02/11/2021 21:47 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Tiếp tục cập nhật
Khẩn trương khống chế ổ dịch COVID-19 tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Liên quan đến ổ dịch tại thị xã Nghi Sơn, chiều tối 2/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại đây.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa, ổ dịch tại thị xã Nghi Sơn là ổ dịch lớn, phức tạp, xảy ra trong bệnh viện có đông cán bộ, nhân viên, bệnh nhân và người nhà đến điều trị, chăm sóc, liên hệ công tác; liên quan đến nhiều cụm dân cư, đơn vị, trường học. Tính đến tối 2/11, tại ổ dịch này đã ghi nhận 18 ca F0, xuất hiện ở 7 xã, phường trên địa bàn thị xã Nghi Sơn. Lực lượng chức năng đã tiến hành truy vết, đưa đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm 249 trường hợp F1, cách ly tại nhà 730 trường hợp F2.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng đã yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thị xã Nghi Sơn khẩn trương thông báo đến nhân dân về việc dừng một số hoạt động không thiết yếu trên địa bàn toàn thị xã và thực hiện nghiêm việc này ở 7 xã, phường có các ca F0; hạn chế tập trung đông người tại các chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại, nơi công cộng… theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Đồng thời, thị xã cần khẩn trương xây dựng phương án cách ly các trường hợp F1 trong tình huống số F1 tăng đột biến, cần tính đến phương án chuyển đổi công năng của Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn thành bệnh viện điều trị COVID-19 trong trường hợp số lượng F0 tăng nhanh…
Kể từ ngày 3/11, toàn bộ học sinh Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở, Phổ thông Trung học ở 7 xã có F0 trên địa bàn thị xã Nghi Sơn sẽ được nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19.
Để triển khai hiệu quả các giải pháp khống chế dịch, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo, trong chiều và tối 2/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thị xã Nghi Sơn đã phối hợp với lực lượng chức năng di chuyển, giãn cách 209 bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế ra khỏi khu vực phong tỏa Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn đến khu cách ly tập trung của thị xã. Trong số đó có 89 bệnh nhân mắc các bệnh thông thường được điều trị ổn định cùng 80 người nhà được di chuyển ra khu cách ly bên ngoài bệnh viện.
Việc giãn cách người ra ngoài khu phong tỏa nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo, triển khai hiệu quả các giải pháp khống chế dịch. Ngoài ra 40 nhân viên y tế cũng được di chuyển theo để tiếp tục chăm sóc, theo dõi sức khỏe các bệnh nhân. Trước khi di chuyển ra ngoài khu phong tỏa, các bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế đã được xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Tại khu vực phong tỏa Bệnh viện Đa khoa thị xã Nghi Sơn hiện còn gần 200 bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế bệnh viện.
Có 5.637 ca mắc COVID-19 tại 52 địa phương, Đồng Nai nhiều nhất 858 ca
Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 1/11 đến 16 giờ ngày 2/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.637 ca nhiễm mới, trong đó 24 ca nhập cảnh và 5.613 ca ghi nhận trong nước (tăng 18 ca so với ngày trước đó) tại 52 tỉnh, thành phố; có 2.258 ca trong cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Đồng Nai (858 ca), Bình Dương (780 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (682 ca), Kiên Giang (421 ca), Bạc Liêu (316 ca), An Giang (314 ca), Tiền Giang (202 ca), Sóc Trăng (165 ca), Bình Thuận (164 ca), Cần Thơ (146 ca), Tây Ninh (131 ca), Long An (116 ca), Bắc Ninh (115 ca), Hà Giang (93 ca), Đồng Tháp (91 ca), Ninh Thuận (89 ca), Đắk Lắk (80 ca), Gia Lai (74 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh (mỗi địa phương 67 ca), Cà Mau (62 ca), Phú Thọ (59 ca), Hà Nội (56 ca), Vĩnh Long (50 ca), Bến Tre (47 ca), Hậu Giang (46 ca), Thanh Hóa (45 ca), Bình Định (40 ca), Nghệ An (36 ca), Khánh Hòa (26 ca), Hà Nam (21 ca), Lâm Đồng (20 ca), Bắc Giang (17 ca), Bình Phước (13 ca), Đắk Nông, Quảng Nam (mỗi địa phương 11 ca), Thừa Thiên Huế, Kon Tum (mỗi địa phương 10 ca), Quảng Ngãi (9 ca), Thái Nguyên (8 ca), Đà Nẵng, Quảng Bình, Nam Định (mỗi địa phương 7 ca), Hải Dương, Hải Phòng (mỗi địa phương 4 ca), Vĩnh Phúc, Quảng Ninh (mỗi địa phương 3 ca), Hà Tĩnh, Sơn La, Tuyên Quang, Hưng Yên (mỗi địa phương 2 ca), Điện Biên, Lào Cai (mỗi địa phương 1 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Thành phố Hồ Chí Minh (245 ca), Đắk Lắk (84 ca), Bạc Liêu (66 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (201 ca), An Giang (99 ca), Bình Dương (98 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 5.160 ca/ngày.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 932.357 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.465 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 927.494 ca, trong đó có 821.989 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 12 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (433.751 ca), Bình Dương (234.520 ca), Đồng Nai (67.294 ca), Long An (35.063 ca), Tiền Giang (17.009 ca).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 2/11 là 2.741 ca; Tổng số ca được điều trị khỏi là 824.806 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.950 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.022 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 501 ca; Thở máy không xâm lấn: 111 ca; Thở máy xâm lấn: 303 ca; ECMO: 13 ca.
Từ 17 giờ 30 phút ngày 1/11 đến 17 giờ 30 phút ngày 2/11, cả nước ghi nhận 74 ca tử vong; trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (31 ca), Bình Dương (19 ca), An Giang (6 ca), Kiên Giang, Đồng Nai (mỗi địa phương 4 ca), Long An (3 ca), Cần Thơ, Tiền Giang (mỗi địa phương 2 ca), Tây Ninh, Khánh Hòa, Đắk Lắk (mỗi địa phương 1 ca).
Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 58 ca/ngày.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.205 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 90.603 xét nghiệm cho 205.060 lượt người; từ 27/4/2021 đến nay đã xét nghiệm 22.396.096 mẫu cho 60.740.162 lượt người.
Trong ngày 1/11 có 1.277.565 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 83.131.464 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 58.013.895 liều, tiêm mũi 2 là 25.117.569 liều.
Hà Nội ghi nhận 62 ca COVID-19 mới, thêm ổ dịch ở Gia Lâm
Sở Y tế Hà Nội tối 2/11 thông báo TP vừa ghi nhận thêm 62 ca dương tính SARS-CoV-2 mới, trong đó có 12 ca cộng đồng, khu cách ly (47), khu phong tỏa (3).
Các ổ dịch phức tạp vẫn liên tiếp ghi nhận ca mới. Nhiều người phát hiện dương tính từ dấu hiệu ho, sốt.
62 ca mắc mới phân bố theo 16 quận, huyện: Quốc Oai (17), Mê Linh (16), Hoàng Mai (07), Hoài Đức (5), Gia Lâm (3), Nam Từ Liêm (3), Hà Đông(2), Thanh Oai (1), Cầu Giấy (1), Phú Xuyên (1), Chương Mỹ (1), Sóc Sơn (1), Thanh Xuân (1), Đống Đa (1), Ba Đình (1), Long Biên (1)
Phân bố theo các chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm liên quan ổ dịch tại Sài Sơn, Thị trấn Quốc Oai (18); Chùm liên quan ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng - Mê Linh (16); Liên quan các tỉnh có dịch (06), Chùm liên quan ổ dịch Nam Dư, Lĩnh Nam (05); Chùm liên quan ổ dịch Phú Vinh, Hoài Đức (05); Chùm sàng lọc ho sốt (4); Chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (3); Chùm liên quan ổ dịch Lê Đức Thọ, Mỹ Đình (3); Chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt (2).
Như vậy, ổ dịch ở Quốc Oai từ 24/10 đến nay đã có 128 ca mắc, ổ dịch ở Mê Linh từ 27/10 tới nay đã có 80 ca mắc, ổ dịch Lĩnh Nam (từ 30/10) có 21 ca, ổ dịch Hoài Đức (từ 31/10) có 13 ca, ổ dịch Mỹ Đình (từ 31/10) có 7 ca; ổ dịch Ninh Hiệp (Gia Lâm) có thêm 3 ca sau khi phát hiện ca đầu tiên vào hôm qua.
12 ca cộng đồng mới phát hiện ngày 2/11 rải khắp 6 quận, huyện; thuộc có 4 ca thuộc chùm sàng lọc ho sốt; Liên quan các tỉnh có dịch (3), Chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (3), Chùm liên quan ổ dịch Nam Dư, Lĩnh Nam (2).
4 ca phát hiện qua sàng lọc ho, sốt gồm:
Ca thứ 1: Anh B.B.T, 37 tuổi, xã Châu Can, Phú Xuyên. Anh là nhân viên bến bãi Cầu Giẽ thường xuyên tiếp xuất nhập hàng các xe từ nhiều tỉnh thành. Ngày 30/10, anh xuất hiện triệu chứng, ngày 1/11 được làm xét nghiệm test nhanh dương tính, lấy mẫu PCR khẳng định dương tính.
Ca thứ 2: Chị N.T.M.N, 37 tuổi, ở Khu đô thị Gamudar, phường Trần Phú, Hoàng Mai. Ngày 31/10, chị có triệu chứng ho, mệt mỏi. Ngày 1/11, chị có test nhanh dương tính của Bệnh viện Thu Cúc. Ngày 2/11, chị có kết quả xét nghiệm dương tính (BV Phụ sản Hà Nội thực hiện).
Ca thứ 3: Chị P.T.K.O, 26 tuổi, chung cư Sunshine, phường Mai Động, Hoàng Mai. Ngày 1/11, chị đến khám tại Bệnh viện Medlatec được test nhanh kết quả dương tính. Ngày 2/11, chị có kết quả xét nghiệm dương tính (Medlatec thực hiện).
Ca thứ 4: Chị H.T.T.H, 25 tuổi, ở chung cư N01A K35 Tân Mai, phường Tương Mai, Hoàng Mai. Chị là mẹ của bệnh nhân P.Đ.H (trường hợp được sàng lọc ho, sốt dương tính ngày 1/11). Ngày 1/11, chị được lấy mẫu kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Số ca F0 tiếp tục tăng, TP Thái Nguyên thắt chặt nhiều hoạt động trên địa bàn
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), ổ dịch COVID-19 trên địa bàn đã tăng lên 8 ca, tập trung tại các phường Trung Thành, Phú Xá, Hương Sơn.
Như vậy, chỉ trong 3 ngày từ 31/10 đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã ghi nhận 11 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong số đó có 3 trường hợp tại huyện Đồng Hỷ và 8 trường hợp tại thành phố Thái Nguyên.
Đây là những trường hợp di chuyển về Thái Nguyên từ các địa phương khác và có diễn biến dịch tễ rất phức tạp, liên quan đến nhiều trường học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Biện pháp khoanh vùng, truy vết thần tốc đã được các cấp ngành, địa phương khẩn trương thực hiện với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã xác định được gần 200 trường hợp F1 liên quan đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sam sung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên và trên 300 F1 là học sinh, giáo viên của Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An. Hiện công tác truy vết vẫn đang tiếp tục được thực hiện.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch, thành phố Thái Nguyên đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Cụ thể, thành phố đã cho toàn bộ học sinh các cấp học nghỉ học để thực hiện công tác truy vết. Đồng thời, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người nơi công cộng và các trụ sở cơ quan, đơn vị tại 7 phường có liên quan đến các ca dương tính. Trên toàn thành phố thực hiện tạm dừng tổ chức các hoạt động sự kiện, lễ hội, văn nghệ, thể thao , hoạt động tôn giáo tín ngưỡng tập trung đông người… và tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; tạm dừng các hoạt động dạy thêm, học thêm, lớp năng khiếu… (trừ trường hợp tổ chức học trực tuyến); tạm dừng một số hoạt động kinh doanh dịch vụ gồm karaoke, quán bar, vũ trường, quán phục vụ đồ uống vỉa hè, cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử, khu vui chơi giải trí, xông hơi, massage, dịch vụ cắt tóc gội đầu, spa, làm đẹp... từ 17 giờ ngày 2/11/2021. Các nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú… phải đảm bảo giãn cách, có tấm chắn và có danh sách quản lý khách hàng.
Từ khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, dừng hoạt động các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch, tỉnh Thái Nguyên đã tiếp nhận trên 1.500 người dân trở về, trong đó đã phát hiện các ca mắc COVID-19. Như vậy, tính đến thời điểm này, Thái Nguyên đã ghi nhận 40 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 22 ca trong cộng đồng, 11 ca trong khu cách ly tập trung người nhập cảnh và 7 ca trở về từ các tỉnh phía Nam.
Hà Nội ở cấp độ dịch 2: Hàng ăn phục vụ không quá 50% công suất, đóng cửa trước 21 giờ
Theo quy định mới của UBND TP Hà Nội tương ứng với cấp độ dịch 2, cơ quan, công sở hạn chế tiếp khách làm việc trực tiếp. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không quá 50% công suất chỗ ngồi.
Theo Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế) UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 243/KH-UBND thực hiện quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Theo đó, cấp độ dịch của thành phố tính đến thời điểm ngày 29/10/2021 là cấp 2 (vùng vàng, nguy cơ dịch trung bình). Các biện pháp hành chính áp dụng chung cho toàn thành phố tương ứng cấp độ dịch cấp 2 (một số địa bàn xã, phường áp dụng cấp độ 3, 4).
Tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: Tiêu chí 1 là tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian (số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần); tiêu chí 2 là độ bao phủ vaccine (tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19); tiêu chí 3 là bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Điều chỉnh cấp độ dịch theo nguyên tắc, trường hợp không đạt được Tiêu chí 3 thì không được giảm cấp độ dịch.
Tương ứng cấp độ dịch cấp 2, thành phố Hà Nội cho phép những hoạt động sau:
Cơ quan, công sở hạn chế tiếp khách làm việc trực tiếp
Đối với cơ quan, công sở, TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19;
Tăng cường làm việc trực tuyến, hạn chế tiếp khách làm việc trực tiếp tại đơn vị. Những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 không tham gia làm việc và phải thông báo với cơ quan y tế để phối hợp thực hiện phòng, chống dịch.
- Cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng; Cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối; Nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống được phép hoạt động.
- Vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, trò chơi điện tử, bán hàng rong, vé số dạo... vẫn ngưng hoạt động.
- Hoạt động dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm đẹp cần phải thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch COVID-19; chủ cơ sở và nhân viên được tiêm đủ liều vaccine/đã khỏi bệnh COVID-19.
- Đối với bảo tàng, triển lãm, thư viện phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR Code. Mỗi đoàn không quá 10 người; Cán bộ, nhân viên phục vụ được tiêm đủ liều vaccine/đã khỏi bệnh COVID-19.
Đối với các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời:
Các hoạt động trên 30 người:
Khuyến khích thực hiện trực tuyến; trong trường hợp tổ chức trực tiếp phải xây dựng kế hoạch đảm bảo phòng, chống dịch và xin phép chính quyền địa phương và:
100% người tham dự đã được tiêm đủ liều vaccine/đã khỏi bệnh COVID-19.
- Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
- Các hoạt động dưới 30 người:
- Quán ăn nhà hàng phục vụ không quá 50% công suất
Khuyến khích thực hiện trực tuyến, trong trường hợp thực hiện bằng hình thức trực tiếp cần tuân thủ:
- 100% người tham dự đã được tiêm đủ liều vaccine/đã khỏi bệnh COVID-19.
- Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Tổ chức lễ cưới:
- Số lượng người tham dự lễ cưới: Không tập trung quá 30 người/thời điểm.
- Người bên ngoài gia đình chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine không nên tham dự lễ cưới.
- Hoạt động tang lễ với người tử vong không do nhiễm/nghi nhiễm COVID-19:
- Không tập trung quá 30 người/thời điểm.
- Hạn chế các đoàn viếng, mỗi đoàn không quá 5 người.
- Người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine không nên tham dự tang lễ.
- Không tổ chức ăn uống tại lễ tang.
Hoạt động tang lễ với người tử vong do nhiễm/nghi nhiễm COVID-19 (tại cộng đồng): thực hiện theo văn bản số 2233/QĐ-BCĐQG ngày 29/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Hoạt động tập luyện thể dục, thể thao trong nhà:
- Giảm quy mô phòng tập (công suất tối đa 50% và không quá 30 người trong cùng thời điểm); hàng ngày cơ sở cung ứng dịch vụ phải thực hiện vệ sinh, khử khuẩn trang thiết bị.
- Người hướng dẫn, người tham gia hoạt động tập luyện thể dục thể thao đáp ứng điều kiện đã được tiêm đủ liều vaccine/đã khỏi bệnh COVID-19.
Nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống
Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được bán hàng tại chỗ, không quá 50% công suất chỗ ngồi, đảm bảm giãn cách, chủ nhà hàng và nhân viên được tiêm đủ liều vaccine/đã khỏi bệnh COVID-19; đóng cửa nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trước 21h00 hàng ngày.
Hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp
UBND TP Hà Nội đã có văn bản đồng ý với đề nghị của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc cho học sinh trở lại trường học. Theo đó, Học sinh các khối 5, 6, 9, 10, 12 ở 18 huyện/ thị xã có mức độ dịch ở cấp 1, cấp 2 sẽ trở lại trường để học trực tiếp từ thứ Hai, ngày 8/11/2021.Học sinh các khối còn lại vẫn tiếp tục học trực tuyến. Riêng học sinh mầm non nghỉ học tại nhà.
Xuất hiện ổ dịch COVID-19 mới tại Yên Thế (Bắc Giang) với 9 ca F0
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), đến 6 giờ ngày 2/11, huyện ghi nhận 9 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và trong 9 ca này thì có 8 trường hợp đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến ca F0 là N.V.H. (sinh năm 1993, thường trú tại thôn Chè, xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế), công nhân Công ty TNHH Tùng Thành (đóng ở Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) từng về ăn cưới tại thôn Đình, xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Yên Thế đã chỉ đạo Trạm Y tế xã tổ chức phun khử khuẩn, xử lý môi trường toàn bộ khu vực nhà trường hợp F0. Trung tâm Y tế, Công an huyện, Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn nhanh chóng rà soát, truy vết, khoanh vùng các trường hợp liên quan đến ca F0, 2 đám cưới tại thôn Đình, xã Hương Vĩ; quán Bờm bia ở thị trấn Bố Hạ.
Qua điều tra dịch tễ, đến 6 giờ ngày 2/11, ngành chức năng đã truy vết được 271 trường hợp F1, 342 trường hợp F2 và lập danh sách gồm 112 khách mời của phía chú rể và 98 khách mời từ phía cô dâu. Lực lượng y tế đã lấy mẫu xét nghiệm của 596 người.
Trung tâm Y tế huyện Yên Thế thành lập 8 tổ để tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm tại các trường học, thôn Đình, một phần thôn Vàng, quán Bờm bia và các địa điểm khác tại các xã Hương Vĩ, Đồng Hưu, Đông Sơn, Tân Sỏi và thị trấn Bố Hạ.
Lực lượng chức năng cũng phong tỏa toàn bộ thôn Đình, một phần thôn Vàng, xã Hương Vĩ. Huyện Yên Thế quyết định tạm thời cho các trường học trên địa bàn các xã Hương Vĩ, Đông Sơn, thị trấn Bố Hạ, Đồng Hưu tạm dừng đến trường.
Về ổ dịch tại huyện Yên Thế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang nhận định, đây là ổ dịch rất phức tạp do các trường hợp F0 tiếp xúc nhiều người (liên quan đến quán ăn, đám cưới, trường mầm non…). Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản nghiêm khắc phê bình Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Yên Thế, cá nhân Trưởng ban Ban Chỉ đạo và Chủ tịch UBND huyện Yên Thế do chủ quan, lơ là, không quản lý chặt chẽ những người từ vùng dịch tỉnh Bắc Ninh về địa phương, để phát sinh ổ dịch phức tạp.
Để nhanh chóng kiểm soát, khống chế ổ dịch tại xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để dịch từ bên ngoài xâm nhập vào địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu huyện Yên Thế tập trung cao lực lượng, khẩn trương khoanh vùng, truy vết, điều tra, xét nghiệm, cách ly nhằm ngăn chặn sự lây lan của ổ dịch; tạm dừng các hoạt động tập trung đông người và áp dụng các biện pháp khác trong phạm vi thẩm quyền để khống chế thành công ổ dịch trong một tuần.
Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Công an huyện Yên Thế khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn huyện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Giám đốc Sở Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với Huyện ủy Yên Thế để tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan để lây lan dịch bệnh trên địa bàn.
Dừng hoạt động chợ, trung tâm thương mại tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm
Sáng 2/11, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết: Trước diễn biến phức tạp về dịch Covid-19 tại địa bàn xã Ninh Hiệp, UBND huyện Gia Lâm đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã Ninh Hiệp về công tác khoanh vùng, dập dịch.
Theo báo cáo của xã Ninh Hiệp, ngày 1-11, ngay sau khi xuất hiện 1 trường hợp F0 ở thôn 4, lực lượng chức năng xã đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện truy vết, thực hiện phong tỏa, cách ly đối với các trường hợp liên quan; đưa 7 trường hợp F1 đi cách ly tập trung.
Ngoài ra, khi có thông tin các trường hợp F0 ở huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh), ở phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) dương tính với SARS-CoV-2, đã về chợ Ninh Hiệp để mua hàng, người bán hàng ở quán Phở Cồ, thôn 8, xã Ninh Hiệp cũng đã bị lây nhiễm, dương tính với SARS-CoV-2, các lực lượng chức năng của địa phương đã tập trung truy vết. Đến thời điểm hiện tại, đã xác định được 56 trường hợp F1 và 302 F2. UBND xã Ninh Hiệp đã ra quyết định cách ly các F1, F2 tại gia đình.
Ngay trong đêm 1-11, UBND xã Ninh Hiệp ra thông báo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn xã qua hệ thống truyền thanh, gửi quyết định cách ly tại nhà đối với các trường hợp F1, F2; yêu cầu các chợ, trung tâm thương mại, hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động từ ngày 2-11 để phòng, chống dịch cho đến khi có thông báo mới; thực hiện nghiêm túc việc xét nghiệm PCR. Trong thời gian này, địa phương tập trung với tinh thần trách nhiệm cao nhất để sàng lọc, bóc tách nguồn bệnh; tuyên truyền để nhân dân hưởng ứng, thực hiện các biện pháp tăng cường phòng dịch Covid-19, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, không để dịch lây lan, mất kiểm soát.
Trên cơ sở báo cáo của xã Ninh Hiệp, UBND huyện Gia Lâm đã yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm khẩn trương ra thông báo nhanh cho các địa phương lân cận để người dân hạn chế đến địa bàn xã Ninh Hiệp; tổ chức lực lượng thực hiện xét nghiệm PCR cho tất cả hộ kinh doanh trên địa bàn xã (khoảng 4.500 hộ); khẩn trương bóc tách F0, phấn đấu hoàn thành trong 2 ngày. Lực lượng Công an huyện hỗ trợ công an xã rà soát toàn bộ người từ vùng dịch về địa phương và công tác xét nghiệm, an ninh trật tự, quản lý hành chính...
Đồng thời, UBND huyện Gia Lâm cũng yêu cầu các xã, thị trấn không chủ quan, kiểm soát chặt chẽ những người về từ vùng dịch để giám sát, nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Hà Nội khẩn cấp tìm người đến chợ vải Ninh Hiệp sau khi phát hiện ca dương tính
Sáng 2/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo tìm người trên địa bàn thành phố có đến mua bán hoặc liên quan đến chợ vải Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội trong khoảng thời từ ngày 20/10 đến 31/10.
Theo đó, người đến địa điểm trên thực hiện tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc gọi điện đến số đường dây nóng Trạm Y tế xã Ninh Hiệp: 0983.787.646 hoặc Trung tâm Y huyện Gia Lâm: 024.6261.6435 hoặc CDC Hà Nội: 0969.082.115 /0949.396.115 để được hướng dẫn và tư vấn.
Thông báo này được phát đi sau khi phát hiện ca dương tính là N.T.H.G, nữ, sinh năm 1996; ở xóm 4, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm. Đây là ca cộng đồng được ghi nhận vào ngày 1/11.
Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến 18h ngày 1/11) là 4.459 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.709 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.750 ca.
CDC Hà Nội cũng khẩn thiết đề nghị tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc Covid-19.
Hơn 822.000 bệnh nhân được chữa khỏi; người đến TP.HCM chưa tiêm vaccine phải cách ly 14 ngày tại nhà
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 923.451 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 822.000 bệnh nhân COVID-19 khỏi; Người đến TP HCM chưa tiêm vaccine phải cách ly 14 ngày tại nhà; F0 tại nhiều tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ gia tăng.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 923.451 ca mắc COVID-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.408 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 921.881 ca, trong đó có 819.248 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (433.069), Bình Dương (233.740), Đồng Nai (66.436), Long An (34.947), Tiền Giang (16.807).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 2/11 là 1.731 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 822.065
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.962 ca, trong đó:
- Thở oxy qua mặt nạ: 2.067
- Thở oxy dòng cao HFNC: 479
- Thở máy không xâm lấn: 109
- Thở máy xâm lấn: 293
- ECMO: 14
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 56 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.131 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 22.305.493 mẫu cho 60.535.102 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 81.929.875 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 57.332.644 liều, tiêm mũi 2 là 24.597.231 liều.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 2/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 247.779.993 ca, trong đó có 5.019.164 người tử vong Các nước cũng ghi nhận trên 224 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và trên 73.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 1/11, thế giới có 122 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh. Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với số ca nhiễm lần lượt là trên 46,8 triệu ca, trên 34,2 triệu ca và trên 21,8 triệu ca. Xét về số ca tử vong, Mỹ đứng đầu thế giới với 766.815 ca, tiếp đó là Brazil với 607.922 ca và Ấn Độ với 456.354 ca. Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 79,41 triệu ca, tiếp đến là châu Âu với 64,63 triệu ca. Bắc Mỹ ghi nhận 56,24 triệu ca, Nam Mỹ gần 38,42 triệu ca, tiếp đến là châu Phi (8,57 triệu ca) và châu Đại Dương (312.267 ca). |
PV/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất