp khiến nhiều người bàng hoàng. Người mẹ thấy con đang ngủ nên khi đưa con gái học lớp 4 đến trường, chỉ đóng cửa sau (lối ra ban công) mà không khóa. Trở về nhà không thấy con đâu, người mẹ tìm khắp nơi và đau khổ phát hiện thi thể cháu nằm ở mái tầng 2. Trên ban công nhà vẫn còn chiếc ghế nhỏ màu xanh, nên nhiều người phỏng đoán bé trèo lên chiếc ghế chồm ra lan can nên ngã xuống đất...


Ban công tầng 9, khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, nơi xảy ra vụ tại nạn. Ảnh: Lê Hiếu

Chị Hương cũng sống tại khu đô thị Pháp Vân chia sẻ: "Con mình cũng tầm tuổi cháu bé bị nạn nên biết tin mình thấy sợ lắm. Trẻ con không biết nguy hiểm để tránh xa, nói thì đau lòng nhưng nguyên nhân cũng tại người lớn bất cẩn".

Theo chị Hương, khu nhà chị đang sống lan can ban công khá cao, người lớn đứng còn thấy cao nên an toàn với trẻ con. Thế nhưng tuyệt đối không bao giờ nhà chị để đồ đạc ở ngoài lan can mà con trẻ có thể đứng lên để ngó xuống đường. Nhiều nhà hay để máy giặt, ghế ở ngoài ban công rất nguy hiểm.

Còn chị Thắm (Gia Lâm, Hà Nội) sau tai nạn này đã yêu cầu cả nhà tuyệt đối không được để cậu con trai mới hơn 2 tuổi ra ban công chơi một mình.

"Là con trai nên cháu nghịch lắm, cũng nào cũng thích leo trèo, thoáng một cái không để ý đã thấy leo tót lên cầu thang ra ban công chơi. Nhiều lúc bận quá, tôi bảo chị cháu đang học lớp 3 trông em, nhưng giờ thì chắc không dám mất cảnh giác như thế nữa. Cứ đóng kín cửa ra ban công cho an toàn, nhà tối một tý cũng đành chịu vậy", chị Thắm nói.

Đây không phải lần đầu tiên trẻ bị rơi từ ban công của chung cư xuống. Những tai nạn đáng tiếc đó xảy ra một phần vì sự bất cẩn của người lớn.

Tháng 6/2010, tại khu đô thị mới Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội), một bé gái 3 tuổi đã rơi từ ban công tầng 5 xuống đất, tử vong. Tai nạn có thể đã không xảy ra nếu người thân không để bé ở nhà một mình dù là đang ngủ và nếu không có chiếc ghế đặt cạnh lan can, để trẻ đứng lên.

3 tháng sau, cũng tại Hà Nội, một bé trai 4 tuổi cũng đã trèo lên chiếc ghế đặt ngoài ban công và rơi từ tầng 11 xuống ban công tầng 1. Nguyên nhâncũng chỉ vì trong lúc vội đi chợ, người mẹ quên khóa cửa từ phòng khách ra ban công, nơi có đặt chiếc ghế salon.

Các chuyên gia về an toàn cho rằng ngã ở trẻ em phần lớn là do sự vô ý hoặc bất cẩn của người lớn hoặc tính tò mò, hiếu động nghịch ngợm, chưa nhận thức được hết những nguy cơ xảy ra tai nạn của trẻ.

Một bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức cho biết, ngã là tai nạn hay gặp ở trẻ nhỏ. Hậu quả với các em bé thường rất nặng nề vì trẻ không có khả năng chống đỡ. Nó có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng, từ gãy xương, chấn thương ngực, chấn thương bụng đến chấn thương sọ não hoặc nhiều cơ quan, dẫn đến tàn phế thậm chí là tử vong.

Rất nhiều trường hợp hoàn toàn có thể phòng tránh tai nạn được. Các biện pháp phòng ngừa rất đơn giản, dễ thực hiện. Đối với trẻ nhỏ, phải luôn có người lớn chăm sóc bên cạnh khi ăn, ngủ, chơi. Không để trẻ dưới 10 tuổi trông trẻ dưới 3 tuổi.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần giáo dục cho trẻ biết các nguy cơ và hậu quả có thể xảy ra khi ngã, giáo dục bé tránh các trò chơi nguy hiểm như nhảy từ trên cao, thả diều trên sân thượng...

Theo một chuyên trang sức khỏe của Australia, để ngăn ngừa trẻ ngã từ ban công, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau:

- Những thứ mà trẻ em có thể trèo lên hoặc đứng lên như bàn, ghế hoặc chậu cảnh nên được đặt tránh xa rìa ban công.

- Đừng để bàn, ghế nhẹ tại bất kỳ nơi nào trên ban công, trẻ em có thể kéo những thứ này đến rìa ban công.

- Sử dụng các bề mặt không trơn trượt trên ban công

- Đảm bảo rằng lan can (thanh chắn) ban công đảm bảo đủ các tiêu chuẩn hiện hành: ít nhất là cao 1 m, tốt nhất là cao hơn 1,3 m, không có các khe hở nào rộng hơn 10-12,5 cm, không có phần nào mà trẻ có thể dùng làm điểm tựa leo lên hoặc trèo qua ban công

- Khi không sử dụng ban công hãy khóa các cửa lớn và cửa sổ nơi ban công.

- Đừng sử dụng ban công làm nơi chơi đùa.

- Khi đến thăm các nhà khác hãy coi chừng ban công nguy hiểm, đừng bao giờ cho trẻ ra ban công mà không có người lớn đi kèm.

Theo VnExpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm