Cựu Tổng thống Pháp Chirac sẽ ra tòa vì tội tham ô?

31/10/2009 11:14 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 30/10, báo chí phương Tây cho biết cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac có thể sắp phải ra hầu tòa vì tội tham ô. Hồi còn là thị trưởng Paris, ông Chirac từng “bố trí” công việc “ma” cho hàng chục đồng minh chính trị để họ được lĩnh lương dù chẳng làm gì phục vụ lợi ích của thành phố.

Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Chánh án Xaviere Simeoni, người quyết định lôi ông ra tòa

Những tội danh nghiêm trọng

Các cáo buộc chống lại ông Jacques Chirac liên quan trực tiếp tới những tháng cuối của chính trị gia này ở ghế thị trưởng Paris. Ông Chirac làm thị trưởng trong giai đoạn 1977-1995 và sau đó giữ ghế tổng thống cho tới năm 2007. Theo Chánh án Tòa Sơ thẩm Paris Xaviere Simeoni, nhà chức trách đã điều tra lời tố cáo về việc cựu Thị trưởng Chirac tạo ra khoảng 35 công việc “ma” cho bạn bè và cộng sự thân tín. Những người này tháng nào cũng bỏ túi một khoản lương không nhỏ dù chẳng làm gì cho Hội đồng Thành phố hoặc chỉ làm trong Ủy ban vận động tranh cử tổng thống của ông Chirac.

Nhà chức trách Pháp đã mở cuộc điều tra hoạt động điều hành Hội đồng Thành phố Paris của ông Chirac từ năm 1999, sau khi nhận được đơn tố cáo về tình trạng lạm quyền, tham ô, sử dụng vốn trái phép cho đảng của ông, hủy chứng cứ và làm giả tài liệu. Dù vậy, cuộc điều tra vẫn không ngăn cản được ông Chirac tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào năm 2002 với 82% số phiếu ủng hộ, đánh bại đối thủ Jean-Marie Le Pen trong cuộc bầu cử vòng 2. Nhiều cử tri vốn ủng hộ Le Pen sau đó đã chuyển sang đảng của ông Chirac với lý do “thà bầu một người mắc tội còn hơn là bầu một tên phát xít”.

Cùng năm 2002, cựu Chánh văn phòng của ông Chirac bị điều tra vì tội tham gia vụ hợp đồng lao động “ma” làm cho Paris thiệt hại 4,5 triệu euro. Bản thân ông Chirac không hề hấn gì do có quyền miễn trừ truy tố. Song dường như vận may của ông đã hết. Sau cả chục năm điều tra, xem xét 481 trường hợp nghi vấn, nhà chức trách đã phát hiện 21 hợp đồng “có vấn đề” liên quan tới công việc “ma” trong vụ này. Dựa vào đó, cơ quan điều tra cáo buộc ông Chirac đã phạm các tội lạm dụng công quỹ, lạm dụng tín nhiệm và làm giả giấy tờ.

Cựu tổng thống đầu tiên ra tòa?

Trong suốt chiều dài sự nghiệp kéo dài hơn 40 năm, ông Chirac đã đối diện với hàng loạt cáo buộc tham nhũng. Theo tờ Daily Mail, ngay cả một số người đã chết cũng để lại bằng chứng chống ông Chirac. Chẳng hạn, doanh nhân chuyên về bất động sản kiêm môi giới chính trị Jean-Claude Mery đã ghi lại một đoạn video trước khi qua đời vào năm 1999 để tố cáo ông Chirac nhận từ tay mình ít nhất 823.000 USD tiền “lại quả”.

Bà quả phụ Bernadette và con gái cũng buộc phải cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra. Có tin nói họ đã thấy “những va li chứa đầy tiền” dùng để chi trả cho nhiều hoạt động của gia đình Chirac, từ các kỳ nghỉ sang trọng tới những chuyến bay. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Pháp luôn bác bỏ việc ông nhận tiền “lại quả”. Theo ông, những khoản tiền mà mình có được đều lấy từ các quỹ đầu tư của gia đình hoặc tiền thưởng.

Tháng 9/2007, phần lớn các đơn tố giác ông Chirac đã bị cơ quan công tố bác bỏ do không thu thập đủ chứng cứ. Song Chánh án Xaviere Simeoni vẫn quyết tâm lôi bằng được ông Chirac ra tòa. Bà giữ lại hai cáo buộc của cơ quan điều tra, chỉ hủy bỏ cáo buộc liên quan tới tội làm giả tài liệu chính phủ.


Cựu Tổng thống Chirac là chính trị gia được ưa thích nhất ở Pháp với 76% số người ủng hộ


Ngay sau khi nghe quyết định từ Tòa Sơ thẩm, Dominique Paille - phát ngôn viên của Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP) - đã lên tiếng phản đối: “Ông Jacques Chirac là người được nhân dân Pháp yêu mến. Thật hổ thẹn khi vào cuối sự nghiệp của ông, người ta lại cố lôi ông ra tòa”.

Tuy nhiên, một số nhà bình luận Pháp đã công kích ông Chirac. Cựu nghị sĩ chuyển sang nghề phóng viên Noel Mamere tuyên bố: “Nếu quả là đang sống trong một nền dân chủ Anglo-Saxon thì từ rất lâu rồi, chúng ta đã có thể yêu cầu tổng thống phải giải thích mọi việc trước quan tòa cùng dân chúng và có thể sau đó sẽ từ chức”.

Điều trớ trêu là quyết định hầu tòa được đưa ra đúng lúc tỷ lệ ủng hộ ông Chirac đang lên cao. Cuộc thăm dò do Ifop poll tiến hành theo đơn đặt hàng của tạp chí Paris Match trong tháng này cho thấy rằng ông là chính trị gia được ưa thích nhất ở Pháp với 76% số người ủng hộ.

Theo luật Pháp, quyết định đưa ông Chirac ra tòa chỉ có thể bị hủy nếu Công tố viên Jean-Claude Marin làm đơn kháng án chống lại quyết định của Tòa Sơ thẩm và buộc Tòa Phúc thẩm Paris phải can thiệp đưa ra quyết định cuối cùng. Bản thân Marin nói rằng ông không thấy có bất cứ cơ sở pháp lý nào để đưa ông Chirac ra tòa. Trong trường hợp Marin can thiệp, các tòa án sẽ phải mất vài tháng để đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng nếu quyết định của Tòa Sơ thẩm không bị đảo ngược, ông Chirac sẽ trở thành cựu tổng thống Pháp đầu tiên trong lịch sử phải ra tòa, một sự kiện được đánh giá là hết sức “mất mặt” cho nước này.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm