Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac đối mặt với án tù

23/09/2010 11:58 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Luật sư của cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac vừa thông báo rằng vào cuối năm nay ông có khả năng sẽ ra hầu tòa vì các cáo buộc chiếm đoạt công quỹ và lạm dụng tín nhiệm, qua đó trở thành lãnh đạo đầu tiên của Pháp thời kỳ hiện đại phải đứng trước vành móng ngựa. Nếu bị cho là có tội, người đàn ông 78 tuổi này sẽ đối mặt với án tù tối đa 10 năm và mức phạt tới 200.000 USD.

Báo chí Pháp cho biết hoạt động sai trái của Jacques Chirac diễn ra trong thời gian ông làm Thị trưởng Paris. Sau một cuộc điều tra dài hơi, nhà chức trách kết luận rằng Chirac đã dùng tiền từ quỹ lương của thành phố để trả cho 21 cộng sự, trợ lý, những người được bố trí các công việc không hề liên quan tới lợi ích của thành phố.

Cáo buộc chi sai 2,2 triệu euro cho 21 cộng sự

Việc điều tra bắt đầu từ cuối những năm 1990, theo sau lá đơn kiện của một người đóng thuế Pháp. Tuy nhiên Jacques Chirac chỉ bị đưa vào diện điều tra chính thức cách đây 3 năm, do ông được hưởng quyền miễn trừ truy tố trong thời gian làm Tổng thống (1995-2007).

Trong quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát đã xem xét các hoạt động của hơn 400 cộng sự, trợ lý của Chirac khi ông là thị trưởng và lọc ra được 21 con người được trả lương trái phép. Trong số đó, có một người được trả tiền để làm vệ sĩ cho một lãnh đạo công đoàn. Người khác lại được trả tiền vì hỗ trợ một vận động viên leo núi Alpine?!.

Năm ngoái, thẩm phán điều tra Xaviere Simeoni đã yêu cầu ông Jacques Chirac phải hầu tòa vì chiếm đoạt công quỹ và lạm dụng tín nhiệm. Song song với đó, chính quyền thành phố Paris cũng đâm đơn kiện Chirac, đòi bồi thường số tiền 2,2 triệu euro (2,8 triệu USD) ước tính mà ông đã tiêu để chi lương cho 21 cộng sự và một số khoản phí phụ khác. Tiến trình kiện tụng dân sự và hình sự sau đó được hợp nhất vào một vụ.

Bản thân Chirac luôn khẳng định ông không làm gì sai trái. Vừa qua ông đã đạt được một thỏa thuận bồi thường ngoài tòa với chính quyền thành phố Paris. Một số quan chức thành phố cho tờ tuần báo Le Canard biết rằng ông Chirac sẽ trả khoản tiền 550.000 euro trong khi đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) cầm quyền hỗ trợ trả 1,65 triệu euro.

Theo Jean Veil, luật sư riêng của Chirac, thỏa thuận dân sự kể trên không phải là một lời nhận tội từ phía thân chủ ông. Chirac vẫn khẳng định tất cả 21 người nhận lương đã làm các công việc có ích cho thành phố tuy nhiên ông “vẫn mong muốn đền bù lại cho thành phố Paris khoản tiền đang gây tranh cãi”.

Sẽ ra tòa nhưng ít khả năng bị kết án

Được biết chính quyền Paris đã có không ít lần thông qua những thỏa thuận ngoài tòa tương tự trong quá khứ. Hồi năm 2004, đảng UMP đã phải chi 900.000 euro cho chính quyền thành phố, khi cựu Thủ tướng Alain Juppe đối mặt với cáo buộc biển thủ công quỹ.

Tương tự, nghiệp đoàn Force Ouvriere cũng phải trả khoản tiền 228.000 euro, vốn được trích từ quỹ tiền của thành phố để trả lương cho một tài xế riêng của lãnh đạo nghiệp đoàn Marc Blondel.

Bởi thế, việc Chirac và UMP hoàn lại khoản tiền 2,2 triệu euro không có gì bất thường. Tuy nhiên khoản tiền bồi thường chỉ dẫn tới việc hủy bỏ lá đơn kiện dân sự của chính quyền Paris. Chirac vẫn đối mặt với một cáo buộc chiếm đoạt công quỹ, vốn mang án tù lên tới 10 năm và mức phạt khoảng 150.000 euro (khoảng 200.000 USD).

Song theo giới quan sát, sẽ khó có khả năng ông Chirac phải vào tù. Hồi năm ngoái, các công tố viên Pháp đã cho rằng cáo buộc hình sự chống lại Chirac cần phải bị hủy bỏ do không có chứng cứ nào cho thấy ông Chirac cố tình làm sai quy định hòng chiếm đoạt công quỹ. Với việc ông đã bồi thường lại cho chính quyền Paris, xét về mặt lôgíc, các cáo buộc hình sự cũng không còn cơ sở để tồn tại.

Thiệt hại về danh tiếng cho đảng UMP

Mặc dù không gây ảnh hưởng nhiều tới Chirac, vụ việc lại gây thiệt hại về danh tiếng cho đảng UMP của Tổng thống Nicolas Sarkozy. Trong khi Chirac, một trong những sáng lập viên của UMP, gây quan ngại trong dư luận về tình trạng sử dụng sai công quỹ, một số thành viên UMP gần đây đã vướng cáo buộc nhận tiền vận động tranh cử trái phép.

Dự kiến phiên tòa hình sự xử Chirac sẽ bắt đầu từ tháng 11 năm nay hoặc có thể là đầu năm sau và sẽ thu hút sự chú ý lớn của dư luận. Được biết kể từ khi mãn nhiệm, Chirac đã xuất bản hồi ký và lập quỹ Hòa bình. Năm ngoái, trong cuộc thăm dò do hãng Ifop tiến hành, ông vẫn được bầu chọn là một trong những chính trị gia được ưa thích nhất của Pháp với 76% cử tri ủng hộ.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm